Chăm sóc sức khỏe

Diện kiến bàn tay vàng của ‘chuyên gia xương khớp’ xứ Nghệ tuổi 80

Không chỉ người dân xứ Nghệ mà khắp cả nước, nhiều người biết đến biệt tài chữa bệnh của cụ bà 80 tuổi, được mệnh danh là chuyên gia về xương khớp này.

Bằng phương pháp thoa dầu, nắn bóp và uống vài viên thuốc, cụ đã chữa khỏi cho hàng nghìn người bị gãy xương, bong gân, trật khớp… Với bệnh nhân nhẹ, cụ chỉ cần nắn bóp khoảng 2 phút, còn nặng thì 5 –10 phút và tái khám lần hai là khỏi hẳn.

Y tá cứu thương thời chiến

Theo những lời rỉ tai của bệnh nhân, chúng tôi tìm đến nhà cụ Đàm Thị Kế (còn gọi cụ Thu), SN 1935, trú tại xóm 2, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ngay từ sáng sớm, phòng khám nhỏ của cụ Thu đã chật kín bệnh nhân, không chỉ là người dân trong vùng, mà còn ở nhiều nơi khác nhau như Phú Thọ, Thanh Hóa, Đồng Nai, TP.HCM… bị gãy xương, bong gân, trật khớp, xếp hàng dài chờ đến lượt thăm khám.

Bệnh nhân vào phòng khám, cụ chỉ hỏi đau ở đâu và sau 2 phút, các khớp xương của bệnh nhân trở lại bình thường, không còn cảm giác đau đớn nữa. Sau khi nắn chỉnh khớp xương, cụ lấy cuộn băng dán vào chỗ đau, rồi sau đó cho ít thuốc về uống trong 6 ngày là khỏi hẳn.

   Diện kiến bàn tay vàng của 'chuyên gia xương khớp' xứ Nghệ tuổi 80 - Ảnh 1

Hàng ngày có hàng chục bệnh nhân tìm đến cụ Thu để chữa bệnh.

Theo tìm hiểu của PV, cụ Thu sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. 18 tuổi, như bao cô gái khác, cụ tham gia vào đội thanh niên xung phong ở miền Bắc. Hoạt động được một thời gian, cụ và 3 đồng đội được cử đi học lớp đào tạo y tá để cứu thương cho các chiến sỹ.

Thời điểm đó, cụ Thu được đào tạo hai khóa học cấp tốc ở huyện Thanh Chương và TP. Vinh, tỉnh Nghệ An do bác sỹ Bình giảng dạy. Được biết, bác sỹ Bình là một người rất giỏi, chỉ cần sờ vào chỗ đau, nắn bóp cho bệnh nhân là bệnh đỡ nhanh.

“Do công nghệ khoa học chưa phát triển nên thời điểm đó, chẩn đoán bệnh chủ yếu cảm nhận bằng tay mà thôi. Chiến tranh kết thúc, tôi về quê mở phòng khám chữa bệnh cho người nghèo”, cụ Thu chia sẻ.

Với các bác sỹ khác, hành nghề để lấy tiền nhưng với cụ Thu, cứu người và giúp bệnh nhân là trên hết. Cụ không phân biệt giàu hay nghèo, các bệnh nhân đến đây đều được cụ chữa bệnh tận tình, thậm chí đối với những người nghèo, cụ chữa bệnh miễn phí hoàn toàn. Cụ cũng không bao giờ lấy quá (so với công sức mình bỏ ra-PV) của bệnh nhân, dù chỉ 1 nghìn đồng. Cụ bảo, chỉ lấy đủ số tiền để duy trì phòng khám mà thôi.

Đối với bệnh nhân bị trật khớp tay, chân, cụ thu khoảng 40 -50 nghìn đồng tiền công và thuốc, với những bệnh nhân nặng như trật khớp lưng, xương chậu… thì cụ cũng chỉ lấy từ 60 – 80 nghìn đồng. Những bệnh nhân đến thăm khám đều phải xếp hàng chờ tới lượt theo quy tắc mà cụ quy định.

Ngoại lệ là những trường hợp quá nặng, cần sơ cứu gấp thì cụ khám ngay, không cần xếp hàng. “Cụ Thu già rồi mà sức khỏe còn dẻo dai lắm, làm việc không biết mệt mỏi. Sáng cụ thăm khám và chữa bệnh từ 6h30 đến 11h, chiều từ 13h30 đến 18h. Bệnh nhân đang đau đớn vì bị trật khớp chân nhưng được cụ nắn bóp khoảng 2 phút là đỡ hẳn. Bàn tay của cụ Thu thật thần kỳ”, ông Nguyễn Văn Hường, một bệnh nhân đến thăm khám cho hay.

Thầy thuốc có tâm

Dù làm việc với cường độ cao như vậy nhưng sức khỏe của cụ Thu vẫn không giảm sút. Ở tuổi “gần đất, xa trời” nhưng trông cụ vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Con cái lo lắng, khuyên cụ nghỉ ngơi nhưng cụ vẫn không chịu. Cụ bảo, còn sức khỏe, còn cứu giúp được người nghèo thì cụ còn cống hiến. “Những lúc hàng xóm láng giềng mời cưới hỏi, giỗ chạp, tôi tranh thủ qua mừng quà rồi nói họ thông cảm để về khám cho bệnh nhân. Bởi vì có nhiều bệnh nhân lặn lội hàng trăm cây số đến để được thăm khám, nên tôi phải giúp họ tận tình”, cụ Thu vui vẻ nói.

“Những bệnh nhân bị gãy chân, tay, tôi nắn chỉnh cho vừa khớp xương rồi bảo người nhà đưa họ đến bệnh viện để bó bột. Không phải tôi không biết bó bột mà vì làm như vậy rất mất thời gian, trong khi đó, có hàng chục bệnh nhân đang chờ để được chữa trị”, cụ Thu tâm sự.

Thậm chí, có nhiều bệnh nhân sau khi trực tiếp đến bệnh viện bó bột nhưng vẫn tìm cụ để chữa trị. “Mấy tháng trước, tôi bị tai nạn, một chân bị gãy và một chân bị trật khớp. Mặc dù đã đi bệnh viện ở Hà Nội để khám và bó bột nhưng tôi vẫn cảm thấy đau nhức. Nghe người thân mách, tôi tìm đến cụ Thu để chữa bệnh. Lúc đầu, nghe họ bảo, cụ Thu chữa bệnh nhanh như chớp tôi không tin. Nhưng khi được cụ Thu trực tiếp thăm khám, tôi thật sự thán phục. Sau khi được cụ nắn bóp tôi đỡ đau hẳn. Một tuần sau đến, cụ nắn bóp, thêm một lần nữa là khỏi hẳn”, một bệnh nhân kể lại.

Với những biệt tài ấy, người dân ví cụ Thu có đôi “bàn tay vàng”. Ngoài những bệnh xương, khớp và bong gân, cụ còn giúp nhiều trẻ em có dấu hiệu bị teo cơ chân, tay đi lại và sinh hoạt được bình thường.

Đối với những trường hợp được cho là khó như có dấu hiệu của teo cơ thì cụ Thu đưa ra liệu trình điều trị lâu hơn, có thể lên tới hàng tháng và bệnh nhân phải kiên trì mới có thể chữa khỏi được.

Điển hình là em Nguyễn Thị Lành (SN 2004) ở xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An bị teo hai chân phải ngồi một chỗ, nhưng qua một thời gian điều trị tại nhà cụ Thu, em đã đi lại được. Mọi sinh hoạt của em giờ không còn phải phụ thuộc vào bố mẹ nữa.

“Thật may mắn khi chúng tôi gặp được lương y Thu. Từ khi con bé bị bệnh, chúng tôi đã đưa đi chữa trị khắp nơi từ đông y đến tây y nhưng cháu vẫn không thể đi lại được. Tuy nhiên, sau khi được mọi người giới thiệu, tôi đã đưa cháu tới điều trị ở nhà cụ Thu nhiều đợt và hiện cháu đã đi lại được. Chúng tôi biết ơn cụ Thu nhiều lắm”, chị Huệ, mẹ cháu Lành xúc động nói.

Không chỉ là một lương y tài ba, cụ Thu còn là một lương y có cái tâm thánh thiện. Cụ luôn tâm niệm “lấy đức làm lãi”: “Làm nghề thuốc phải có cái tâm trong sáng, không vụ lợi và hết lòng với người bệnh”. Với cụ, việc chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân là trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc. Chỉ mong sao, họ khỏe mạnh để vui sống là cụ thấy hạnh phúc.

Lương y như từ mẫu

Ông Đàm Ngọc Yên – Chủ tịch xã Diễn Nguyên cho biết tin tức: “Hiện tại, bệnh nhân tìm đến cụ Thu chữa trị rất đông. Trước đây, bệnh nhân trả công cụ chỉ bằng bó chè, cân gạo thôi, giờ cụ lấy tiền chữa bệnh nhưng cũng rất rẻ. Nhiều bệnh nhân nghèo tìm đến thăm khám, cụ còn điều trị miễn phí. Ai ở xa đến chữa trị, cụ lo nơi ăn ở chu đáo. Cụ Thu đúng là người thầy thuốc vừa có tài, vừa có tâm. Chúng tôi luôn mong cụ sống khoẻ mạnh, trường thọ để giúp được nhiều người dân nghèo bị bệnh”.

Tác giả bài viết: Hà Hằng – Lê Giáp
Nguồn tin: Báo Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP