Tỉnh Hà Tĩnh phá hoại suối và rừng, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống nhân dân phía hạ nguồn, một ngày cuối tháng 6/2013, nhóm PV báo Đời sống và Tiêu dùng đóng vai là những “phu vàng” cận cảnh “vàng tặc” khai thác vàng trái phép nơi đây.
Đột nhập…
Xuất phát từ TP. Hà Tĩnh lúc sáng sớm, đến trung tâm xã Hương Điền, huyện Vũ Quang khi mặt trời đã lên cao, chúng tôi phải gửi xe ô tô lại bên sông Ngàn Trươi để qua con đò thứ nhất của sông Ngàn Trươi đi bộ vào rừng . Đi tiếp khoảng 3 km thì đến con đò thứ 2 thì đã đứng bóng mặt trời, chúng tôi quyết định quay lại vào nhà dân tìm hiểu thông tin cụ thể về việc khai thác vàng trái phép tại địa phương này.
Thông tin của người dân cho biết: Có một nhóm “vàng tặc” đang khai thác vàng trái phép tại khu vực Khe Đừng, xã Hương Điền, huyện Vũ Quang và một nhóm nữa đang chuẩn bị đưa dụng cụ và người vào khai thác vàng tại đây. “Tình trạng khai thác vàng ở đây diễn ra đã lâu, có những khi nước thải khai thác vàng đục ngầu cả dòng sông Ngàn Trươi, chính quyền xã huyện đều biết nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra trong thời gian lâu như vậy”, một người dân xã Hương Điền nói.
Ăn trưa xong, chúng tôi nhờ một người bản địa dẫn đường, tiếp tục qua con đò thứ 2 rồi đi bộ tiếp chừng 2km. Đến một khúc sông chảy xiết, tất cả anh em phải xắn quần lội qua. Băng thêm một đoạn, đến một con suối nước đục ngầu, bùn đặc quánh lại. Trước mắt chúng tôi thấy một nhóm 3 người đang dùng xe trâu, xe bò kéo hệ thống dàn tuyển vàng vào Khe Tro, Khe Đừng. Phát hiện thấy người lạ, nhóm người này tháo trâu bò ra khỏi xe và người thì lánh đi nơi khác để đánh lạc hướng chúng tôi. Trưa hè miền Trung trời nóng như lửa đốt, chúng tôi tiếp tục lội suối bùn sâu gần đến đầu gối ngược theo dòng chảy đột nhập vào “thánh địa” khai thác vàng trái phép.
Mấy khúc sông, mấy khe suối cuối cùng cũng qua. Chúng tôi cũng tiếp cận được “công trường” khai thác vàng trái phép một cách ngoạn mục. Những máy sàng vàng đang hoạt động hết công suất để tuyển được vàng. Sau khi khai thác, một nhóm “vàng tặc” dùng chất thủy ngân và chất xianua để kết tủa và “bắt” vàng. “Bắt” được vàng xong, hóa chất bị đổ ra suối và chảy thẳng theo nước bùn đất hòa vào dòng sông Ngàn Trươi. Dưới hạ nguồn cách điểm khai thác khoảng 15km có một nhà máy nước sạch của thị trấn Vũ Quang bơm nước từ sông này lên xử lý phục vụ sinh hoạt cho hàng ngàn người dân thị trấn Vũ Quang. Điều này làm cho nhiều người dân phía hạ nguồn lo lắng bởi nguồn nước bị đầu độc từ thượng nguồn.
… “Công trường” khai thác vàng lậu
Hệ thống giàn tuyển, đãi vàng hoạt động liên tục.
Tiếp cận hiện trường tại khu vực Khe Đừng, xã Hương Điền, huyện Vũ Quang- nơi đây vàng tặc đang ngày đêm làm việc liên hồi như một “đại công trường” nhộn nhịp. Một vùng suối và đồi núi rộng lớn bị đốt, bị đào xới tan hoang như vừa bị bom, bùn, đất, đá biến thành một “bãi chiến trường”, nhiều cây rừng chỉ còn trơ gốc nằm chổng chơ giữa trời. Cảnh tượng thiên nhiên bị tàn phá thảm hại như một trận động đất lớn vừa trải qua ở đây.
Bên bờ suối có 2 cái lán trại được dựng lên khá kiên cố để “phu vàng” sinh hoạt và nấu ăn. Dòng suối bị chặn lại để lấy nước phục vụ khai thác vàng đồng thời một chiếc tua-bin phát điện cũng được lắp đặt để cung cấp điện sáng vào ban đêm phục vụ cho việc khai thác.
Giữa “công trường”, 2 chiếc máy nổ ầm ầm hoạt động và liên tục dùng vòi rồng phun nước vào đất đá để làm xói và đãi vàng. Một dàn máng lớn dùng để đãi vàng cũng hoạt động liên tục.
Dưới hố đất sâu có 6 “phu vàng” đang miệt mài làm việc. Bùn đất nhầy nhụa, mỗi người một việc vận hành theo dây chuyền khép kín.
Với vai diễn mình là phu vàng muốn vào đây thăm dò để khai thác vàng chúng tôi tiếp cận “chỉ đạo trưởng công trường” khai thác vàng. Người này tên là Nghĩa, quê ở Nam Định vào đây khai thác vàng một thời gian. Ở đây có một người dân xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang phối hợp với nhóm của ông để khai thác vàng, cả nhóm có 8 người thay nhau làm việc liên tục. “Nhóm của tôi vào đây được 2 tuần rồi”, ông Nghĩa nói. Nhưng quan sát hiện trường thực tế cho cho thấy họ làm ở đây đã mấy tháng chứ không phải mới 2 tuần.
Chúng tôi thăm dò, “làm thế nào để vào được đây khai thác mà không bị chính quyền địa phương ngăn cản” thì ông Nghĩa nói: “Chúng tôi phải “lo” ở xã, ở chỗ anh Hà (anh Hà là Chủ tịch UBND xã Hương Điền- PV), chứ không “lo “thì làm sao mà làm được ở đây”. Nhưng chúng tôi hỏi “lo” như thế nào, “làm luật” theo tháng hay theo tuần và mỗi lần bao nhiêu tiền thì ông Nghĩa không trả lời. Ông Nghĩa cũng cho biết thêm: “Bọn tôi vào đây khai thác vàng kiếm được tý vốn là về chứ không làm ăn lâu ở đây”.
Ai bảo kê cho “vàng tặc”?
Nhiều người dân địa phương khẳng định: Tại khu vực Khe Tro và Khe Đừng thuộc xã Hương Điền, huyện Vũ Quang từ 3 năm trở lại đây vàng tặc thường xuyên vào tàn phá sông suối, rừng để khai thác vàng trái phép dưới hình thức khai thác vàng sa khoáng, lộ thiên 2 bên bờ suối và hình thức đào hầm “bắt nẹp” hàng trăm mét trong lòng đất . “Chính quyền xã Hương Điền vì sao không vào cuộc gắt gao để xử lý hiện tượng này. Thậm chí thiếu sự phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đẩy đuổi và xử lý?”, người dân nơi đây đặt câu hỏi.
Theo CA huyện Vũ Quang, cơ quan công an đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng vào đẩy , đuổi “vàng tặc” nhưng gần như không thu được kết quả. Lý giải cho việc này là mỗi lần cơ quan chức năng đi vào bãi vàng đều phải qua con đường độc địa của xã Hương Điền, khi vào đến địa điểm khai thác vàng thì “phu vàng” và nhiều dụng cụ máy móc đã được “sơ tán”.
Một cán bộ công an huyện Vũ Quang cho biết: “Chúng tôi ráo riết muốn xử lý triệt để vàng tặc ở đây nhưng rất khó khăn trong việc bắt và đẩy đuổi vàng tặc vì mỗi lần tổ chức truy quét thường bị “động” hay sao ấy. Nhiều khi vào đến nơi thì người và tài sản thường đã sơ tán hết, chỉ còn lán trại và một số dụng cụ ít giá trị. Hôm trước chúng tôi vào bắt được một cái máy nổ từ 9h sáng, gọi UBND xã Hương Điền vào phối hợp hỗ trợ để đưa về nhưng mãi đến 2 giờ chiều xã mới vào tới nơi làm anh em thất vọng”.
Được biết, năm 2012, có một nhóm vàng tặc khai thác công khai và trắng trợn đưa cả máy xúc vào để khai thác vàng nhưng chính quyền xã Hương Điền không có động thái gì. Đến khi có một nhóm khác mới vào đến nơi đang bắt đầu dựng được lán trại thì bị xã “tuýt còi” bắt về và “làm luật” 14 triệu đồng. Nhưng bị phát giác là phạt sai nên công an huyện Vũ Quang thu hồi và trả lại tiền cho nhóm người kia đồng thời đẩy đuổi không cho vào khai thác vàng.
Việc khai thác vàng trái phép ở đây không phải là mới, và cơ quan chức năng nhiều lần vào đẩy đuổi nhưng như “bắt cóc bỏ đĩa”, cần sự vào cuộc sát sao hơn của các cơ quan chức năng nhằm xử lý triệt để tình trạng này.
Theo Trí Thức – Hồ Hùng
Dân Tin