Giáo dục

Dạy thêm đóng thuế như thế nào?

Thông tư 29/2024/TT-BG&ĐT ( Thông tư 29) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ 14/2. Như vậy giáo viên daỵ thêm ở nhà buộc phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên điều mà đội ngũ giáo viên cũng như nhiều người dân thắc mắc việc đóng thuế sau khi đăng ký kinh doanh sẽ như thế nào?

Giáo viên chủ động đi đăng ký kinh doanh dạy thêm

Ghi nhận thực tế, không ít giáo viên đăng ký kinh doanh dạy thêm đã phải dừng lại vì vướng quy định “Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường” tại Thông số 29/2024/TT-BGDĐT. Và để không bị gián đoạn hoạt động dạy thêm, học thêm, các thầy cô giáo cũng đã chủ động tìm hiểu và nhờ người đi đăng ký cơ sở kinh doanh, hoặc hộ kinh doanh. Tuy nhiên, việc xin cấp phép dạy thêm thế nào để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, cũng như quyền lợi của người dạy đang là vấn đề nóng.

Người dân thực hiện thủ tục nộp thuế với Nhà nước

Cũng theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, để được đăng ký dạy thêm, giáo viên cần thực hiện đăng ký kinh doanh, công khai, niêm yết thông tin và báo cáo với người đứng đầu nhà trường về nội dung đăng ký dạy thêm, học thêm. Về việc đăng ký kinh doanh, có thể đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh hoặc các loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bách (thành phố Vinh – Nghệ An) có vợ là giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh ở trường cấp 3 thành phố Vinh chia sẻ, ngày 18/2 vừa qua ông đã chủ động nhờ người nộp hồ sơ lập hộ kinh doanh, sau đó ông được hướng dẫn cần phải hoàn thiện thêm một vài loại giấy tờ nữa thì mới đủ điều kiện.

“Nhu cầu dạy thêm, học thêm là khá lớn. Ngoài học sinh nói chung thì khi người thân quen có con, cháu muốn gửi gắm nhờ bồi dưỡng kiến thức. Hay chính con cái của các giáo viên cũng gửi đến nhờ dạy. Do vậy nếu để vợ đi dạy thêm ở các trung tâm cũng không tiện, ông và vợ đã quyết định đi đăng ký dạy thêm theo Thông tư 29” – ông Bách nói.

Cô Nhật Anh – một giáo viên dạy môn Toán ở trường cấp 2 tư thục tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, chị lựa chọn dạy thêm cho trung tâm. Lý do được cô Nhật Anh đưa ra, là ở trường tư thục, lượng học sinh đi học thêm cũng ít. Chưa kể nhà cô cũng không có cơ sở đủ rộng để mở lớp dạy trực tiếp. “Tôi chọn phương thức dạy thêm cho trung tâm để không vướng mắc gì. Thủ tục hay học phí thu như thế nào đều trung tâm tính toán” – cô Nhật Anh chia sẻ.

Thông tin từ một số địa phương như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hà Nội… cho biết, sau ngày 14/2 tới nay số lượng hồ sơ đăng ký kinh doanh trên lĩnh vực giáo dục tăng.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, nhu cầu dạy thêm, học thêm hiện rất lớn, song đây là hoạt động phức tạp, cả ở trong và ngoài nhà trường. Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 nhằm thắt chặt quản lý lĩnh vực này chứ không cấm nhà giáo dạy thêm, chỉ cấm hoạt động dạy thêm không đúng quy định. "Việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội", ông Thưởng nói.

Đóng thuế như thế nào?

Theo Thông tư 29/2024/TT- BGD ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2/2025, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.

Trở lại với câu chuyện của ông Nguyễn Bách ở thành phố Vinh, Nghệ An, ông cho biết khi đi tìm hiểu thông tin, nếu được cấp giấy phép dạy, ông phải đóng môn bài hàng năm, còn việc đóng thuế TNCN như thế nào chưa được thông suốt. “ Tôi băn khoăn về cơ sở nào để tính được doanh thu để đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN)” – ông Nguyễn Bách đặt câu hỏi.

Và băn khoăn của ông Nguyễn Bách cũng là tâm trạng của nhiều thầy cô giáo dạy khi nhờ người thân hoặc tự đăng ký hộ kinh doanh để tổ chức dạy thêm, học thêm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, hoạt động dạy thêm thực chất là hoạt động kinh doanh và phải nộp thuế.

Theo ông Được, nếu đăng ký thành lập hộ kinh doanh, thầy giáo, cô giáo sẽ xin giấy phép từ UBND quận, huyện nơi đặt địa điểm của hộ kinh doanh. Còn nếu thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp thì giáo viên sẽ đăng ký thành lập công ty và giấy phép này được cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư, trừ trường hợp thuộc đối tượng không được góp vốn, thành lập, quản lý doanh nghiệp theo quy định.

Với việc đăng ký hộ kinh doanh, ông Được cho hay, chủ hộ kinh doanh sẽ phải lên cơ quan thuế đăng ký nộp và kê khai thuế với những địa phương chưa có sự liên thông, trường hợp còn lại phải thực hiện khai thuế, nộp thuế. “Hộ kinh doanh thực hiện nộp thuế theo hình thức thuế khoán là thuận tiện nhất”, ông Được nói.

Theo quy định hiện nay, căn cứ tính thuế đối với hộ nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm tiền thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Theo đó doanh thu dạy thêm là toàn bộ học phí các khoản thu khác có liên quan…

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế VAT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Được hoạt động dạy thêm, học thêm đủ điều kiện theo quy định của Luật Giáo dục thì không phải chịu thuế VAT nhưng hộ kinh doanh dạy thêm sẽ phải chịu thuế TNCN. Tỷ lệ thuế TNCN với nhóm ngành giáo dục tính là 2%.

Đối với thuế môn bài, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài do được cơ quan thuế thông báo thuế khoán.

Trong trường hợp, giáo viên không trực tiếp mở hộ kinh doanh, doanh nghiệp để tổ chức dạy thêm mà tham gia hoạt động dạy thêm thông qua tổ chức khác để nhận tiền công, tiền lương, ông Được cho biết trường hợp trên đóng thuế TNCN từ tiền lương tiền công và phải cộng vào tổng thu nhập của giáo viên tại các trường và thực hiện quyết toán thuế TNCN cuối năm theo quy định.

Từ 1/1/2026, ngưỡng chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh là 200 triệu đồng trở lên. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc trường hợp phải nộp thuế VAT và thuế TNCN tính theo công thức sau:

Thuế VAT phải nộp = Doanh thu tính thuế VAT x Tỷ lệ thuế VAT.

Thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Tác giả: T.Hằng – P.Vân

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP