Cụ khẳng định về những trò áp đặt trong tâm linh không bao giờ nhận được sự linh ứng. Nhà thờ chính của di tích chỉ là một căn nhà gỗ được tháo dỡ từ trạm y tế có nguồn gốc tước đoạt của gia đình ông Tao Cừ bị quy kết địa chủ trong một không gian chật hẹp, ẩm thấp và lạnh lẽo. Sự sắp đặt vị trí thờ tự trong đền hết sức lộn xộn. Danh nhân văn hóa chính của đền là Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc, người có công lớn với nước, với dân thì tượng bà được đặt ở vị trí thấp nhất, gần sát vách bên trái am, trong khi hai con ngựa đứng hếch mõm hai bên bàn thờ chính lại được đắp quá lớn. Phía trước đền là ao tù nước đọng xanh lè, xung quanh cỏ mọc vươn vào phía trong. Cửa chính am, UBND xã dùng hàng chục cây tre gai khô rào kín. Nhiều rác thải bẩn thỉu, vứt bừa bãi quanh đền là nơi ruồi muỗi trú ngụ. Trong ba ngày 25, 26 và 27-11-2012 chúng tôi có mặt thấy ngôi đền vẫn vắng như “chùa Bà Đanh”.
Một Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia sao không được đặt đúng vị trí thiêng liêng nguyên trạng ban đầu mà lại đặt vào chỗ tù túng, chật hẹp như vậy? Người dân xã Liên Minh đang trông chờ quyết định đúng đắn của các cấp có thẩm quyền để đưa đền thờ Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc trở về đúng vị trí ban đầu tại thôn Yên Mỹ. Được biết, ngày 9-8-2012, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Đức Thọ tổ chức “Tọa đàm khoa học về Hoàng hậu Bạch Ngọc và khởi nghĩa Lam Sơn” với sự chủ trì của GS. Viện sĩ Phan Huy Lê. Hội thảo nâng tầm quan trọng của danh nhân như vậy, nhưng nơi thờ tự thì mang tính tự phát, mặc người dân gửi đơn khiếu nại, bốn năm trôi qua không một cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm?
Ông Sơn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, hiện tỉnh có 72 di tích cấp quốc gia, trong đó có một di tích xếp loại đặc biệt. Trung ương đã cấp kinh phí xây dựng 71 di tích, duy chỉ còn đền thờ Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc chưa được cấp kinh phí vì nhân dân địa phương chưa đồng thuận. Cụ Trần Văn Ngữ, Đại tá quân đội nghỉ hưu nói: Tất cả sai phạm đều do một nhóm người mê tín dị đoan bịa chuyện, được sự tiếp tay của một số cán bộ xã Liên Minh. Xuất phát từ chỗ thấy kinh tế của người dân hai thôn Yên Mỹ, Yên Phú hưng thịnh. Trước đây, hai thôn chúng tôi tổ chức đám giỗ Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc vào ngày 22-6 (âm lịch) hằng năm. Còn đền Liên Minh làm đám giỗ vào ngày 10-3 (âm lịch) cùng ngày giỗ tổ Hùng Vương. Kể từ khi được công nhận Di tích cấp quốc gia thì họ mới làm đám giỗ Hoàng Thái hậu vào ngày 22-6. Trước đây, khi hai thôn Yên Mỹ, Yên Phú làm giỗ thì nhiều người dân làng Thọ Tường sang ghi chép hết các bài cúng, văn tự và lấy một nắm gốc hương về thờ. Một số cụ ở Thọ Tường biết chữ Hán, chữ Nôm tìm cách mua được 13 sắc phong do cụ Trần Ngọc Cận trước đó cất giữ. Một số người ở làng Thọ Tường cấu kết với mấy cán bộ xã dựng chuyện “Đền Liên Minh đang cất giữ 13 sắc phong của Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc”, tổ chức làm giỗ. Thực chất đền Liên Minh không dính dáng đến đền thờ Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc vì nếu không có danh nhân Bạch Ngọc thì Bộ VHTTDL cũng không thể cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. Còn đền Liên Minh do một nhóm người vụ lợi tự đặt ra thì họ thờ cúng riêng, không thể áp đặt bất cứ một thứ quyền lực nào để di dời vị trí nương hồn linh thiêng của Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc. Nhân dân hai thôn Yên Mỹ, Yên Phú phản đối là có cơ sở”.
Ngày 10-12-2012, ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà tĩnh cho biết, hiện tại do chưa có sự đồng thuận của nhân dân, chính quyền địa phương cũng chưa có tờ trình nên chưa duyệt được kinh phí xây dựng. Chúng tôi đang chờ tờ trình của xã Liên Minh, huyện Đức Thọ mới xem xét trình cấp trên phê duyệt. Còn ông Trần Hoài Đức, Chủ tịch UBND xã Liên Minh lại cho rằng, xã đang chờ UBND tỉnh và Sở VHTTDL ban hành quyết định.
Thiên Thanh – Tùng Lâm – Hải Đăng
NCT