Chia sẻ với Báo Người Lao Động, nghệ sĩ Kim Cương cho biết đạo diễn Long Vân qua đời sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. "Chồng tôi nằm điều trị tại bệnh viện suốt từ tháng 8, lúc Báo Người Lao Động tới thăm đến giờ" - nghệ sĩ Kim Cương chia sẻ.
Đạo diễn Long Vân |
Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội, là người rất có duyên với Sài Gòn. Dù đã bước sang tuổi gần 90 nhưng vẫn rất minh mẫn.
Mấy năm trước, một vụ tai nạn giao thông đã khiến ông bị hạn chế đi lại, mọi sinh hoạt đều loanh quanh trên căn gác nhỏ phố Nguyễn Thái Học.
Năm 14 tuổi, đạo diễn Long Vân được gửi sang học tập tại Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc, cùng lớp với những người bạn nổi tiếng là GS Nguyễn Lân Dũng, GS Hồ Ngọc Đại... Trong thời gian sống tại Khu học xá, ông từng được xem và bị cuốn hút bởi một số bộ phim của Trung Quốc và Liên Xô. Ngay lúc đó, ông đã có ý định sau này sẽ theo nghiệp làm phim. Sau giải phóng Thủ đô 1954, ông tốt nghiệp Trường Sư phạm và làm việc tại Bộ Giáo dục.
Vì tình yêu với phim ảnh, nên khi biết Trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển lớp đạo diễn và diễn viên khóa đầu, Long Vân lập tức dự thi. Ông trúng tuyển vào lớp đạo diễn, cùng khóa với những đạo diễn tên tuổi như cố NSND Hải Ninh, NSND Huy Thành, nhưng vì năm đó số lượng trúng tuyển đạo diễn hơi nhiều nên lãnh đạo nhà trường gợi ý ông nên chuyển sang lớp diễn viên. Ban đầu không đồng ý, nhưng khi biết hai lớp có nhiều môn học chung thì ông chấp nhận, sau đó học thêm ngành đạo diễn. Sự nghiệp diễn viên của ông không có gì đặc biệt.
Đại diện chương trình Mai vàng tri ân của Báo Người Lao Động đến thăm và tặng quà đạo diễn Long Vân tháng 8-2023 |
Sau nghề diễn, Long Vân mất gần hai chục năm là trợ lý đạo diễn rồi phó đạo diễn. Năm 1979, bộ phim "Tiếng gọi phía trước" của ông đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế tại Moscow. Năm 1980, ông làm phim "Nơi gặp gỡ của tình yêu" và sau đó là "Cho cả ngày mai'.
Tên tuổi đạo diễn Long Vân gắn liền với phim "Biệt động Sài Gòn", bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam được công chiếu năm 1985, gồm 4 tập phim "Điểm hẹn", "Tĩnh lặng", "Cơn giông", "Trả lại tên cho em". Ban đầu phim mang tên "Thiên thần ra trận", sau này được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khi ấy là Bí thư Thành ủy TP HCM, góp ý đổi tên thành "Biệt động Sài Gòn". Bộ phim hành động hấp dẫn đã lập kỷ lục về lượng khán giả khi có tới chục triệu lượt người xem vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. "Biệt động Sài Gòn" trở thành huyền thoại điện ảnh của cả tác giả và dòng phim nhà nước một thời.
Sau "Biệt động Sài Gòn", đạo diễn Long Vân lần đầu tiên đưa hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thể hiện trên màn ảnh rộng với bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn".
Một bộ phim khác của ông là "Giải phóng Sài Gòn" đã tái hiện những khoảnh khắc lịch sử hoành tráng nhất trong các phim làm về đề tài chiến tranh của Việt Nam. Đó là những đại cảnh khói lửa ngùn ngụt, xe tăng rầm rập băng lên, những chiến binh từ hai phía xốc tới bắn như vãi đạn, sân bay bị pháo kích dữ dội, những ụ súng bị hất tung bởi đạn pháo và trên trời trực thăng gầm rú liên hồi...
Các nhân vật trong phim đều là những nhân vật lịch sử như Tổng Bí thư Lê Duẩn (thời kỳ ấy gọi là Bí thư thứ Nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng); Đại tướng Võ Nguyên Giáp; các nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt; Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Lê Trọng Tấn… Từ lúc duyệt kịch bản đến khi bộ phim ra mắt công chúng năm 2005 là 13 năm.
Đạo diễn Long Vân có một niềm hạnh phúc vô tận, đó là ông có những thước phim để đời mà mỗi dịp kỷ niệm, những bộ phim về chiến tranh cách mạng của ông lại là những đại diện của nền điện ảnh nước nhà được đưa ra công chiếu. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước, người ta lại mang phim "Biệt động Sài Gòn" và "Giải phóng Sài Gòn" phát trên các đài truyền hình. Tuy nhiên, những bộ phim ấy lại chưa từng một lần nhận giải thưởng điện ảnh.
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động