Trong nước

Đến lúc “tuyên chiến” với “dễ làm khó bỏ” trong làm luật?

Lên tiếng đầu tiên, tranh luận với tinh thần không khoan nhượng cho đến tận phút gần chót, chính là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chủ tịch Quốc hội thúc đẩy việc sửa hai luật mà theo ông là “lõi của phát triển”…
Đến lúc “tuyên chiến” với “dễ làm khó bỏ” trong làm luật?

“Làm luật thì nên nhận phần khó về mình”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói vậy khi gần kết thúc một phiên thảo luận có thể được coi là lịch sử, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua.

Đó là khi việc sửa hai dự án Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lại được đặt lên bàn nghị sự.

Khó, là bởi đã được ra thảo luận từ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (tháng 5/2014) nhưng đến tận dự thảo ngày 6/9, danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện – nội dung được coi là linh hồn của luật – mới xuất hiện.

Đã thế, dự thảo luật lại chỉ quy định tiêu chí xác định ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và giao Chính phủ định kỳ công bố danh mục cụ thể, sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Và 11 ngành nghề cấm kinh doanh chỉ lướt qua cũng đã thấy ngay là chưa ổn, thậm chí còn lẫn lộn giữa ngành, nghề với hành vi.

Bởi vậy, thời gian mổ xẻ dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) lẽ ra dừng lại ở lúc 11h30 ngày 9/9 đã lấn sang không những đầu giờ chiều mà đến tận gần 17h các quan điểm khác nhau vẫn tiếp tục được bày tỏ, xen kẽ với thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp.

Lên tiếng đầu tiên, tranh luận với tinh thần không khoan nhượng cho đến tận phút gần chót, chính là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Khi ở vị trí điều hành trọn ngày là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Hùng có điều kiện thuận lợi hơn để làm nhiệm vụ bình thường của một đại biểu.

Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Và quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Vậy thì ngoài luật này ra sẽ không ai có quyền quy định hay hạn chế ngành nghề đầu tư kinh doanh nào nữa. Còn khi có ngành mới cần cấm, cần hạn chế thì Chính phủ trình Quốc hội quyết, chứ Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đủ thẩm quyền để quyết.

Với những phân tích trên, Chủ tịch hơn một lần “xin các vị đại biểu” hãy thật kiên quyết và cẩn trọng làm cho được luật này, theo tinh thần của Hiến pháp.

“Có đồng chí sang nhiệm kỳ sau không còn cơ hội tiếp tục đóng góp đâu, như tôi đây chẳng hạn”, ông thúc đẩy mọi người mang hết khả năng của mình để sửa hai luật mà theo ông là “lõi của phát triển”.

Thế nhưng bản phụ lục về kết quả rà soát danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện dài đến 31 trang quả là thách thức không nhỏ với nhiều vị đại diện cho dân. Ngay từ khâu hiểu cho cặn kẽ chứ chưa nói đến phân tích xem có cần cấm và cần hạn chế hay không.

Vậy nên, ngành nghề nào đã cấm và hạn chế mà thấy hợp lý thì đưa vào luật này, còn thấy vô lý thì bỏ đi, như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, không phải khó, mà phải nói là quá khó.

Một số vị cho rằng, đưa ra danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở luật này để thay các luật chuyên ngành khác là bất khả thi, bởi đọc danh mục này như “mê hồn trận”.

Dẫn lại chuyện khi làm Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lúc đó, ông Trần Xuân Giá đã phải rất vất vả vì các bộ trưởng khác, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh câu chuyện khi soạn thảo luật bộ nào có liên quan đều quyết bảo vệ cái sân của mình đến cùng rất thường thấy. Và như thế thì nỗi khổ sẽ dồn cho người dân và doanh nghiệp.

Nỗi lo của Chủ tịch cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đương nhiệm hiện nay cũng không phải là “lo xa”, dù thời gian ông Giá làm Luật Doanh nghiệp không thể nói là quá gần.

Bởi, như đã nói trên, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) được trình Quốc hội thảo luận từ kỳ họp giữa năm. Song cho đến tận trung tuần tháng 8 vừa qua, danh mục cấm đầu tư, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện vẫn chưa thể trình để xem xét. Vì “chờ mãi không có bộ nào trả lời”, dù đã có chỉ đạo từ Thủ tướng.

Bởi thế, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc đi nhắc lại là Quốc hội, lần này phải đứng ra làm trọng tài. Và, theo ông, việc có thể minh bạch rạch ròi các ngành nghề cấm và hạn chế đầu tư kinh doanh chính là cải cách thể chế, góp phần đưa đất nước phát triển.

Ông cũng tranh luận với  ý kiến là nếu chỉ sửa luật mà bộ máy vẫn thế thì không cải cách được, bởi cán bộ cần có luật tốt để làm

Sau hai lần đăng đàn, nghe thêm một số ý kiến khác, Chủ tịch Quốc hội lại lên tiếng, để chỉ ra một số quy định về đầu tư ra nước ngoài dường như chưa đúng với tinh thần Hiến pháp.

Buổi chiều, khi tham gia thảo luận dự án Luật Doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội lại nói tiếp về Luật Đầu tư.

Ông đặc biệt lưu ý việc cắt nghĩa chữ điều kiện tại quy định các ngành nghề đầu tư kinh doanh để tránh “tung hỏa mù” hoặc “đánh bùn sang ao”. Khi Hiến pháp chỉ nói đến cấm và hạn chế, còn luật lại đưa ra hai chữ “điều kiện”. Bởi từ hai chữ này có thể dẫn đến tranh luận bất tận rồi lại bày ra lắm thủ tục để “hành” doanh nghiệp.

Cho rằng nếu để như dự thảo hiện tại thì Luật Đầu tư (sửa đổi) có thể thông qua nhanh nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lo người dân sẽ phải lục hết luật này luật khác để đối chiếu mỗi khi cần thiết.

Ông Lý nói, chúng ta nên đặt quyết tâm nhận phần khó khăn về mình, để người kinh doanh biết được ngay những ngành nghề nào cấm và hạn chế.

Một vị đại biểu Quốc hội khác, Trung tướng Trần Văn Độ cũng từng nhiều lần bày tỏ quan điểm: mọi việc phải tạo thuận lợi cho dân trước hết, quản lý nhà nước phải đi theo dân, vì dân là chủ thể quyền lực nhà nước, chứ không thể thay vì đi theo lại cấm đoán, rồi cấm không được thì phạt…

Nhưng chuyện các cơ quan quản lý nhà nước khi làm luật thường nhận phần dễ về phía mình và đẩy cái khó cho người dân và doanh nghiệp, tức là tư duy “dễ làm khó bỏ” có vẻ vẫn đang còn bám rễ rất sâu, không chỉ ở các cơ quan soạn thảo luật.

Và Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân đã đến lúc cần “tuyên chiến” với tư duy này?

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP