Đặc biệt, mới đây, Bộ VH-TT&DL đã ban hành một văn bản thiếu cơ sở thực tiễn khiến cho sự việc càng thêm rối ren…
>> Bài 1: “Khoán trắng” công tác quản lý!
Dẫm chân tại chỗ
Năm 2011, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long tiến hành các bước để khởi động thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Chợ Củi. Đồng thời, UBND huyện Nghi Xuân thành lập BQL di tích đền Chợ Củi cấp huyện và xây dựng các đề án hoạt động nhằm đưa công tác quản lý di tích đi vào nền nếp.
Vậy mà, sau 2 năm, mọi việc cũng chỉ nằm trên giấy! Nguyên nhân chính là do “chủ cũ” cố tình níu kéo, cố giữ quyền được quản lý vì món lợi khá “béo bở”. Người được ký hợp đồng, quản lý là ông Nguyễn Sỹ Quý – con trai ông Quýnh ở thôn 2, xã Xuân Hồng (người nhận ký hợp đồng trước đây) với mức khoán thu 420 triệu đồng/năm.
Cho dù không ai ngoài những người trong cuộc nắm được số tiền thu hàng năm tại di tích này là bao nhiêu, nhưng dư luận vẫn cho rằng, phải lên đến tiền tỷ, trong khi đó mức khoán phải nộp chỉ 420 triệu đồng! BQL di tích do UBND huyện Nghi Xuân thành lập xem ra còn quá “non nớt”, yếu kém, không đủ sức cáng đáng công việc. Điều này cho thấy sự bất lực của chính quyền cấp huyện và cả cơ quan chức năng trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Để thể hiện di tích đền Chợ Củi là “của mình”, gia đình ông Quýnh đã gửi đơn thư đến một số cơ quan và kiên quyết cản trở việc triển khai dự án đầu tư tôn tạo di tích đã được phê duyệt (?!) Thật nực cười khi trong đơn gửi các cấp, ngành (ngày 12/3/2011), ông Nguyễn Sỹ Quýnh khẳng định: “ngôi đền thờ Thánh Mẫu (đền Chợ Củi) là của dòng họ Nguyễn chúng tôi”(!?).
Đỉnh điểm của thái độ chống đối, bất hợp tác là ngày 16/3, gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh cùng con cháu trong dòng họ đã tụ tập, cản trở Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long khởi công triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đền Chợ Củi. Vì thế, dự án tạm thời hoãn việc khởi công cho đến khi… công tác quản lý di tích được thực hiện minh bạch, có hiệu quả. Và từ đó đến nay, gia đình ông Quýnh vẫn ngang nhiên quản lý, thu tiền công đức tại đền Chợ Củi trước sự bất lực của BQL di tích cấp huyện mới lập nên.
Điều đáng nói hơn nữa là số tiền công đức này không được công khai, minh bạch. Thậm chí, ông Quýnh không báo cáo nguồn thu, không nộp vào ngân sách vì cho rằng: đây là nguồn thu đóng góp tâm linh, hiện chưa có văn bản quản lý cụ thể về quản lý và sử dụng nguồn thu này.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Trong nỗ lực tìm giải pháp giải quyết dứt điểm những bất cập này, thực hiện đúng các văn bản, ý kiến chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Nghi Xuân đã có nhiều cuộc họp, vận động, tuyên truyền và triển khai hoạt động của BQL di tích đền Chợ Củi cấp huyện. Tuy nhiên, đáp lại vẫn là sự chống đối quyết liệt của ông Nguyễn Sỹ Quýnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thường Trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Nghi Xuân đã và đang nỗ lực tìm giải pháp giải quyết dứt điểm việc chuyển đổi mô hình quản lý di tích lịch sử cấp quốc gia đền Chợ Củi. UBND huyện đã thành lập BCĐ, thành lập BQL di tích, cơ cấu bộ máy quản lý, điều hành, xây dựng đề án hoạt động nhằm đưa việc quản lý di tích và các hoạt động tín ngưỡng tại đây đi vào nền nếp, đúng quy định pháp luật và đặc biệt là để có điều kiện triển khai dự án tu bổ, tôn tạo đền Chợ Củi. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được như mong muốn. Đặc biệt, vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản thông báo kết quả làm việc của Thanh tra Bộ với nhiều điểm bất hợp lý nên mọi cố gắng của địa phương “không lại bằng không”.
Không bàn đến những vi phạm về thể thức, tính chất pháp lý của văn bản này (do Chánh Thanh tra Bộ Vũ Xuân Thành ký ban hành), chỉ riêng nội dung đã có nhiều điểm bất cập. Theo thông báo kết quả làm việc của Thanh tra Bộ với Sở VH-TT&DL, chính quyền huyện Nghi Xuân: UBND huyện Nghi Xuân có trách nhiệm soạn thảo đề án về tỷ lệ phân chia tiền công đức trên cơ sở được sự đồng thuận của UBND xã Xuân Hồng và… thủ nhang nhà đền. Đồng thời, UBND huyện Nghi Xuân phối hợp với xã Xuân Hồng và… gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh xây dựng đề án quản lý, tổ chức hoạt động. Đặc biệt, “Sở VH-TT&DL báo cáo UBND tỉnh cho phép… đại diện gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh (thủ nhang) làm chủ đầu tư và tiến hành tu bổ di tích (?!).
Có thể nói, văn bản thông báo này đã phủ nhận hoàn toàn các văn bản chỉ đạo của tỉnh, nỗ lực tổ chức thực hiện việc thay đổi mô hình quản lý cũng như BQL di tích đền Chợ Củi đã được UBND huyện Nghi Xuân thành lập. Thông báo đã mặc nhiên thừa nhận gia đình ông Quýnh là thành viên chính quản lý di tích, thậm chí làm chủ đầu tư, mặc dù trước đó, UBND tỉnh đã có văn bản số 2115/UBND-VX ngày 30/6/2011 giao cho Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích!
Trao đổi về những điểm bất hợp lý trong thông báo kết luận đã được “các bên thống nhất”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam cho rằng: Thực tế buổi làm việc không phải như thế, các nội dung bàn bạc, thống nhât không phải như thông báo của Bộ VH-TT&DL. Vấn đề này, Thường trực Tỉnh ủy đã giao trách nhiệm cho Sở VH-TT&DL và huyện Nghi Xuân làm việc với Bộ VH-TT&DL để làm sáng tỏ.
Lời kết
Vẫn biết rằng, việc quản lý di sản văn hóa nói chung, đặc biệt là đối với di tích được nhiều người thăm viếng, lễ bái như đền Chợ Củi thường hết sức nhạy cảm, đòi hỏi một thái độ ứng xử và các giải pháp hợp lý, đồng bộ. Tuy nhiên, việc để những bất cập trong công tác quản lý di tích đền Chợ Củi kéo dài trong suốt thời gian qua là một thiếu sót đáng tiếc, phải khẩn trương tập trung xử lý, khắc phục. Trách nhiệm này trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền xã Xuân Hồng và huyện Nghi Xuân; cùng đó có phần trách nhiệm của Sở VH-TT&DL và sự ủng hộ, đồng thuận của Bộ VH-TT&DL.
Thăng Long
Báo Hà Tĩnh