Tiếc nếu hơn 100 thí sinh đạt điểm 27,5 vẫn trượt đại học
Giải thích vì sao lấy điểm chuẩn ngành Bác sĩ Đa khoa tới 28 điểm, lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, theo quy định những năm trước, trường chỉ tuyển thẳng đối với những học sinh đoạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, với số lượng trung bình khoảng 10 em. Tuy nhiên năm nay, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, tuyển thẳng cả những học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba, trường đã có 81 em thuộc diện này (trong đó 79 em đăng ký học ngành Bác sĩ Đa khoa). Cùng đó, số lượng thí sinh thuộc diện ưu tiên xét tuyển thẳng trúng tuyển vào trường là 15 em, đều chọn học ngành Bác sĩ Đa khoa. Trong khi đó, trường chỉ có 550 chỉ tiêu ngành Bác sĩ Đa khoa. Như vậy, chỉ tiêu còn lại của ngành Bác sĩ đa khoa còn trên 456 chỉ tiêu.
Theo thống kê, số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên là 718 em, từ 27,5 điểm trở lên là 568 em, từ 28 điểm trở lên là 407 em (đã tính điểm ưu tiên đối tượng, khu vực).
Nếu dự kiến điểm trúng tuyển từ 27,5 điểm trở lên sẽ thừa khoảng 112 chỉ tiêu, điểm trúng tuyển là 28 điểm, trường sẽ thiếu khoảng hơn 40 chỉ tiêu (số lượng chỉ tiêu này thuộc phạm vi cho phép nếu trường không lấy). Được biết, Trường ĐH Y Hà Nội lấy điểm chuẩn theo ngành học chứ không lấy điểm sàn vào trường nên thí sinh không được chuyển ngành học, mặc dù ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn.
Nhiều ngày qua, Trường ĐH Y Hà Nội đã nhận được rất nhiều thư của thí sinh và phụ huynh mong trường xem xét có cách nào giảm điểm xuống để những thí sinh đạt 27 điểm được vào trường học. Lãnh đạo trường cho rằng, đây là bài toàn khó đối với trường. Bởi, thí sinh đạt trên 9 điểm/môn vẫn trượt đại học đó là một điều đáng tiếc với các em học giỏi muốn có nguyện vọng học ngành Y.
Chờ quyết định của Bộ GD-ĐT!
Để “cứu” các thí sinh giỏi này, Trường ĐH Y Hà Nội đã có giải pháp đề xuất xin Bộ GD-ĐT cho trường thêm 150 chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách dành cho thí sinh từ 26 đến 27,5 điểm. Về giải pháp này, nhà trường đã gửi công văn tới Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế.
Lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: “Hiện, Bộ Y tế rất đồng thuận với phương án mà Trường ĐH Y Hà Nội đưa ra vì hiện nay nguồn nhân lực ngành y còn đang rất thiếu và không nên bỏ lỡ cơ hội cho những thí sinh giỏi này vào ngành Y. Trường đang chờ ý kiến từ phía Bộ GD-ĐT về phương án này”.
Theo thống kê, số lượng thí sinh đạt mức điểm từ 26 – 27,5 điểm của ĐH Y Hà Nội còn khoảng 600 em. Nếu được Bộ GD-ĐT phê duyệt phương án trên, trường sẽ gọi thí sinh từ điểm cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu.
Theo đánh giá của các chuyên gia luyện thi, việc một thí sinh đạt điểm 9 là sự xuất sắc, với sự ôn luyện và cẩn thận đến tuyệt đối trong quá trình học và làm bài. Lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, phương án trường đưa ra chỉ là giải pháp tình thế, để giải quyết được phần nào mong mỏi của nhiều thí sinh và gia đình. Nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng, mỗi bài thi đạt trên 9 điểm rồi mà vẫn trượt đại học thì khó chấp nhận được”.
Trước đó, thông tin ban đầu mà báo Dân trí đưa “27,5 điểm chưa chắc đã đỗ vào ngành Bác sĩ đa khoa – ĐH Y Hà Nội”, đây chỉ là mức điểm dự kiến ban đầu của lãnh đạo trường, chứ không phải mức điểm chuẩn chính thức mà trường thông báo là 28 điểm hôm qua ngày 2/8, báo đã nhận được hàng ngàn ý kiến của độc giả, trong đó hàng trăm thí sinh đạt mức 27 điểm đã “sốc” và mong muốn: “Có cách nào cứu chúng em?”.
Nhiều độc giả kiến nghị: “Mong nhà trường xem xét, 27 điểm mà không đỗ thì liệu có còn hy vọng những nhân tài năm sau dám theo đuổi ngành y”; “Nếu 27 điểm rồi mà vẫn trượt thì quá xót xa cho học sinh, 12 năm đèn sách vì được 27 điểm đâu có dễ dàng gì? Đề nghị nhà trường nghiên cứu trình xin thêm chỉ tiêu ngành Bác sĩ Đa khoa… nhiều nơi đang còn thiếu những bác sỹ giỏi, để các em rớt thì quả là lãng phí nhân tài”; “Bộ Giáo dục không nên để những nhân tài đạt tới 27 điểm mà phải ngồi nhà đợi thêm năm nữa lại bị mang tiếng.. trượt đại học. Các em này thật quá xuất sắc”.
Nhiều độc giả “hiến kế” giải bài toán này, đề nghị: Trường ĐH Y Hà Nội nên có tiêu chí riêng để đảm bảo công bằng hơn cho tất cả các bạn thí sinh, cụ thể: hạn chế tuyển thẳng (chỉ tuyển thẳng với học sinh giỏi quốc gia đạt giải Nhất trở lên); Điểm ưu tiên vùng miền giảm biên độ xuống còn 0,25 điểm cho mỗi lần chênh lệch khu vực; Cố gắng giữ nguyên chỉ tiêu, tránh đào tạo tràn lan; Bộ Giáo dục cũng cần ủng hộ cho nhà trường bằng cách trao cho những quy chế đặc biệt như trên. Như vậy, tất cả các học trò có lẽ sẽ đều thấy mình xứng đáng khi được học tập ở đây. Hy vọng từ các năm tiếp theo nhà trường có một quy chế tốt hơn cho kế hoạch tuyển sinh, tránh phải đau đầu nhiều như năm nay.
Hồng Hạnh
Dân Trí