Giáo dục

"Siết" dạy thêm: Ủng hộ nhưng vẫn... tâm tư!

Thông tư mới về dạy thêm, học thêm nhận được sự đồng tình của xã hội nhưng vẫn còn không ít băn khoăn của giáo viên, phụ huynh

Ngày 14-2-2025, Thông tư số 29/2024/TT-BGD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm sẽ được áp dụng toàn quốc với nhiều điểm mới.

Ứng phó với quy định mới

Nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật và chính đáng. Nhiều phụ huynh có con đang học lớp cuối cấp chia sẻ, nếu chỉ mục đích học để thi đỗ tốt nghiệp cấp 3, thì hoàn toàn không cần phải đi học thêm. Nhưng mục đích đi học đại học trường tốt, đi du học diện học bổng thì cả ngàn học sinh, chỉ có một vài em là không cần đi học thêm.

"Để có cơ hội ở các trường đại học tốp đầu, việc học ở trường là chưa đủ, gia đình phải tìm lớp học thêm bên ngoài nhà trường cho con" - chị Phùng Thanh Xuân, một phụ huynh có con đang học lớp 12 tại quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết.

Ghi nhận tại một số trường học ở Hà Nội, không ít giáo viên (GV) đã chuyển đổi hình thức từ dạy thêm trực tiếp sang dạy online.

Để ứng phó với quy định không dạy thêm cho học sinh tiểu học, ở một số nơi, GV cho hay sẽ trông giữ học sinh sau giờ tan học giúp phụ huynh. Thay vì đóng tiền học thêm cho GV, phụ huynh gọi tiền đó là tiền "trông giữ trẻ", việc dạy thêm cô giáo hoàn toàn miễn phí. Trên nhiều diễn đàn của GV khắp cả nước, nhiều GV chia sẻ cách "lách" thông tư, như thay vì dạy thêm tại nhà thì chỉ nhận dạy kỹ năng sống...

Nhiều GV tại TP HCM cho biết trước đây hầu hết dạy thêm tại nhà hoặc thuê địa điểm dạy cho biết hiện đang "ngồi im" chờ hướng dẫn, sau đó sẽ… tùy cơ ứng biến.

GV tiếng Anh một trường tiểu học tại TP Thủ Đức - TP HCM cho biết trước khi quy định mới có hiệu lực, gia đình đã bàn rất kỹ, sau đó để một người trong nhà đứng tên đăng ký thành lập công ty với ngành nghề kinh doanh là dịch vụ hỗ trợ giáo dục, các hoạt động giáo dục khác chưa được phân vào đâu.

Theo GV này, trước đây khi dạy thêm tại nhà, chi phí sẽ giảm được vì không mất công thuê địa điểm, đóng thuế... "Theo quy định mới, chắc chắn chi phí sẽ phải tăng thêm nhưng tâm lý cũng thoải mái hơn, không nơm nớp sợ vi phạm" - GV này cho biết.

Học sinh vội đến một lớp học thêm tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH


Nhiều vấn đề cần làm rõ

Một chuyên gia giáo dục nhận xét, việc chỉ cho phép dạy thêm tại các trung tâm như quy định mới không phải là cách giải quyết vấn đề. Trên danh nghĩa thì học sinh sẽ phải làm đơn đăng ký học thêm với trung tâm, rồi trung tâm sẽ thuê GV để bồi dưỡng cho học sinh.

"Quy trình này về lý thuyết rất khách quan, minh bạch và hoàn toàn tự nguyện, nhưng thực tế là sẽ có những biến tướng để hợp thức hóa. Trung tâm sẽ xếp học sinh học cùng lớp, cùng trường học chung một lớp học thêm như ở trường. Rồi ở trung tâm, rất có thể GV lại "vô tình" dạy đúng học sinh mà mình đang đứng lớp. Việc học thêm như vậy vẫn tiếp tục tồn tại, được hợp thức hóa" - chuyên gia này cho hay.

Theo quy định mới, GV muốn dạy thêm tại nhà có thể đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Quy định mới cũng yêu cầu: "Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm". Tuy nhiên, các chuyên gia băn khoăn liệu rằng cơ quan đăng ký kinh doanh có năng lực chuyên môn để thẩm định, cấp phép cho GV hay không? Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường hậu kiểm sau khi cấp phép; đẩy mạnh việc kiểm tra các đơn vị, cá nhân tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, nhiều phụ huynh tại TP HCM thừa nhận học thêm là nhu cầu của không ít gia đình, không phải cứ lớp học thêm nào cũng tiêu cực. Chị Kim Anh, một phụ huynh tại quận 1 - TP HCM, cho biết lâu nay gia đình vẫn cho hai con học thêm với GV trong trường, hoàn toàn không phải vì ép buộc mà vì GV giỏi, muốn con học thêm để thi được vào trường tốt. "Tôi cũng ủng hộ cấm dạy thêm nếu phát hiện tiêu cực và xử lý nghiêm nếu GV nào vi phạm. Nhưng nếu cho GV dạy thêm ở trường, kể cả cho chính học sinh của mình, nhà trường chịu trách nhiệm giám sát, quản lý sẽ tiện hơn cho phụ huynh rất nhiều" - phụ huynh này nêu ý kiến.

Một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết sở sẽ họp với các quận, huyện để hướng dẫn cũng như phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý các trung tâm dạy thêm, học thêm.

Quan điểm của Sở GD-ĐT TP HCM là kiên quyết thực hiện đúng theo thông tư về dạy thêm của Bộ GD-ĐT, không có chuyện du di, thông cảm. Đây là một quy định có lợi cho học sinh, góp phần chấm dứt tình trạng ép học sinh đi học thêm.

Bộ GD-ĐT: Vì những giá trị tốt đẹp của giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá hoạt động dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường; nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên văn bản đã tồn tại được hơn một thập kỷ qua chưa đủ chế tài quản lý. Theo ông Thưởng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu thực tế, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này được xây dựng trên nguyên tắc chỉ quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ "không cấm". Thông tư quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên; bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo...

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng trách nhiệm của nhà trường và thầy cô là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra... Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, GV là bổ trợ cho các em. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy, những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề.

"Những ngày qua, cũng có những ý kiến cho rằng không dạy thêm giảm thu nhập của GV Chúng ta đều biết rằng có rất nhiều GV như: mầm non, GV vùng sâu vùng xa, GV nhiều bộ môn..., họ không dạy thêm nhưng vẫn tâm huyết, say sưa với nghề. Thời gian qua khi dạy thêm, học thêm xuất hiện một vài yếu tố tiêu cực, không ít thầy cô giáo tốt cũng phải chịu mang tiếng, tổn thương, do đó quy định mới lần này còn là hướng tới "bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo".

Thay đổi, đổi mới bao giờ cũng khó khăn, khó tiếp nhận. Nhưng những gì thông tư quy định dạy thêm, học thêm đang hướng tới là vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp. Do vậy, dù bước đầu khó khăn song tôi mong rằng sẽ có sự đồng lòng, quyết tâm trong triển khai thông tư này. Bộ GD-ĐT sẽ sát sao cùng địa phương, nhà trường, thầy cô trong quá trình thực hiện" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Ông Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng với dạy thêm, học thêm, chỉ nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội.

Tác giả: Yến Anh - Đặng Trinh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP