Tin Hà Tĩnh

Dân liều mình kết bè chuối, đánh đu mạng sống qua sông

Kết bè chuối, đu dây thừng, đó là cách người dân ở xã Cẩm Lĩnh và Hương Thủy thuộc tỉnh Hà Tĩnh dùng để qua sông. Với học sinh nơi đây, mỗi ngày đến trường là một ngày sợ hãi.

Bão đánh sập cầu, dân kết bè chuối vượt sông

Gần 3 tháng nay, sau khi cơn Bão số 10 đánh sập chiếc cầu bắc qua sông Khe Gin thuộc xóm 4, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, người dân nơi đây đã phải kết bè để đi lại.

Những chiếc bè kết bằng xốp và thân cây chuối trở thành phương tiện di chuyển bất đắc dĩ của người dân nơi đây. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, mỗi lần vượt sông là mỗi lần họ đánh đu tính mạng với tử thần.

Những chiếc bè chuối người dân dùng làm phương tiện để qua sông.

Tận mắt chứng kiến cảnh người dân dùng bè để vượt sông, chúng tôi mới cảm nhận được hết sự nguy hiểm. Chiếc bè là những miếng xốp và thân cây chuối, lực chở chỉ từ 1 đến 2 người, để sang sông, họ phải đu vào sợi dây thừng buộc sẵn phía bên kia bờ rồi dùng tay kéo.

Một số người dân cho biết, kể từ khi chiếc cầu cũ bị bão đánh sập đến nay đã xảy ra 2 vụ tai nạn trong lúc họ vượt sông.

“Vào ngày 18/11, tôi sang bên kia sông để đi dự ngày hội đại đoàn kết. Hôm đó, trời mưa to, nước sông dâng cao và chảy xiết. Trong lúc tôi đang di chuyển thì chiếc bè bị lật. May lúc đó, có người hàng xóm phát hiện nên đã nhảy xuống sông cứu tôi chứ nếu không giờ tôi không còn được đứng đây nữa”, bà Kiều Thị Tiềm (73 tuổi), chưa hết sợ hãi cho biết.

Tương tự, trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Hà (53 tuổi), một người dân trú cùng thôn với bà Tiềm cũng đã suýt chết tại khu vực này. Chưa hết run, bà Hà kể lại: “Hôm đó, tôi dùng bè đi sang bên kia sông để họp thôn. Trời tối, nước lại chảy xiết, chiếc bè bất ngờ bị lật khiến tôi ngã xuống sông. Tôi chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi chìm dần. May mắn thời điểm đó có người trong thôn phát hiện, nhảy xuống cứu, tôi mới thoát được lưỡi hái của tử thần”.

Bà Hà cho biết thêm, nhà bà ở bên này sông nhưng hội quán thôn lại ở bờ bên kia. Mỗi lần đi họp, sinh hoạt xóm là bà lại phải di chuyển qua sông. Không những vậy, toàn bộ ruộng của bà và đa phần người dân tại đây cũng đều phân tán cả 2 bên bờ sông nên thường xuyên phải đi lại. Chính bởi vậy, ao ước có một cây cầu nối 2 bờ sông là niềm mong mỏi và nhu cầu hết sức bức bách của người dân nơi đây.

Nguy hiểm rình rập trên những chiếc bè được kết bằng xốp và thân cây chuối.

Liên quan nội dung này, ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, trước đây, có một cây câu bằng gỗ bắc qua sông Khe Gin để người dân qua lại. Chiếc cầu mặc dù chưa đảm bảo được yêu cầu đi lại, sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất cho người dân địa phương nhưng ít ra cũng không nguy hiểm về tính mạng. Tuy nhiên, từ sau khi cơn Bão số 10 đánh sập, cuốn trôi chiếc cầu cũ, có 60 hộ dân với 250 nhân khẩu bị chia cắt bởi dòng sông Khe Gin. Người dân thực sự rất tha thiết có cầu để đi lại nhưng kinh phí của xã có hạn, không đủ khả năng để đầu tư xây cầu.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Cẩm Xuyên nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương gì. Đợt vừa rồi Ban A của huyện cũng có về khảo sát nhưng nghe thông tin kinh phí khắc phục Bão số 10 rất hạn chế. Thực sự nếu kéo dài tình trạng này rất nguy hiểm cho người dân mỗi khi di chuyển qua sông. Chính quyền rất lo lắng nhưng lực bất tòng tâm, chưa có phương án khả thi nào”, ông Lam chia sẻ.

Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, chiều dài của cầu được cơ quan chuyên môn khảo sát khoảng 24m, để xây dựng phải mất kinh phí dao động từ 3 - 5 tỷ đồng. Nếu xem xét lực ngân sách của xã thì chỉ có thể huy động sức dân làm cây cầu tre tạm để đi chứ không thể làm được cầu bê tông.

Cược tính mạng vào dây thừng

Người dân xóm 7 và 8 xã Hương Thủy, huyện Hương Khê cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Xã được xem là vùng “rốn” lũ của huyện Hương Khê với con sông Ngàn Sâu chảy quanh chia cắt 2 thôn này cùng gần 1.000 nhân khẩu. Vào mùa mưa, nước ở sông Ngàn Sâu đục ngầu, cuồn cuộn chảy xiết nhưng bất chấp nguy hiểm, người dân 2 thôn này vẫn giao tính mạng cho những con đò không đảm bảo an toàn để sang bên kia bờ giao thương. Trong đó, đáng ngại nhất là việc đến trường của hàng chục em học sinh.

Hàng ngày, những em học sinh nơi đây phải di chuyển bằng đò để đến trường.

Tận mắt chứng kiến cảnh tượng từ sáng sớm, trong tiết trời lạnh giá, từng tốp học sinh chen chúc nhau trên con đò nhỏ để qua sông cho kịp giờ đến lớp, khiến chúng tôi không khỏi kinh hãi. Những người lái đò sẽ bám chặt vào sợi dây thừng đã được buộc sẵn nối 2 bờ sông, dùng lực kéo để đưa đò sang bên này sông.

Ông Nguyễn Văn Thực, người có thâm niên chèo đò hơn 30 năm tại bến số 3 cho biết: “Tôi ra đây chèo đò từ năm 1985, thù lao được người dân trả bằng thóc, gạo chứ không có tiền đâu. Dù ít ỏi nhưng tôi vẫn phải bám trụ để giúp dân qua sông. Giờ đây tuổi đã cao, bệnh tật đầy mình nhưng chưa có ai thay cả nên tôi vẫn phải làm”.

Hãi hùng cảnh tượng người dân dùng dây kéo để qua sông.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết, xã có tất cả 9 thôn thì có 2 thôn bị chia cắt bởi sông Ngàn Sâu. Hầu hết người dân muốn sang bờ bên kia phải di chuyển bằng đò còn nếu đi vòng thì quãng đường rất xa. “Thực tế, những chuyến đò này rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là những em học sinh nhưng việc xây cầu nằm ngoài khả năng của địa phương. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, vừa rồi có đoàn về khảo sát và chọn địa điểm để xây cầu bắc qua sông. Chúng tôi cũng mong dự án sớm được triển khai để người dân đi lại đỡ vất vả và nguy hiểm, nhất là mùa mưa lũ”, ông Thọ nói.

Rời bến đò xã Hương Thủy, hình ảnh các em học sinh trong bộ đồng phục ngồi bập bềnh trên những con đò kéo bằng dây thừng vượt sông, hay ánh mắt hoảng hốt của bà Tiềm sau một lần chạm cửa ngõ long vương tại xã Cẩm Lĩnh đã ám ảnh chúng tôi suốt cả chặng đường về…

Tác giả: Ngân Hà

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP