Được biết, ban đầu UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý nhưng sau đó yêu cầu dừng vì vấp phải sự phản đối của dư luận. Hiện Formosa vẫn đang nhận được những ưu đãi ở mức cao nhất như miễn tiền thuê đất 15 năm, miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất, miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định… Thậm chí được vay tín dụng nước ngoài ở Việt Nam.
Bên hành lang Quốc hội sáng nay 24/10, đại biểu – nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh tới sự bức xức của người dân về chủ quyền.
Ông Quốc nói: “Không phải người dân Hà Tĩnh bức xúc về việc thu hút đầu tư mà là vấn đề chủ quyền. Người dân bức xúc vấn đề chủ quyền, chứ không phải bức xúc về việc xâm phạm đến quyền lợi cụ thể nào. Vấn đề chủ quyền là thiêng liêng”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh, “đời sống tâm linh thì phải tôn trọng, dân tộc nào cũng vậy thôi. Như người Việt Nam ở nước ngoài cũng có ngôi chùa để thờ phật, nhưng đó là định cư lâu dài. Còn đối với những người lao động, theo quy định là có thời hạn, đây là yếu tố phải tính đến, trên cơ sở đó phải xây dựng quy chế chung. Vì nếu ở đó họ làm được thì sẽ tạo tiền lệ cho ở những chỗ khác”.
Theo phân tích của đại biểu Dương Trung Quốc, tôn trọng đời sống tâm linh là tôn trọng nhu cầu cần thiết của người dân. Đương nhiên, mỗi quốc gia có những quy định pháp luật riêng. “Điều đáng nói của chúng ta hiện nay, có một vấn đề vỡ ra liên quan đến những công trình của người Trung Quốc tại đây. Chúng ta không thể né tránh câu chuyện liên quan đến bối cảnh chính trị được. Cho nên sự vào cuộc của cơ quan quản lý phải đi liền với sự quản lý người lao động. Bởi vì người lao động này chỉ đến lao động ở Việt Nam trong một thời gian nhất định”, ông Quốc bình luận.
Cũng theo đại biểu Dương Trung Quốc, vấn đề ở khu công nghiệp phải được giải quyết hài hòa. “Nhưng quan trọng, khi chúng ta chưa có luật thì họ phải chờ, chứ không tự động được. Việc họ tự động làm là không thể chấp nhận được. Nhưng việc để họ làm hay không thì cần phải cân nhắc trên một mặt bằng chung, nhưng đồng thời cũng phải nhìn nhận đặc thù riêng của chúng ta trong bối cảnh hiện tại”, ông Quốc nói.
Dưới góc nhìn của nhà sử học, ông Quốc cho rằng, đối với ngành văn hóa, lĩnh vực khác luôn luôn làm thỏa mãn những vấn đề hợp lý chính đáng, nhưng phải có điều kiện. Trong trường hợp, chúng ta không đồng ý mà họ vẫn xây dựng thì không thể chấp nhận được.
“Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này ở nhiều chiều. Chiều thứ nhất, chúng ta cũng rất tôn trọng người nước ngoài, nhưng chiều ngược lại, mọi người đến đây cũng phải tôn trọng tập quán và pháp luật của đất nước ta. Và chiều thứ ba, chúng ta không thể không nhận thấy, trường hợp này rơi vào lúc chúng ta không có niềm tin, nên vấn đề này phải có sự trao đổi thật kỹ và phải có sự tôn trọng chủ quyền của chúng ta”, ông Quốc nhấn mạnh.
Theo ông Quốc, việc người dân Hà Tĩnh bức xúc là xuất phát từ việc coi thường chủ quyền của Việt Nam. “Vấn đề hành xử coi thường chủ quyền của Việt Nam là không thể chấp nhận. Nếu Hà Tĩnh chấp nhận chuyện này là tỉnh này sai, phải kỹ luật Hà Tĩnh. Chúng ta muốn thu hút đầu tư nhưng không phải bằng mọi giá, phải nhìn thấy hậu quả”, đại biểu Dương Trung Quốc khẳng khái nói.
Đặt tình huống ngược lại, ông Quốc nói: Nếu cộng đồng người Việt Nam sống ở Trung Quốc cũng đòi hỏi được xây dựng miếu, chùa để đáp ứng nhu cầu tâm linh thì họ sẽ ứng xử thế nào? “Nói như vậy để thấy, chúng ta không thể đồng ý với cái sai. Nếu địa phương không giải quyết được thì trung ương phải can thiệp. Nếu không làm nghiêm thì vấn đề này có thể sẽ lan rông”, ông Quốc nhấn mạnh.
Trả lời báo giới việc: Hà Nội sắp khánh thành một cây cầu có vốn đầu tư của Nhật Bản, tuy nhiên, hiện đang có nhiều ý kiến xung quanh việc đặt tên cây cầu, như Nhật Tân, cầu hữu nghị Việt – Nhật, đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm: “Việc đặt tên phải gắn với những yếu tố tập quán. Chúng ta thấy phần lớn những cây cầu đang sử dụng (trừ cầu Thăng Long) đều dùng tên gọi theo địa danh. Bởi vì một trong những điểm đó là bảo tồn địa danh, cũng là bảo tồn văn hóa”.
Ông Quốc cho rằng: “Bản thân chữ Nhật Tân rất hay, có hàm ý luôn luôn đổi mới. “Điều vô lý cứ ai đầu tư là lấy tên của họ, sau này sẽ thế nào? Nhưng đây là vốn ODA, có vay có trả. Mặc dù ta rất cám ơn các bạn đã đầu tư cho ta lúc ta khó khăn nhưng vì lý do gì phải lấy tên hữu nghị Việt – Nhật? Về sau sẽ rất khó xử lý”.
Không đồng tình với tên gọi cầu Hữu nghị Việt – Nhật, ông Quốc khẳng định: “Tôi không bao giờ đồng tình, ngày hôm nay đặt tên này, ngày sau có thể thay đổi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bảo tồn một địa danh cũng là bảo tồn văn hóa, ký ức”.
Theo Nguyễn Hiền – Dân trí