Formosa xả thải

Dân hoang mang sau khuyến cáo “không sử dụng một số loại hải sản”

Sau khi Bộ Y tế công bố phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung có Phenol, bao gồm: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, các đục, bạch tuộc, cua đá sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý, ngư dân đánh bắt gần bờ và người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng.

Ghi nhận của PV Dân trí tại chợ Đồng Hới (Quảng Bình), một trong những chợ cá lớn nhất tỉnh Quảng Bình vào chiều 20/9, nhiều tàu thuyền của ngư dân sau khi đánh bắt trên biển trở về đã vào khu chợ này để nhập nhiều mặt hàng thủy hải sản. Điều đáng nói, trong đó có nhiều loại thủy hải sản nằm trong danh mục “khuyến cáo không sử dụng” của Bộ Y tế nhưng vẫn được bày bán.

Bà N.T. K., (54 tuổi, trú xã Bảo Ninh) một tiểu thương ở chợ Đồng Hới cho biết, gia đình bà có tàu đánh bắt gần bờ nên mỗi lần cập bến bà lại đưa hải sản ra chợ bán; nhưng sau sự cố môi trường biển, nhu cầu tiêu thụ của người dân ít dần khiến nhiều loại hải sản không bán được.

“Số ghẹ này chồng tui đi biển vào tối hôm qua, trước đây ghẹ bán được giá lắm nhưng nay mỗi kg chỉ bán được khoảng 100.000 đồng, nhưng cũng rất ít người mua”, bà K. buồn rầu nói.

Ghẹ được bày bán ở chợ Đồng Hới (ảnh chụp chiều 20/9)
Ghẹ được bày bán ở chợ Đồng Hới (ảnh chụp chiều 20/9)

Đứng trước rổ ghẹ còn sống, bà N.T.T., ở phường Đồng Mỹ, TP Đồng Hới cho biết, lâu nay bà vẫn mua ghẹ, mực về ăn.

“Lâu ni tui vẫn mua ghẹ, mực về cho cả nhà ăn bình thường, nhưng hôm qua nghe Bộ Y tế thông tin ghẹ, mực và một số hải sản khác sống trong khoảng từ 2,7 – 13,5 hải lý có nhiễm độc tố khiến gia đình rất lo lắng”, bà T., hoang mang.

Ông M.V.T., một ngư dân khai thác thủy hải sản gần bờ ở thôn Tân Hải, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cũng tỏ ra rất hoang mang trước thông tin có nhiều loại hải sản gần bờ được xác định nhiễm độc tố Phenol.

“Gia đình tôi bao năm ra khơi đánh bắt thủy hải sản gần bờ, giờ nhiều loại hải sản mà chúng tôi đánh bắt được như: tôm, ghẹ, mực,… nhiễm độc chưa thể ăn được khiến bản thân tôi cũng như các ngư dân khác đang rất lo lắng. Ra khơi xa thì không có tàu thuyền công suất lớn, kinh nghiệm xa bờ cũng hạn chế mà gần bờ giờ lại không thể đánh bắt thì biết làm nghề chi để kiếm sống đây?”, ông T. thở dài.

Chiều 20/9, tại chợ Đồng Hới, nhiều loại hải sản nằm trong danh mục được xác định nhiễm độc tố vẫn được bày bán tràn lan
Chiều 20/9, tại chợ Đồng Hới, nhiều loại hải sản nằm trong danh mục được xác định nhiễm độc tố vẫn được bày bán tràn lan

Trước tình trạng các loại hải sản nằm trong danh mục được xác định nhiễm độc tố Phenol vẫn được bày bán tràn lan, ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, khi nào có văn bản hướng dẫn cụ thể từ các bộ ban ngành thì địa phương mới tiếp thu rồi ra văn bản chỉ đạo đến ngư dân cũng như người tiêu dùng. “Trên cơ sở ý kiến của Bộ NN&PTNT và các bộ ban ngành liên quan thì chúng tôi mới dựa vào đó để hướng dẫn ngư dân ra khơi, đánh bắt ở vùng biển nào xác định thủy hải sản an toàn để ngư dân đánh bắt chứ báo cáo sáng nay cũng đang còn rất mập mờ, chưa cụ thể”, ông Minh cho hay.

Còn ông Trần Cương, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Bình cho rằng, các cơ quan chức năng công bố thông tin còn chung chung, mọi thứ vẫn chưa được rõ ràng. “Cá biển bơi được chứ không phải nuôi một chỗ như cá nuôi lồng, ai có thể phân biệt được con cá này sống ở vị trí dưới 25 hải lý đây là vùng biển nhiễm độc, nhưng xuôi theo dòng hải lưu cá có thể ra bơi tới 26 hải lý thì an toàn hay sao. Thứ nữa, các bộ ngành cũng cần làm rõ vấn đề về cá sống ở tầng đáy dưới 20 hải lý không an toàn thì phía trên sẽ như thế nào?”, ông Cương nêu quan điểm.

Ông Cương cũng cho biết thêm, sau khi Bộ Y tế có văn bản cụ thể về số lượng và danh mục các loại thủy hải sản trong giới hạn an toàn thì đơn vị sẽ khuyến cáo tới các cơ sở nhà hàng, khách sạn kinh doanh chỉ được sử dụng các mặt hàng nói trên.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí sáng 20/9, lãnh đạo các Bộ Tài nguyên – Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thông tin về môi trường biển và khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

Theo đó, kết quả nghiên cứu như sau: Tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm đối chứng đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có Xyanua – chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt.

Các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt nằm trong hải sản ở 7 tỉnh trên (4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh đối chứng) đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định.

Các kết quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn.

Đối với Phenol, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi (cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi) tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có Phenol.

Phát hiện 132/1040 mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung có Phenol, bao gồm: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, các đục, bạch tuộc, cua đá – đây là các loài hải sản sống ở tầng đáy.

Phân bố 132 mẫu hải sản có phát hiện Phenol đều nằm trong vùng từ 5 – 25km (tương đương với khoảng từ 2,7 – 13,5 hải lý) với tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô – Thừa Thiên Huế.

Sau khi Bộ Y tế công bố nhiều loại thuỷ hải sản trong vòng 13,5 hải lý bị nhiễm độc tố khiến ngư dân đánh bắt gần bờ rất lo lắng
Sau khi Bộ Y tế công bố nhiều loại thuỷ hải sản trong vòng 13,5 hải lý bị nhiễm độc tố khiến ngư dân đánh bắt gần bờ rất lo lắng

Từ những kết quả nghiên cứu trên, Bộ Y tế kết luận: Tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

Các loại hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị, không sử dụng các loại hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý.

Đặng Tài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP