Kinh tế

Đổ xăng đi ô tô, xe máy: Dân sắp chịu thêm 1 loại phí mới?

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi 6 Bộ là Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí...

phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Ô tô, xe máy có thể chịu thêm phí mới là phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Các đề xuất này gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp với bộ này trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí.

Trước đó, tháng 5/2016 Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí.

Tuy nhiên đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của 2 bộ này. Cho nên Bộ Tài chính tiếp tục có công văn thúc giục như đã nói ở trên.

Theo Bộ Tài chính, ngày 16/10/2018 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong đó có nội dung Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Hiện nay, theo quy định tại Luật phí và lệ phí, có 2 khoản phí bảo vệ môi trường đang thu là: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Năm 2015, số tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là hơn 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2017 con số này đã tăng lên được 2.100 tỷ đồng, chủ yếu là từ nước thải sinh hoạt.

Với phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, năm 2015 thu được hơn 1.900 tỷ, đến năm 2017 thu được gần 2.500 tỷ đồng.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã có văn bản đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô-tô, xe gắn máy, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện tham gia giao thông.

Trước đó, ngày 28/8/2018, Hà Nội đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP