Thế giới

Đập Tam Hiệp, công trình tham vọng đầy tai tiếng của Trung Quốc

Trung Quốc đã tốn nhiều tiền của và công sức để xây dựng cũng như duy trì đập Tam Hiệp, công trình kiến trúc đồ sộ từng được ví như "Vạn Lý Trường Thành thứ 2".

Đập Tam Hiệp nằm chắn ngang sông Dương Tử (con sông dài nhất Trung Quốc và dài thứ 3 trên thế giới) tại thị trấn Tam Đẩu Bình thuộc thành phố Nghi Xương, tỉnh miền trung Hồ Bắc.

Tam Hiệp hiện là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Ảnh: AP

Theo Bách khoa toàn thư Britannica, ngay từ những năm 1920, các lãnh đạo nước này lần đầu tiên đã thảo luận về ý tưởng xây dựng một đập thủy điện khổng lồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Song, mãi đến năm 1955, việc lập kế hoạch chi tiết cho dự án đập Tam Hiệp mới chính thức được xúc tiến.

Giống như việc xây dựng nhiều đập thủy điện khác, dự án đập Tam Hiệp cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều cả trong và ngoài Trung Quốc. Những người đề xuất và ủng hộ dự án khăng khăng rằng, đập Tam Hiệp sẽ giúp kiểm soát ngập lụt nghiêm trọng dọc sông Dương Tử, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nội địa và cung cấp phần lớn nguồn điện năng thiết yếu cho miền trung Trung Quốc.

Tuy nhiên, những người phản đối đề cập đến hàng loạt vấn đề có thể nảy sinh từ dự án, như nguy cơ vỡ đập; việc phải di dời khoảng 1,3 triệu dân (phe chỉ trích khẳng định con số thực tế lên đến 1,9 triệu dân) khỏi hơn 1.500 thành phố, thị trấn và làng mạc dọc theo sông Dương Tử vì mực nước dâng cao; việc phá hủy cảnh quan tráng lệ, vô số địa điểm kiến trúc có giá trị khảo cổ học và văn hóa cũng như các tác động tiêu cực khác tới môi trường.

Trong dư luận cũng có những lo ngại rằng, chất thải từ sinh hoạt của con người và hoạt động sản xuất công nghiệp từ các thành phố sẽ làm ô nhiễm hồ chứa nước của đập thủy điện và ngay cả lượng nước khổng lồ trong hồ chứa cũng có thể gây ra động đất, lở đất trong khu vực. Một số kỹ sư Trung Quốc và nước ngoài lập luận rằng, lượng lớn các đập nước nhỏ hơn với chi phí xây dựng thấp hơn và ít gây vấn đề hơn trên các nhánh của sông Dương Tử cũng có thể tạo ra tổng công suất phát điện như đập Tam Hiệp, đồng thời giúp kiểm soát lũ lụt tốt tương đương. Theo họ, việc xây dựng những con đập quy mô nhỏ như vậy sẽ cho phép chính phủ đáp ứng các ưu tiên chính mà không gặp rủi ro.

Các tranh cãi cùng với những biến động trong nước đã khiến Trung Quốc phải trì hoãn xúc tiến dự án tới gần 40 năm. Mãi tới năm 1994, đập mới bắt đầu được xây dựng, cơ bản hoàn thành vào năm 2006 và vận hành đầy đủ chức năng vào năm 2012.

Đập Tam Hiệp có chiều dài 2.355m, với đỉnh đập cao 185m trên mực nước biển và thành đập cao 181m so với nền đá. Để hoàn thành công trình, nhà chức trách đã phải cho đào 102,6 triệu m3 đất, sử dụng tổng cộng 27,2 triệu m3 bê tông (chủ yếu dùng xây thành đập) và 463.000 tấn thép (đủ tạo nên 63 tòa tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp).

Mực nước trong đập cao tối đa 175m trên mực nước biển, cao hơn mực nước sông ở hạ nguồn 110m. Hồ chứa nước có chiều dài khoảng 660m với tổng diện tích bề mặt nước 1.045km2.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), kể từ khi soán "ngôi vương" của đập Itaipú nằm trên sông Paraná ở biên giới giữa Brazil và Paraguay vào năm 2012, cho đến nay, Tam Hiệp vẫn là đập thủy điện lớn nhất trên thế giới với 26 tổ máy phát, tạo ra tổng công suất phát điện là 22.500MW.

Nhật báo Trung Quốc đưa tin, dự án đập Tam Hiệp đã ngốn của Trung Quốc tổng cộng 200 tỷ Nhân dân tệ (hơn 28,2 tỷ USD) tiền đầu tư, lấy từ nhiều nguồn, bao gồm cả quỹ xây dựng đập, lợi nhuận từ nhà máy phát điện Cát Châu Bá, các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cũng như các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, trái phiếu... Song, con số thực tế được tin là lớn hơn nhiều.

Dự án cũng gặp nhiều điều tiếng vì các bê bối. Một số hạng mục trong dự án có chất lượng thấp đến mức Thủ tướng Chu Dung Cơ năm 1999 đã phải ra lệnh phá đi xây lại. Tháng 1/2000, các thành viên thuộc Uỷ ban tái định cư Tam Hiệp cũng bị bắt vì tội tham ô các quỹ của chương trình tái định cư cho người dân phải di dời.

Hồ chứa nước dài 660m của đập Tam Hiệp. Trong ảnh, cảnh sát bán quân sự Trung Quốc tuần tra khu vực hồ chứa vào tháng 10/2010, khi mực nước trong hồ đạt đến ngưỡng tối đa là 175m lần đầu tiên. Ảnh: Reuters


Theo Thời báo Hoàn Cầu, từ năm 2011 đến nay, Bắc Kinh đã chi hơn 600 tỷ NDT (gần 85 tỷ USD) để giảm bớt tác động lâu dài của đập Tam Hiệp đối với khu dân cư xung quanh và “kiểm soát hiệu quả” môi trường ngày càng xấu đi trong khu vực. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ chi thêm 600 tỷ NDT nữa đến năm 2025 để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Bắc Kinh hiện coi bảo vệ sông Dương Tử là một trong những ưu tiên chính sách. Theo lệnh của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2016, các chính quyền địa phương đã cho phá dỡ nhiều đập nước nhỏ, di dời các nhà máy, thu gom rác thải nhựa, cấm xả thải, hạn chế xây dựng dọc bờ sông. Các bờ sông cũng được gia cố và trồng rừng để giảm nguy cơ lở đất.

Tuy nhiên, khu vực này cho đến nay vẫn không tránh khỏi những tác động nghiêm trọng từ đập Tam Hiệp, kể cả tình trạng gia tăng các vụ động đất. Bộ Môi trường sinh thái Trung Quốc thống kê, đã có tới 776 trận động đất xảy ra ở khu vực xung quanh sông Dương Tử vào năm 2017, tăng 60% so với một năm trước đó. Kết quả một nghiên cứu từ Cục Địa chấn Trung Quốc cho thấy, số trận động đất ở khu vực đã tăng gấp 30 lần trong giai đoạn từ năm 2003 - 2009.

Các chuyên gia cảnh báo, sự tích tụ chất cặn gần đập cũng đe dọa những nỗ lực kiểm soát lũ lụt. Trong khi, hồ chứa nước khổng lồ của đập có thể đang góp phần làm gia tăng nhiệt độ trong khu vực và cùng với sự phân tán môi trường sinh thái đang đe dọa sự tồn tại của các loài thủy sản ở sông Dương Tử, đặc biệt là cá tầm.

Tác giả: Tuấn Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP