Hà Tĩnh có bề dày mỹ thuật truyền thống, đến nay, toàn tỉnh có hơn 70 di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt, chưa kể hàng trăm di tích xếp hạng cấp tỉnh: đình, chùa, đền, miếu, thành quách, lăng tẩm, bia ký… là những bảo tàng nghệ thuật tuyệt đẹp và vô cùng phong phú. Chúng ta còn có nhiều sản vật quý giá trong lòng đất như: trống đồng, thạp đồng, đỉnh đồng, chum, vò, bát đĩa, lư hương, gạch nung… với nhiều hình dạng, hoa văn tinh tế, có giá trị lịch sử lâu đời. Rất tiếc, cho đến nay, Hà Tĩnh chưa có một bộ sưu tập, công trình nghiên cứu công phu về những giá trị kiến trúc và mỹ thuật hiện hữu, trong đó, đền Chiêu Trưng, đền Cả, đình Hội Thống, chùa Hương Tích… là những kho báu về nghệ thuật mà người Hà Tĩnh rất đỗi tự hào.
“Lên đồng” – một trong các tác phẩm tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh tại triển lãm đấu xảo ở Paris năm 1931. |
Hà Tĩnh có nhiều người tài trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, bởi họ được sinh ra ở mảnh đất địa linh. Tiêu biểu trong mỹ thuật là Danh họa Nguyễn Phan Chánh. Ông sinh ngày 21/7/1892, mất ngày 22/11/1984 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi. Ông thi đậu khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930) và là thí sinh duy nhất đại diện cho hàng trăm thí sinh Trung kỳ lúc bấy giờ. Ngoài 30 tuổi vào học trường mỹ thuật, năm thứ ba, ông mới tập vẽ lụa và 2 năm sau, tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã trở thành thương hiệu.
Chơi ô ăn quan – tác phẩm tranh lụa đã khẳng định tài năng của ông, khẳng định giá trị hội họa Việt Nam trong mắt người châu Âu và sau này là cả thế giới. Ông đã chứng minh được tranh lụa có khả năng trở thành tiếng nói riêng của hội họa Việt Nam. Đầu những năm 1930-1931, Nguyễn Phan Chánh đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật với hàng loạt tác phẩm bậc thầy khác như: Những người hát rong, Những cô khâu đầm, Lên đồng, Bữa cơm, Róc mía, Rửa rau cầu ao… Sau này (thời kỳ 1955-1975), ông có điều kiện thuận lợi để sáng tác.
Ông là số ít những họa sỹ được Nhà nước xếp vào hàng đặc biệt: họa sỹ sáng tác chuyên nghiệp. Ông vẽ ít (chỉ khoảng 100 tác phẩm), nhưng được xã hội và đồng nghiệp tôn vinh bởi một dòng sáng tác vĩnh hằng: “Lụa Phan Chánh”.
Sau Nguyễn Phan Chánh, Hà Tĩnh còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp mỹ thuật nước nhà. Đến nay, có trên 60 họa sỹ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là người Hà Tĩnh nhưng ít ai đi theo dòng lụa Phan Chánh. Họ đóng góp nhiều cho phong trào, nhưng với địa phương thì chưa nhiều. Sau giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh của Nguyễn Phan Chánh còn có những họa sỹ Hà Tĩnh đoạt giải thưởng Nhà nước.
Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đội ngũ sáng tác mỹ thuật Hà Tĩnh đã đóng góp nhiều vào phong trào cổ động, tuyên truyền, có người đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Đây là đội ngũ trẻ, đầy nhiệt huyết nhưng điều kiện học tập hạn chế nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực còn quá ít, nếu không nói là chưa có. Phải đến năm 1973, Hà Tĩnh mới có một hội viên trung ương; 7 năm sau mới có 1 hội viên trung ương tiếp theo; 20 năm sau có thêm 1 hội viên trẻ vào hội khi chưa đến 30 tuổi với những giải thưởng cao của trung ương và địa phương.
Những năm gần đây, Hà Tĩnh “được mùa” kết nạp hội viên mỹ thuật Việt Nam (3 hội viên). Đây là kết quả đáng khích lệ cho mỹ thuật Hà Tĩnh. Với gần 20 hội viên địa phương, xét về mặt phong trào thì đó là một lực lượng đáng kể. Bên cạnh đó, chúng ta có một trường nghệ thuật đào tạo từ sơ, trung đến cao đẳng, là nguồn cung cấp tài năng cho Hà Tĩnh hiện tại và tương lai.
Cần sự đam mê, cống hiến
Họa sỹ Hà Tĩnh có đức tính đáng quý, đó là tính độc lập sáng tác, nhưng do điều kiện ít tiếp cận trong và ngoài nước nên không bắt kịp với xu thế thời đại. Do vậy, tính độc lập trở thành bảo thủ, ít giao lưu nghề nghiệp, nhất là với những họa sỹ có năng lực và giàu sự trải nghiệm. Số họa sỹ trẻ được kết nạp hội viên trung ương chỉ có vài người ở tuổi ngoài 30, còn lại là những người đã nghỉ hưu hoặc ít nhất cũng ngoài 50 tuổi.
“Trong cõi người ta” – tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010. Tác giả: Lê Anh Ngọc |
Tinh thần sáng tạo rất đáng biểu dương, nhưng năng lực sáng tạo và kiến thức xã hội là việc cần phải quan tâm đối với giới làm mỹ thuật Hà Tĩnh. Hầu như các họa sỹ đều ít đọc, ít nghiên cứu vốn cổ quê hương, hạn chế giao lưu với các loại hình văn học nghệ thuật khác. Một số người cứ lầm lũi làm việc, không biết con đường nghệ thuật của mình đi đến đâu, vì vậy, không tạo được lòng tin đối với đồng nghiệp…
Vài chục năm trở lại đây, phong trào sáng tác có những biến chuyển khi những triển lãm toàn quốc và khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bộ VH-TT&DL được tổ chức. Trong những cuộc triển lãm này, Hà Tĩnh đã giành được một số giải thưởng: giải nhì, giải ba triển lãm khu vực, đặc biệt là giải thưởng quốc tế Thụy Điển. Ngoài ra, còn có một vài tặng thưởng, giấy khen của Hội Trung ương.
Thời kỳ chống Mỹ, họa sỹ Hà Tĩnh chỉ tập trung vẽ tranh cổ động tinh thần chiến đấu và ca ngợi hậu phương sản xuất giỏi, ít người sáng tác tranh nghệ thuật. Hiện nay, hầu hết những người làm mỹ thuật đều được đào tạo từ bậc trung cấp đến đại học, lực lượng phân bố khắp các huyện, thị, các trường học nhưng số người sáng tác chỉ nằm ở những hội viên chuyên ngành Mỹ thuật của Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh. Dưới sự lãnh đạo của Hội Trung ương và hội địa phương, phong trào đã có nhiều biến chuyển và đạt được những thành tựu đáng kể so với thời kỳ trước.
Trong các cuộc thi “Viết vẽ tuổi học trò”, bao giờ mỹ thuật cũng chiếm tỷ lệ lớn, số lượng bình quân mỗi đợt tranh của các em lên đến hàng nghìn và nhiều em đạt giải cao. Đây có thể khẳng định là vườn ươm tốt nhất cho những tài năng trẻ sau này, nhưng phương pháp nào để các em phát triển thì đó là điều những người làm mỹ thuật tỉnh nhà không thể không lo lắng.
Để mỹ thuật Hà Tĩnh ngang tầm với quê hương văn hiến
Không gian mỹ thuật, đội ngũ họa sỹ Hà Tĩnh đã có sự phát triển đáng kể nhưng đầu tư còn rất hạn chế. Hà Tĩnh ít những công trình mỹ thuật cộng đồng, mặc dù gần đây có đến hàng chục tượng đài được dựng lên nhưng tính đồng bộ giữa tượng và cảnh quan ra sao? Việc khai thác những công trình đó thế nào? Giá trị nghệ thuật của các cụm tượng đài đến đâu? Tất cả đang cần đến trí tuệ nghề nghiệp và sự đầu tư chiến lược của những nhà lãnh đạo.
“Chọn cá” – tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2005. Tác giả: Nguyễn Văn Dương (Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du). |
Nửa thế kỷ làm việc trong lĩnh vực mỹ thuật tỉnh nhà, chúng tôi nhận thấy vai trò của mỹ thuật Hà Tĩnh chưa tương xứng với không gian mỹ thuật cả nước. Họa sỹ Hà Tĩnh đông, nhưng không mạnh. Một số học sỹ có năng lực, có thành quả lao động được thừa nhận, nhưng trước cuộc mưu sinh thường nhật khiến họ gặp rất nhiều khó khăn: nghèo vật chất – ít nhận được sự quan tâm, động viên. Hà Tĩnh có họa sỹ tiền bối đã qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, học 8 năm ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, là Hội viên trung ương sau Danh họa Nguyễn Phan Chánh, mà đến khi qua đời không có nổi một bức tranh để giới thiệu, trong ngôi nhà tuyềnh toàng không có dấu tích gì của một người làm nghệ thuật suốt nửa thế kỷ. Một thực tế chua xót, một tài năng lạnh lùng mai một!
Hà Tĩnh có truyền thống mỹ thuật, có danh họa xuất chúng, có nhiều họa sỹ tung hoành trên cả nước, ấy vậy mà mỹ thuật tỉnh nhà không dựng nổi thương hiệu, quê hương vẫn “đói” nghệ thuật. Xét về mặt khách quan thì chúng ta chưa đầu tư cho mỹ thuật, giỏi lắm thì cũng chỉ là “thêm củi thêm lả” mà thôi …
Thiết nghĩ, muốn mỹ thuật Hà Tĩnh ngang tầm với quê hương văn hiến, trước mắt, cần có chế độ đối với đội ngũ; mở nhiều triển lãm mỹ thuật tại địa phương, trước là để họa sỹ học hỏi, sau là để giáo dục thẩm mỹ cho quần chúng; nâng cao nhận thức cho các họa sỹ bằng cách in Tổng tập Mỹ thuật truyền thống Hà Tĩnh, Mỹ thuật Hà Tĩnh đương đại (gồm tất cả các họa sỹ người Hà Tĩnh). Từ xưa đến nay, ai cũng biết mỹ thuật hiện hữu trong tất cả lĩnh vực cuộc sống, nhưng các lĩnh vực ấy đã làm gì cho mỹ thuật hay chỉ sử dụng mỹ thuật như một thói quen mà thôi?
Lê Anh Tuấn