Xin chữ ngày xuân là thú chơi tao nhã có từ xa xưa, thể hiện truyền thống hiếu học, trọng thầy, trọng chữ của người Việt |
Chia sẻ với chúng tôi, ông đồ Từ Xuân Bắc (Hội viên hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh) cho hay: “Vốn là thầy giáo dạy mỹ thuật, mang trong mình niềm đam mê thư pháp nên gần chục năm nay bên cạnh việc dạy học, tôi còn viết thư pháp. Năm nào cũng vậy, 25 Tết là tôi bắt đầu viết chữ và kéo dài tới hết những ngày Tết cổ truyền. Đến với nghề, trau nghề tôi không nhấn mạnh vật chất mà quan trọng là muốn giữ hồn cốt dân tộc, truyền thống quý báu của cha ông”.
Xin chữ ngày xuân là thú chơi tao nhã, mang nét đẹp văn hóa của dân tộc tồn tại từ xa xưa, thể hiện mối giao lưu văn hóa giữa cộng đồng, cùng nhau hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ của cuộc sống và cũng là minh chứng sống động, chân thực về truyền thống hiếu học, trọng thầy, trọng chữ của dân tộc Việt Nam. Từng con chữ thảo ra không chỉ là nghệ thuật thư pháp, nơi thể hiện tài hoa của người cho chữ mà còn gửi gắm tâm tình, mong ước về một năm mới an lành, hạnh phúc của người xin chữ.
Người đi học thường xin chữ: Trí, Tài, Minh, Đỗ; người đi làm xin chữ: Danh, Thành; người buôn bán xin chữ: Lộc, Thịnh, Phát, Tín; gia đình xin chữ: Phúc, Lộc, Thọ…
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, văn minh, hiện đại, điều đáng mừng là giá trị truyền thống xưa vẫn được bảo tồn, lưu giữ bởi không chỉ người già xin chữ mà các bạn trẻ cũng rất quan tâm đến thư pháp, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên.
Đang say sưa ngắm những nét bút chao lượn, sinh viên Nguyễn Văn Thiệu (xã Thiên Lộc – Can Lộc) chia sẻ: “Cầu mong năm mới Ất Mùi may mắn, an lành, hôm nay, em và các bạn tụ họp nhau từ sớm, lên chùa vãn cảnh thắp hương và xin chữ ngày xuân. Điều này sẽ làm cho cái Tết trở nên đẹp và ý nghĩa hơn”.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (Thị trấn Nghèn – Can Lộc) tâm niệm: “Với tôi, xin chữ đầu năm không chỉ tìm đến nét đẹp giá trị truyền thống mà quan trọng hơn tôi còn giáo dục cho các con biết trân trọng nét đẹp văn hóa dân tộc, giúp con yêu chữ, hiếu học”.
Giữa cuộc sống xô bồ, hối hả, ông đồ viết chữ ngày xuân như là nơi níu giữ tâm hồn dân tộc, gìn giữ giá trị truyền thống để lan tỏa trong cộng đồng. Và, chính sự thành tâm của người xin chữ lẫn người cho chữ mà phong tục đẹp với những ý nghĩa thiêng liêng được giữ gìn, phát triển.
THU PHƯƠNG