Mặc dù phải tới ngày 1/1/2017, tuyến xe buýt nhanh (BRT) tại Hà Nội mới chính thức đi vào sử dụng, nhưng ngày hôm qua (29/12) BRT tuyến Kim Mã – Yên nghĩa đã được chạy thử nghiệm.
Trên tuyến đường xe chạy, lực lượng CSGT cũng đã có mặt để hướng dẫn: không cho xe taxi hoạt động và các phương tiện khác ưu tiên cho xe buýt BRT. Một vài nhà chờ đã mở cho khách đi trải nghiệm.
Tuy nhiên, dù là xe buýt nhanh nhưng BRT lại gặp rất nhiều khó khăn, không thể…đi nhanh đặc biệt là giờ tan tầm. Các phương tiện thản nhiên đi vào đường ưu tiên dành cho xe BRT, hay thậm chí là cố tình tạt đầu bất chấp thời điểm đó đường đông hay vắng.
Nhìn những hình ảnh xấu xí này được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người có thể giải thích vì đa số vẫn còn lạ lẫm với tuyến xe buýt nhanh BRT và tuyến đường ưu tiên nhưng không thể phủ nhận nguyên lớn nhất vẫn nằm ở ý thức của người tham gia giao thông.
Dù đã có biển báo nhưng họ vẫn cố tình làm ngơ, đi trái luật.
Nam thanh niên đi xe máy thản nhiên dừng đỗ trong phần đường ưu tiên của xe buýt BRT. (Ảnh: Đình Thành)
(Ảnh: Bin Leo)
Các phương tiện đi vào đường ưu tiên dành cho xe buýt nhanh BRT dù thời điểm này đường khá vắng. (Clip: Đình Thành)
Theo quy định, tại làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT đều có biển cảnh báo, phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông.
Tuy nhiên khi hai làn bên cạnh làn xe buýt nhanh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh thì sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt. Tại các nút giao, nhà chờ đều có lắp hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ hình ảnh ghi lại để phạt nguội.
Theo Nghị định 46, nếu người điều khiển ôtô chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy sai làn, trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.