Kinh tế

Đấu thầu bảo trì đường bộ qua mạng từ 2019

Đến năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đấu thầu 100% các gói thầu bảo trì đường bộ qua mạng với kỳ vọng nâng cao tính minh bạch, công bằng và tiết kiệm hơn...

Bảo trì, sửa chữa tuyến đường Hồ Chí Minh,đoạn qua Ninh Bình - Ảnh: Tạ Tôn

Bảo mật tuyệt đối, chống thông thầu

Là nhà thầu có thâm niên trong xây dựng công trình giao thông, ông Nghiêm Phú Sơn, Giám đốc Công ty CP XDCT Giao thông 873 kể về những lần gặp khó trong đấu thầu. Trong lần mua hồ sơ mời thầu gói thầu sửa chữa tuyến đường ở tỉnh Điện Biên, lúc mua được hồ sơ mời thầu thì thời điểm đóng thầu cũng cận kề, thời gian để khảo sát thực tế tuyến đường, chuẩn bị hồ sơ dự thầu còn quá ít nên không nộp kịp.

Không chỉ phía nhà thầu, ông Sơn cho biết, có nhiều trường hợp chủ đầu tư cũng bị ăn quả đắng từ các nhà thầu ma mãnh, gian lận. Đơn cử như chủ đầu tư dự án sửa chữa tuyến đường ở địa bàn một tỉnh miền núi phía Bắc. Khi chủ đầu tư đăng tải thông báo mời thầu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hết thời gian phát hành hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư chỉ thấy có hai nhà thầu đến mua nên đã gia hạn thời gian phát hành. Tuy nhiên, đến hết thời gian gia hạn bán hồ sơ mời thầu, chỉ có thêm một nhà thầu đến mua hồ sơ. Đến thời điểm đóng thầu, chỉ có 3 nhà thầu đến nộp hồ sơ dự thầu.

Tại cuộc họp Quỹ Bảo trì đường bộ gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải xây dựng và đưa ra bức tranh tổng thể về công tác bảo trì đường bộ, từ đó có mục tiêu cụ thể đối với việc sửa chữa, đánh giá chi tiết chất lượng công tác bảo trì, tạo sự minh bạch, đồng thuận của người dân. Theo Bộ trưởng, để nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của công tác bảo trì đường bộ phải cung cấp cho xã hội đầy đủ thông tin, công khai, minh bạch thực trạng bức tranh nhu cầu sửa chữa, bảo trì và nguồn lực để bảo trì đường bộ.

“Đáng chú ý là trong 3 đơn vị này thì một trường hợp cơ bản không đáp ứng yêu cầu, trường hợp khác có giá dự thầu sau khi hiệu chỉnh sai lệch, giảm giá vượt giá gói thầu, hồ sơ dự thầu còn lại giá xấp xỉ với giá gói thầu. Công ty có giá xấp xỉ gói thầu đã có thể trúng thầu nếu như chủ đầu tư không biết thông tin về việc nhà thầu này đã quây thầu và thuê 2 nhà thầu khác làm quân xanh cho mình”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Nghiêm Phú Sơn, “thông thầu” được hiểu nôm na là nhà thầu liên kết với nhau như thuê, mượn hồ sơ để tham gia đấu thầu, kìm giá đấu thầu công trình gây bất lợi cho chủ đầu tư. Người trúng thầu sau đó sẽ phải trích một khoản hoa hồng cho những người cho thuê, mượn hồ sơ đấu thầu. Trong trường hợp đấu thầu qua mạng, nhà thầu muốn thông thầu rất khó. Giả sử trường hợp, có 3 nhà thầu liên doanh cùng ngồi đẩy hồ sơ dự thầu lên mạng nhưng do không biết được có bao nhiêu nhà thầu tham gia đấu thầu nên khó “quân xanh, quân đỏ” hay thông thầu được.

Ở góc độ chuyên gia công nghệ thông tin, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Khối ngành phát triển phần mềm Công ty Hệ thống thông tin FPT (đơn vị vận hành hệ thống đấu thầu qua mạng của Cục Quản lý Đấu thầu) cho biết, với một máy tính nối mạng, tất cả công việc tham gia dự thầu của doanh nghiệp có thể thực hiện mọi nơi, mọi lúc, từ việc mua hồ sơ, kê khai đến hoàn thiện giấy tờ với khối lượng lớn đều có thể thực hiện.

Theo ông Tuấn, công nghệ sẽ giải quyết tốt bài toán bảo mật của thông tin và chống được thông thầu.

“Khi chưa mở thầu, người quản trị hệ thống sẽ không biết được bất cứ thông tin gì trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Với công nghệ đấu thầu qua mạng, nhà thầu tham gia đều phải dùng chữ ký số để mã hóa thông tin và tất cả các bên đều không thể biết trước thông tin nếu chưa mở thầu. Bên mời thầu cũng không biết được thông tin trừ khi đã mở thầu”, ông Tuấn nói.

Thi công sửa chữa QL38 qua địa bàn huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam - Ảnh: Tạ Tôn

Giảm 10% chi phí

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, với mục đích tăng cường tính minh bạch trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu bảo trì, tổng cục đã yêu cầu các đơn vị phải thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng. Cụ thể, năm 2018, tổng cục yêu cầu phải đấu thầu qua mạng ít nhất 40% số lượng gói thầu (tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, gồm cả sửa chữa công trình, mua sắm hàng hóa).

Phạm vi áp dụng là các gói thầu được đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ hoặc 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Từ năm 2019, 100% gói thầu bảo trì phải lựa chọn nhà thầu qua mạng. Đối với các gói thầu tư vấn kiểm toán, một số gói thầu khác tuy nằm trong hạn mức được Chính phủ cho phép chỉ định thầu, nhưng nếu không cấp bách sẽ tổ chức đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh và phải áp dụng đấu thầu qua mạng.

“Đây là hình thức đấu thầu hạn chế tối đa sự can thiệp của con người để đảm bảo minh bạch, cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, nảy sinh tiêu cực trong công tác đấu thầu. Chủ đầu tư dễ dàng quản lý thông tin nhà thầu, hồ sơ các dự án vì mọi thông tin được lưu trữ trên trang web nên không bị mất dữ liệu. Việc đấu thầu qua mạng có thể tiết kiệm khoảng 10% chi phí, đồng thời giúp bên mời thầu giảm thiểu giấy tờ lưu trữ vì các văn bản được lưu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và có thể dễ dàng trích xuất lại trong quá trình kiểm tra, thanh tra”, ông Huyện nói.

Cùng quan điểm, ông Nghiêm Phú Sơn cho rằng, bản thân doanh nghiệp nhận thấy nhiều ưu việt của hình thức này, trong đó có lợi ích của việc giảm được các chi phí. Nếu đấu thầu qua mạng, công ty không cần phải sao chụp, đóng quyển hồ sơ, cước phí vận chuyển, tốn kém từ 5-10 triệu đồng cho mỗi bộ hồ sơ dự thầu, giảm thiểu được không gian lưu trữ hồ sơ cho cả bên mời thầu và bên dự thầu.

Một thuận lợi khác được ông Sơn chỉ ra là không còn khoảng cách địa lý, tận dụng quỹ thời gian làm hồ sơ dự thầu vì có thể đệ trình sát thời hạn chót. Điều này đặc biệt hữu ích khi tham gia các gói thầu phát hành từ địa phương khác, xa về khoảng cách địa lý. Nếu theo phương pháp truyền thống thường phải nộp thầu trước 2 ngày, nay có thể nộp thầu sát giờ. Đối với nhà thầu, ưu việt này cực kỳ quan trọng, vì những quyết định quan trọng về giá gói thầu thường được đưa ra trước thời điểm đóng thầu.

Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, với hơn 300 gói thầu bảo trì đường bộ hàng năm, việc đấu thầu qua mạng tuy ban đầu tuy có bỡ ngỡ nhất định nhưng khi quen dần, tiến độ đấu thầu bảo trì sẽ nhanh hơn. Các gói thầu đấu thầu điện tử cũng có nhiều nhà thầu tham dự hơn, tăng khả năng cạnh tranh trong đấu thầu, tạo cơ hội thu hút và chọn được nhà thầu có năng lực tài chính, khoa học công nghệ mạnh hơn, thậm chí là nhà thầu quốc tế. Qua đó, có thể nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ.

Tác giả: Trần Duy

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP