Xã hội

Đất vườn “lao sông” theo tàu hút cát, người dân nơm nớp lo sợ

Gần một tháng nay, các hộ dân canh tác ven sông Đồng Nai (đoạn qua huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) nơm nớp lo sợ về tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng, do nhiều doanh nghiệp cho tàu hút cát hoạt động trở lại.

Sau một thời gian vắng bóng, nhiều doanh nghiệp khai thác cát trên địa phận sông Đồng Nai (đoạn qua tỉnh Lâm Đồng) được phép hoạt động trở lại. Khi tàu hút cát vừa “tái xuất”, nhiều diện tích đất vườn đã bị trôi sông khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Luyến (ngụ thôn 5, xã Đạ Kho, Đạ Tẻh) cho biết, mảnh vườn trồng dâu của gia đình đang lên xanh tốt thì lại bị “hà bá” đe doạ nuốt chửng. Hàng ngày tàu hút cát hoạt động liên tục từ sáng đến chiều, khi nào hút đầy khoang mới chịu về bãi tập kết.

Tàu hút cát hoạt động trở lại, nhiều diện tích đất vườn của người dân trôi xuống lòng sông

“Nhiều hàng cây dâu của gia đình tôi đã biến mất, một số cây sát mép vườn đã bị trơ cả gốc, chỉ chờ là bị trôi xuống lòng sông. Khi tôi có mặt ở vườn, xua đuổi tàu không được áp sát bờ sông để hút cát thì họ mới chịu đi ra, nếu chúng tôi không có mặt ở đây chẳng biết họ hút như thế nào nữa...”, bà Luyến cho thêm.

Cùng cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa (thôn 9, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh) như ngồi trên lửa khi chứng kiến hàng trăm mét vuông đất vườn trồng dâu tằm bị sạt lở và trôi xuống lòng sông Đồng Nai. Cuối mảnh vườn dâu nhà ông đã hình thành một hàm ếch dài hàng chục mét, rất dễ bị trôi xuống sông nếu có người đi lại sát mép vườn.

Theo ông Nghĩa, kể từ khi tỉnh Lâm Đồng cấm không cho các doanh nghiệp khai thác cát hoạt động trên đoạn sông này thì vườn nhà ông không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên hơn một tháng trở lại đây, tàu hút cát xuất hiện, hoạt động rầm rộ và hút cát sát vào mép sông đã khiến đất vườn của gia đình ông không ngừng sạt lở, trôi xuống lòng sông.

Vườn dâu tằm trồng ven sông của các hộ dân ở xã Đạ Kho (Đạ Tẻh) bị trơ gốc chỉ chờ trôi xuống sông

Bức xúc với tàu khai thác cát của những doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, người dân đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Được biết, khi người dân phản ánh, công an kinh tế và Phòng Tài nguyên môi trường huyện Đạ Tẻh đã xuống kiểm tra nhưng chỉ làm giấy đề nghị, doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác cát.

Ông Trần Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Đạ Kho (Đạ Tẻh) thừa nhận hoạt động khai thác cát của 3 doanh nghiệp trên địa bàn xã được cấp phép trở lại khoảng một tháng nay.

Ông Cường nhận định thêm, đây không hẳn là nguyên nhân khiến đất vườn của người dân bị sạt lở xuống sông mà có thể do ảnh hưởng của dòng chảy, cộng với thời gian qua trên địa bàn có mưa lớn liên tục khiến mực nước dâng cao gây sạt lở bờ sông!

Nhiều đoạn đất canh tác hình thành một hàm ếch khoét sâu vào phía trong rất dễ sạt lở, khiến người dân nơm nớp lo sợ

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), trên địa bàn huyện hiện có 4 doanh nghiệp và 1 hộ dân được tỉnh cho phép khai thác cát trở lại sau gần 1 năm bị tạm ngưng.

Ông Nguyễn Duy Thái, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đạ Tẻh cho biết, đoạn sông Đồng Nai được phép khai thác kéo dài khoảng 19km, đi qua địa bàn các xã Đạ Kho, Đạ Lây, Hương Lâm, An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh.

“Ngay khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở, Phòng đã phối hợp với cơ quan chức năng xuống kiểm tra, ghi nhận và cũng xử lý một doanh nghiệp vi phạm đã tăng thêm 1 tàu hút cát so với quy định. Cũng phải thừa nhận do có tác động từ việc khai thác cát nên đất mới sạt lở chứ không thể nói không ảnh hưởng gì được... ”, ông Thái nói thêm.

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP