Nhà thờ Trần Tịnh
Theo các tư liệu lịch sử, khảo sát thực địa, gia phả dòng họ Trần tại thôn Mật Thiết, xã Kim Lộc không thấy ghi chép về năm sinh và năm mất của ông, chỉ ghi ngày mất của ông là ngày 03 tháng 12 (năm âm lịch). Ông sinh ra trong một gia đình danh giá và có nề nếp ở thôn Mật Thiết, làng Nguyệt Ao, từ thủa nhỏ đã nổi tiếng học giỏi, thông minh, tư chất hiền lành hòa trhuận với anh em, gia đình, xóm làng và bè bạn.
Sau khi ra làm quan ông được triều đình nhà Lê (vua Lê Anh Tông – 1563) cử giữ chức Chưởng bạ tước Văn Lý tử, tự do ra vào nơi cung vua, phục vụ nhà vua tận tâm tận lực và luôn đứng về lẽ phải, về đạo lý để cùng chung gánh vác phò vua giúp ích cho dân cho nước. Trong thời gian này nhà Mạc đứng đầu là Mạc Đăng Dung đã khéo léo lợi dụng cuộc xung đột giữa các phe phái phong kiến, tìm cách diệt trừ các phe phái đối lập, đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân nhằm phế truất nhà Lê, chúa trịnh để lên nắm chính quyền. Lúc này, với danh nghĩa phù Lê diệt mạc, Trần Tịnh đã tỏ ra là một ông quan trung thành phò vua giúp dân giúp nước thoát khỏi cảnh binh lửa tương tàn “nồi da nấu thịt”. Với công lao đó, đến đời vua Lê Thế Tông (1582) niên hiệu Quang Hưng năm thứ 5, ông được vinh thăng chức phụng sự, chế tại nội truyền mệnh, vì đã tỏ ra là người trung thành phò vua cứu chúa. Đến năm 1592 chúa Trịnh thắng nhà Mạc và 2 năm sau 1594, niên hiệu Quang Hưng thứ 17, ông lại được gia phong chức đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tham tri, tước văn lý bá, vì đã có công đem quân giúp nước, tòng quân có công, chầu ở vương phủ, một lòng giữ tiết của kẻ bề tôi.
Trong thời gian chúa Trịnh lên nắm quyền bính, Trần Tịnh có công lao to lớn xông pha nơi trận mạc phò vua. Sau này đến đời vua Lê kính Tông (1601), niên hiệu Hoằng Định thứ 2, xét công lao của ông trong buổi đầu khó khăn phò vua cứu chúa, ông lại được vinh phong làm chức Hiệp mưu tá lý công thần. Và 3 năm sau, niên hiệu Hoằng Định năm thứ năm (1604) ông được vua phong chức tổng thái giám, chưởng cung nội thừa chế sự, tước văn lý hầu. Về hành trạng và sự nghiệp của ông đã được ghi rõ trong tấm bia ký, một di vật quý biếm còn lưu giữu tại nhà thờ của ông.
Trãi qua bao sự thăng trầm của chế độ phong kiến, Trần Tịnh đã từng làm quan trãi qua 3 triều vua, từ vua Lê Anh Tông (1556-1573), vua Lê Thế Tông (1573- 1599), vua Lê Kính Tông (1599-1619) đã đóng góp cho đất nước trong bối cảnh xã hội phong kiến rối ren thời Lê – Trịnh, thế kỷ 16, 17. Ông là một ông quan thanh liêm chính trực, đức độ, nhân nghĩa, giàu lòng nhân ái vị tha, thông minh và giàu dũng khí được nhân dân yêu mến, kính trọng, quân sỹ cảm phục, bạn bè nể trọng, vua tôi tin tưởng yêu mến. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ đến công lao và sự nghiệp giúp dân cứu nước của ông, triều đình phong kiến nhà Lê – Trịnh đã gia phong ông chức Liêm quận công, tước văn lý hầu.
Với công lao to lớn đó, các điều đại phong kiến kế tiếp sau từ thời Lê đến thời Nguyễn đã phong ông vào hàng ngũ những công thần tiết nghĩa, ghi danh công trạng và địa vị của ông đối với quê hương đất nước.
Ngọc Bé
Phòng Văn hóa – Thông tin
Tài liệu tham khảo từ hồ sơ di tích nhà thờ Trần Tịnh