Kinh tế

Dầu thế giới 'rơi tự do', giá xăng dầu trong nước vẫn neo cao, vì sao?

Trước diễn biến rơi tự do của giá dầu thế giới, nhiều ý kiến đặt vấn đề tại sao giá xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt, cùng với đó là câu hỏi liệu sự tồn tại của quỹ bình ổn giá xăng dầu có thật sự cần thiết?

Một trong những so sánh đáng chú ý về diễn biến giá xăng dầu thế giới và Việt Nam trong tuần qua là giá dầu thế giới đã giảm về sát mốc 20 USD/thùng, bằng với thời điểm giá xăng dầu trong nước chỉ khoảng 5-6.000 đồng/lít. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại giá xăng dầu trong nước vẫn đang neo" cao ở mức 16.000 đồng/lít. Như vậy có bất hợp lý?

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính về vấn đề này.

Theo đó, ông Long cho rằng, so sánh như vậy là khập khiễng, không đúng về bản chất.

Ông Long phân tích, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như tỷ giá, lạm phát và các chính sách tài chính, thuế khoá.

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia Tài chính

"Chúng ta phải thấy tỷ giá, lạm phát ở thời điểm này và thời điểm trước kia rất khác nhau. Vì thế, không thể đem giá xăng dầu ở thời điểm hiện tại so sánh với mười mấy năm về trước", ông Long nói.

Theo ông Long, về bản chất giá xăng dầu Việt Nam do nhà nước quy định, kinh doanh xăng dầu có sự cạnh tranh nhưng cạnh tranh yếu vì có một nhóm doanh nghiệp nắm giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường. Giá xăng dầu trong nước có phụ thuộc vào giá thế giới, nhưng mỗi quốc gia lại có chính sách tài chính, thuế, phí khác nhau với mặt hàng này.

"Vì thế không thể so sánh một cách cơ học là giá thế giới giảm bao nhiêu thì trong nước cũng phải giảm bấy nhiêu. Giá xăng dầu trong nước đã có cả một tổ tư vấn để tính toán đưa ra mức giá bao nhiêu thì hợp lý, chứ không thể nói theo cảm tính bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là đúng được", ông Long nhận định.

Đồng quan điểm với ông Long, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, với quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Việt Nam điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày.

"Ngoài độ trễ điều hành giá theo bình quân 15 ngày, nhà điều hành cũng phải tính tới kịch bản để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại", ông Đông nói.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nên bỏ hay giữ?

Trong lúc cuộc chiến giá dầu năm 2020 còn chưa có hồi kết, đa số người tiêu dùng sẽ thấy khó hài lòng với việc giá xăng dầu thế giới rơi tự do (đã mất hơn 30%) trong khi đó, giá xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt. Câu hỏi có nên tiếp tục giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không đã được đặt ra khi chênh lệch giá xăng dầu trong nước thời điểm hiện tại đã được bình ổn qua quỹ này?

Ngày 15/3, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mạnh giá xăng dầu. Mỗi lít xăng E5RON92 giảm 2.290 đồng; xăng RON95 hạ 2.315 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm 1.353 - 1.830 đồng, tuỳ loại. Sau điều chỉnh xăng E5 RON92 ở mức 16.050 đồng một lít, xăng RON95 là 16.810 đồng, mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2017.

Theo một số doanh nghiệp, với mức giá kể trên, mỗi lít xăng E5 RON92 được nhà điều hành trích 200 đồng vào Quỹ bình ổn, mức trích với xăng RON95 là 800 đồng. Nói cách khác, nếu không trích Quỹ, giá hai mặt hàng xăng này sẽ hạ thêm lần lượt 200 đồng và 800 đồng mỗi lít. Tuy nhiên, xung quanh câu hỏi nên bỏ hay giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp đang chịu tác động lớn từ biến động giá xăng dầu thì bản chất của quỹ bình ổn là đang lấy tiền của chính người mua xăng dầu để bình ổn giá cho người mua xăng dầu. Cùng với đó, việc duy trì quỹ này là động thái can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và thị trường.

Hay có ý kiến hoài nghi rằng, liệu cơ quan chức năng có kiểm soát chặt chẽ quỹ bình ổn xăng dầu, vì việc sử dụng quỹ này trong thực tế chưa được công khai, minh bạch.

Ngược chiều với ý kiến của các doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý cho rằng, sự tồn tại của quỹ là cần thiết. Ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định trong bối cảnh Nhà nước vẫn điều hành giá xăng dầu, tức là quy định giá cơ sở đối với mặt hàng này thì nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu.

"Còn giá cơ sở xăng dầu, quỹ bình ổn giá vẫn còn tồn tại, đây là công cụ điều tiết giá xăng dầu mỗi khi thị trường có biến động", ông Tuấn nói.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, cần quỹ bình ổn xăng dầu để tránh cú sốc cho thị trường để cân đối giữa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Quỹ này chỉ có thể bỏ nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) như hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày.

Ông Ngô Trí Long cũng cho rằng khi Nhà nước điều hành giá xăng dầu, vẫn phải giữ lại quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi khi giá thế giới có biến động, nếu không có quỹ này, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng cao, gây áp lực rất lớn lên lạm phát.

Tác giả: Đình Vũ

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

  Từ khóa: giá xăng dầu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP