Người đương thời

‘Đất nở Hoa’ dưới chân núi Hồng Lĩnh

Cương Gián lừng danh về cách làm giàu bằng con đường xuất khẩu lao động. Nhưng tại Cương Gián có những thanh niên trẻ trung lập nghiệp, làm  giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Một trong số đó là Trần Đức Hạnh (sinh năm 1983, thôn Bắc Sơn)

Lời dặn của cha

Vào một ngày cuối năm, tôi cùng anh Trần Phong (huyện đoàn Nghi Xuân) đến Cương Gián tìm Trần Đức Hạnh . “ Anh ấy không có ở nhà đâu. Muốn tìm anh ấy phải ra trang trại. không ở hồ, ở trại thì cũng ở vườn”.  Một người hàng xóm vừa chỉ đường, vừa nói.

Len lỏi qua những con đường gồ ghề, lách qua những  con đường nhỏ, đến cánh đồng Lọng Bọng cạnh con rào Mỹ Dương, chúng tôi bắt gặp một cảnh  rất lạ: Có một người trai trẻ đang đi và theo sau anh là cả đàn ngan, ngỗng, vịt dễ đến hàng ngàn con. “ Cháu không phải nghệ sĩ xiếc nhưng có thể điều khiển được những động vật mình nuôi. Bí quyết chẳng có gì khó khăn cả. Chỉ cần yêu thương nó, hiểu được tiếng nói của nó là đủ”. Hạnh đùa vui.

Chúng tôi ngồi ngay trên bờ ruộng, và câu chuyện bắt đầu. Với Hạnh, lựa chọn VAC để khởi nghiệp là duyên phận , là đam mê,  và quan trọng hơn là di chúc của cha. “ Có 3 nguyên nhân để em lựa chọn VAC. Một là em thích môn sinh vật khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ý tưởng này đã ám vào em từ nhỏ. Hai là trước khi bố em mất , bố di chúc lại cho em là không để đất hoang. Bố muốn 1,7ha đất mà bố khai hoang ở vùng Lọng Bọng cạnh rào Mỹ Dương, dưới chân núi Hồng Lĩnh phải trở thành trang trại. “ Phải làm cho đất nở hoa”. Thứ 3 là sau 8 năm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, em tích lũy được ít vốn về là bắt tay vào cuộc ngay, không thể để chậm trễ”. Hạnh nói.

Hạnh đi đâu là đàn gia cầm đi theo . ảnh: Lê Văn Vỵ
Hạnh đi đâu là đàn gia cầm đi theo . ảnh: Lê Văn Vỵ
hatinh24h
Đàn gia cầm của Hạnh thỏa sức trên những cánh đồng lớn vùn vụt

“Có gan làm giàu…”

Công việc đầu tiên là dọn mặt bằng và quy hoạch. Hạnh đã được anh Dương Văn Khanh- Bí thư đoàn xã Cương Gián cùng đồng hành, giúp đỡ, nên ý tưởng  phác  thảo trên giấy được hiện thực hóa. Dựa trên thế đất, Hạnh đã quy hoạch 1,7ha đất thành 4 khu vực: Khu vực trồng cây ăn quả; khu vực đào ao nuôi cá; khu vực làm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu vực làm kinh doanh dịch vụ và nhà ở.  Và tất cả được triển khai đồng loạt, thợ đến làm trang trại. Thợ cho máy đào ao. Chỉ trong 4 tháng tất cả nhà chuồng chăn nuôi hoàn thành. Bốn hồ nuôi cá trắm đen, cá chuối và cá thịt khác với diện tích 1200m2 đã hoàn tất. “ Trong người em lúc nào cũng sôi sùng sục, cũng cháy lên những ý tưởng và muốn biến tất cả ý tưởng ấy thành hiện thực”. Thế là Hạnh quần quật làm ngày đêm, khi nào cũng tính toán suy nghĩ và hành động. “ Em quyết định táo bạo. Ra Tứ Xuyên chọn  mua giống vịt cánh trắng, ngỗng, đến Quỳ Châu đặt mua giống vịt bầu. Cuối năm 2013, em mua một lúc 5 con trâu (4 nái, một đực), 5 con bò (4 nái, 1 đực),  đầu tư nuôi 40 con lợn thịt, 3 lợn nái, 6000 con vịt trong đó dự định 500 vịt đẻ trứng, 300 con ngỗng, 500 con ngan và 500 con gà. Rót hết vốn liếng còn vay nợ gần nửa tỷ. Có chí làm quan, có gan làm giàu mà”. Hạnh kể.

Cả một khối công việc. Giúp Hạnh có 8 lao động, trong đó có 5 lao động của gia đình và 3 lao động được Hạnh Ký hợp đồng với mức lương 4,5 triệu đồng/ tháng.

Thế là vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Chỗ nào không biết thì mua sách về đọc, tra google, hay tìm thầy, tìm bạn. Nhận xét về Hạnh, anh Dương Văn Khanh- Bí thư đoàn  xã Cương Gián nói: “ Cậu này đam mê quên ăn, quên ngủ, mà nói chính xác là rất có máu me, máu me chăn nuôi trồng trọt. Mà kinh nghiệm cho hay làm cái gì không máu me, không dán thân thì khó mà thành công được”.

Dãy ao mới đào, thả cá , cá lớn vùn vụt mỗi ngày trông thấy. Đàn vịt ngan ngỗng của nhà Hạnh được chăn dắt trên những cánh đồng hoang cứ lớn lên như thổi. Chẳng mấy chốc Hạnh đã cho xuất chuồng. Đầu năm 2015 Hạnh xuất được 4000 con vịt thịt thu được 400 triệu, 40 con lợn thịt “ ẵm”  gọn 120 triệu, bò và trâu lãi gần 50 triệu;  4 ao cá thu về gần 100 triệu. “ Chỉ mới hơn một năm mà em trả sạch nợ, lại còn tiền để đầu tư. Em không ngờ bước đầu khởi nghiệp mà lại gặp may mắn như vậy”. Hạnh nói.

Hạnh với các Đồng chí trong BCH Đoàn đang bàn bạc thành lập tổ hợp tácthanh niên (từ trái sang phải: Trần Phong (CB huyện đoàn); Dương Văn Khánh (Bí thư Đoàn xã Cương Gián); Trần Đức Hạnh và Phạm Thị Hồng Nhung (Phó BT Đoàn xã Cương Gián). Ảnh: L.V.V.
Hạnh với các Đồng chí trong BCH Đoàn đang bàn bạc thành lập tổ hợp tácthanh niên (từ trái sang phải: Trần Phong (CB huyện đoàn); Dương Văn Khánh (Bí thư Đoàn xã Cương Gián); Trần Đức Hạnh và Phạm Thị Hồng Nhung (Phó BT Đoàn xã Cương Gián). Ảnh: L.V.V.

Dự định

Trao đổi với chúng tôi về dự định năm 2016 và những năm kế tiếp Hạnh bộc bạch: “ E vẫn tiếp tục đầu tư vào VAC, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch, mở rộng đầu tư  chiều sâu,  nhằm  cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm chất lượng đảm bảo sạch. Muốn vậy, em đang suy nghĩ và tiếp tục đầu tư quy trình khép kín từ nguồn giống, thức ăn sạch, lò giết mổ, nhà hàng phục vụ. Muốn vậy phải liên kết liên doanh thành lập tổ hợp tác, phát triển và phải có thời gian mới có thể thực hiện được ý tưởng đó.”.

Được biết Đoàn Xã Cương Gián đang tìm cách nhân rộng mô hình VAC của Hạnh. “ Sắp tới chúng em sẽ vận động thành lập Hợp tác xã chăn nuôi để  tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ, nhất là các bạn tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm. Bạn Hạnh rất sẵn sàng đỡ đầu mọi mặt”. Cô Phạm Thị Hồng Nhung- Phó Bí thư Đoàn xã Cương Gián nói.

Những sản phẩm gà, vịt, ngan, ngỗng, cá  của Hạnh đang được người tiêu dùng lựa chọn. Hiện đã có nhiều khách hàng gọi điện thoại hay trực tiếp đặt mua với số lượng lớn  để bán trong dịp tết.

‘Tại huyện Nghi Xuân, có hàng chục mô hình thanh niên lập nghiệp, nhưng chúng tôi đánh giá cao mô hình của đoàn viên Trần Đức Hạnh không chỉ ở lĩnh vực dầu tư mà quan trọng là mô hình này phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng địa phương, nhất là tiềm năng đất để cho “đất nở hoa”  ra sản phẩm sạch góp phần làm giàu cho xã hội…’

(Trần Phong- CB Huyện đoàn Nghi Xuân)

Bài và ảnh: LÊ VĂN Vỵ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP