Giáo dục

Đề tham khảo môn Hóa học 2018: Học sinh xuất sắc mới có khả năng đạt 10 điểm

Đề tham khảo môn Hóa học được Bộ GD&ĐT công bố mới đây được giáo viên đánh giá là khó hơn năm 2017, vì thế sẽ hiếm điểm 10.

Đề khó hơn năm 2017

Nhận xét về đề tham khảo môn Hóa học, thầy giáo Nguyễn Văn Chuyên, giáo viên Hóa học, Trường THPT Yên Thế, Bắc Giang cho rằng, đề thi nằm trong phạm vi kiến thức chương trình phổ thông lớp 11 và lớp 12 (trong đó chủ yếu là kiến thức ở lớp 12, chiếm khoảng 70%).

Kiến thức trong đề không nằm trong phần đã giảm tải, không có các câu mang tính đánh đố học sinh, không có câu chỉ yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc kiến thức. Đề thi có nhiều câu gắn với thực tế (câu 42, 43, 55, 66…); một số câu gắn với thực hành thí nghiệm (câu 52, 68); đề thi có sự đa dạng hóa các kênh thông tin như sử dụng hình vẽ, đồ thị (câu 55, 71).

Đề thi có các câu hỏi có tính phân hóa cao các mức độ. Trong đó mức độ biết và thông hiểu chiếm khoảng 60% (24 câu đầu của đề thi), với các cấu hỏi này học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể trả lời đúng.

Trong 16 câu tiếp theo là các câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, 16 câu này có tính phân hóa cao: học sinh khá có thể làm được 6-8 câu, học sinh giỏi có thể làm được 10-12 câu, học sinh xuất sắc có thể làm được 12-16 câu, đặc biệt có một số câu học giỏi giỏi xuất sắc mới có thể làm được (câu 77, 78, 79, 80).

Về phổ điểm dự kiến với đề thi tham khảo này, thầy Chuyên cho rằng, học sinh trung bình, vững kiến thức cơ bản có thể đạt được 5-5,5 điểm; học sinh giỏi có thể đạt được 8-9 điểm; để đạt được điểm 10 phải là những học sinh rất xuất sắc và với đề này sẽ hiếm điểm 10.

Phương án gây nhiễu trong đề tốt

Theo công giáo Đỗ Phương Quế, giáo viên Hóa, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội, nội dung đề thi tham khảo môn Hóa học thuộc phần giao giữa chương trình cơ bản, chương trình nâng cao và chương trình bồi dưỡng thường xuyên, đảm bảo kiến thức học sinh đã được học.

Nội dung đề thi chính xác, khoa học, các ký hiệu thuật ngữ theo đúng quy định và đảm bảo tính chính xác về ngôn ngữ hóa học. Đặc biệt. đề thi có sự phân hóa cao, trong đó mức độ biết, hiểu chiếm 60% (24 câu đầu). Điều này phù hợp cho việc xét tốt nghiệp. Trong 24 câu đầu tiên, các kiến thức phân bố đều trong chương trình lớp 11, 12 và đều là các kiến thức cơ bản. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa và hiểu kiến thức là có thể trả lời đúng.

Trong 16 câu hỏi tiếp theo, ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi này có khả năng phân loại thí sinh rất tốt. Những thí sinh có khả năng liên hệ các mảng kiến thức và vận dụng hợp lí các định luật của hóa học sẽ trả lời được. Trong đề thi có những câu cần tư duy cao, đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức cao của thí sinh, cụ thể câu 77, 78, 79, 80.

Các câu hỏi được phân bố theo sự tăng dần độ khó giúp thí sinh ổn định tâm lý khi làm bài. Lời dẫn rõ ràng, mạch lạc không làm học sinh hiểu nhầm các câu hỏi. Các phương án trả lời đảm bảo duy nhất một phương án đúng, các phương án còn lại gây nhiễu tốt.

Cô Quế nhận định, học sinh sẽ khó đạt đến điểm 10 với đề thi tham khảo này.

Tác giả: Tiến Dũng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP