Nhân ái

Đau xót cảnh cả gia đình lấy bệnh viện làm “nhà”

Bố mất sớm, mẹ và anh trai gần như đã mất khả năng lao động, chỉ còn Hùng là nhân lực chính của gia đình. Nhưng nhiều năm nay, Hùng cũng trong cảnh không biết đến bao giờ mới hết hành trình nằm viện.

Đào Văn Hùng mang trên mình 2 vùng khuyết xương sọ. Ảnh: B.L

Bất lực vì bệnh tật cứ theo nhau tìm đến

Đó là câu chuyện của gia đình em Đào Văn Hùng, sn 1995, quê tại xóm Đài 1, xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Bắt gặp Hùng - chàng thanh niên mang trên mình chiếc đầu méo mó, dị dạng đang giúp anh trai tập đi trong hành lang Viện Huyết học – Truyền máu TƯ khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Hùng sinh ra trong gia đình nghèo có 3 chị em, bố mất vì bệnh hiểm nghèo từ khi Hùng mới 9 tuổi. Chị gái sớm lấy chồng, còn người anh trai là Đào Văn Hoan (SN 1992) bị bệnh rối loạn đông máu bẩm sinh, đang được điều trị tại khoa Hemophilya, Viện Huyết học – Truyền máu TƯ. Những tưởng Hùng sẽ là chỗ dựa vững chắc của gia đình, nhưng em đã bị ôtô đâm trúng trong một đêm tan làm muộn, từ đó, Hùng phải “gắn mình” với bệnh viện, với những ca mổ sọ chưa có hồi kết.

Chia sẻ về gia cảnh với PV Báo Gia đình & Xã hội, Đào Văn Hùng nghẹn ngào: “Nhà chỉ có 3 mẹ con nương tựa nhau, nhưng mẹ em cùng lúc phải “gồng gánh” nhiều bệnh tật, từ bệnh u tuyến giáp đến sỏi thận, suy thận và huyết áp cao, sức khoẻ của mẹ rất yếu, năm ngoái, sau khi mổ sỏi thận mẹ lại càng yếu hơn”. Trong khi đó, người anh trai duy nhất thì lại bị bệnh máu khó đông bẩm sinh, từ nhỏ đã phải ăn ngủ trường kỳ với bệnh viện. “Chỉ còn em là người duy nhất trong gia đình có thể kiếm tiền, những ngày tháng làm công nhân em cũng có thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng để lo từng bữa ăn hàng ngày, những tưởng sẽ là chỗ dựa cho mẹ và anh trai về cả tinh thần lẫn kinh tế trang trải cuộc sống, nhưng số phận đã quá khắc nghiệt với gia đình em, khi hết người này đến người nọ vào viện. Bất lực lắm chị à…”, Hùng gạt nước mắt.

Nhắc đến vụ tai nạn thương tâm mới xảy ra cách đây tròn 1 năm, Hùng rùng mình kể lại: “Sau buổi tan ca làm muộn khi về đến gần nhà em bị một chiếc xe tải tông trúng rồi bỏ chạy. Bác sĩ kết luận em bị rạn, khuyết xương sọ và đã mổ đi mổ lại nhiều lần. Từ tháng 7 đến tháng 12/2017, em đã trải qua 4 lần mổ. Lần đầu thì mổ lấy xương đi nuôi cấy, lần thứ 2 thì cấy ghép xương sọ, tiếp tục mổ lần 3 thì bị nhiễm trùng và lại phải tháo mảnh ghép xương sọ ra, đến lần thứ 4 lại tiếp tục ghép xương sọ. Lần thứ 5 là mổ ghép titan nhân tạo vào vùng xương khuyết. Lịch mổ cũng đã đến gần, chi phí rất nhiều, chủ yếu là nhờ vào các nhà hảo tâm. Đến bây giờ, em cũng không thể biết đây có phải là lần mổ cuối cùng không. Vì gia đình quá kiệt quệ rồi, mặc dù được bảo hiểm hộ nghèo hỗ trợ nhưng riêng số tiền lo chi phí thuốc thang không có trong danh mục được bảo hiểm chi trả ở những lần mổ trước, thì số nợ đã hơn 200 triệu đồng”.

Nhắc đến người em trai bị khuyết xương sọ, Đào Văn Hoan luôn canh cánh trong đầu vì trong những ngày “tranh thủ” chăm anh trong viện, Hùng thường xuyên bị những trận đau đầu như búa bổ hoành hành. Hoan chua xót kể: “Lịch mổ của em Hùng được tiến hành trong tuần tới tại Bệnh viện Việt Đức, nhưng bây giờ chẳng biết làm thế nào, số tiền chuẩn bị cho thuốc men cũng chưa đủ”. Mỗi lần như vậy, cả hai anh em chỉ biết chua xót, bất lực nhìn nhau rồi gạt nước mắt phó mặc số phận…

Trường kỳ lấy xe lăn làm giường

Đào Văn Hoan ngồi xe lăn chống trọi với bạo bệnh.

Đào Văn Hoan bị bệnh máu khó đông bẩm sinh nên chân tay teo lại, phần đầu gối sưng vù khiến Hoan đau đớn. Việc di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vào xe lăn, những ngày có em trai chăm sóc, Hoan tranh thủ và cố gắng nhấc từng bước chân tập rời khỏi chiếc xe lăn, những người chứng kiến đều thấy xót xa. Được bệnh viện tuyến tỉnh giới thiệu điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ từ năm 2009, nhưng lúc nào Hoan cũng mang trên mình khuôn mặt ủ rũ, mệt mỏi bởi những cơn đau hoành hành. Hoan nghẹn ngào: “Mỗi đêm cơn đau ùa về là cơ khớp đau nhức, máu chảy trong cơ mà buốt lên từng cơn, nhìn cảnh mọi người nhẹ nhàng lên giường ngủ, em rất thèm khát được như họ, bởi vì, mỗi lần cơ xương đau nhức, em lại lấy xe lăn làm giường”.

Do hoàn cảnh gia đình nên Hoan tự chăm sóc mình, tự đi xe lăn, những ngày trái gió trở trời đau nhiều quá, bị nặng quá thì gọi người nhà xuống chăm sóc, trong trường hợp người nhà không thể xuống thì đành nương tựa vào người nhà của các bệnh nhân khác trong phòng. Hoan kể: “Em tự bám vào xe lăn và tập đi cũng mới được 3 ngày nay. Hiện tại bệnh em nặng, do chữa trị dài ngày nên em bị kháng thuốc, chi phí cũng vì thế mà tăng lên, mỗi ngày hết 160 triệu đồng, nhưng cũng may là được bảo hiểm hộ nghèo thanh toán 100% viện phí. Do chữa trị dài ngày nên em bị kháng thuốc. Thực sự, nhiều khi em cảm thấy chán nản, bi quan, bố thì mất, mẹ đau yếu, sự sống bản thân chỉ mang tính tồn tại, còn mỗi người em trai đến ông trời cũng chẳng thương…”.

Chứng kiến nhiều người có bệnh máu khó đông lìa xa sự sống vì cơn bạo bệnh hoành hành, Hoan cũng không khỏi xót xa. Với Hoan, lúc này, chỉ biết phó mặc cho số phận vì Hoan biết, bệnh của mình phải trường kỳ gắn với chiếc xe lăn… “Biết bản thân đã đường cùng nên trước mắt, em cầu mong ông trời phù hộ em trai mổ thành công, khoẻ mạnh, vì chỉ có Hùng mới có thể là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình”, Hoan ngấn lệ.

Bà Phạm Thị Ái (48 tuổi, ở Yên Lập, Phú Thọ) cũng có con trai mắc bệnh máu khó đông, chứng kiến cảnh hai anh em Hoan - Hùng chăm sóc nhau cũng không khỏi xót xa, “Những ngày họ bên nhau, em thì đẩy xe cho anh đi khắp các phòng trong khoa, thậm chí là bón từng miếng cơm, miếng cháo cho anh. Thương chúng nó, tôi chỉ biết cầu nguyện điều kỳ diệu sẽ đến với hai anh em, vượt qua bạo bệnh có cuộc sống bình thường như bao người khác…”.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nghi, Khoa Hemophilya, Viện huyết học truyền máu TW, Đào Văn Hoan bị bệnh máu khó đông(Hemophilya) với thể trạng nặng, ức chế với yếu tố 8 nên việc điều trị càng phức tạp và tốn kém. Máu khó đông là bệnh di truyền, dễ chảy máu ở nhiều nơi như ở cơ và khớp. Việc chảy máu còn làm cho bệnh nhân bị tàn tật.

Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về em Đào Văn Hùng, xóm Đài 1, xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. SĐT: 0914.502.933; Em Đào Văn Hoan, phòng 322, Trung tâm Hemophilia, tầng 3, Viện Huyết học – Truyền máu TƯ. SĐT: 01662.096.198.

Tác giả: Bảo Loan

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP