Theo dòng chảy thời gian dân ca ví, giặm như một thứ “vũ khí bí mật” của người dân xứ Nghệ trong cuộc sống đấu tranh sinh tồn từ bao đời nay. Các điệu ví phường vải, phường cấy… và các điệu giặm kể, giặm vè… được ra đời từ lúc nào cũng không biết nữa, nhưng bằng sức lan tỏa âm thầm, Dân ca ví, giặm Nghệ- Tĩnh được lưu truyền từ đời này qua đời khác, và càng ngày càng có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của con người nơi đây.
Hà Tĩnh đón rước Bằng vinh danh Dân ca Ví, Giặm của UNESCO
Dân ca ví,gGiặm Nghệ- Tĩnh không có nhạc đệm, và không phải là thứ ngôn ngữ hàn lâm, hay những lời giáo huấn khô khan mà chỉ là những ngôn ngữ bình dân mộc mạc, nhưng thấm đẫm tình người và nó có sức lay thức mãnh liệt từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sức mạnh của nó như một chất xúc tác tạo nên mối kết dính, ràng buộc tình cảm giữa con người với con người trong chiến đấu, lao động sản xuất, trong tình yêu đôi lứa, trong quan hệ gia đình, làng xóm….
“…Khoan khoan … đợi với ơ… phường/ Trên vai gánh nặng, dưới đoạn đường khó chi..” ; “Cày đồng đang buổi ban trưa, mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơ…i bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”… ; “Hò ơi, ơi…ơi…ơi…. Khoan dô khoan là khoan dô khoan…. Ai đi vô xứ Nghệ, mời bạn đến quê mình, là khoan dô khoan. Về Hà Tĩnh quê em, đất Hồng Lam sơn thủy/ Hò ơ….ơ…ơ…. khoan dô khoan là khoan dô khoan”….
Dẫu trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau hàm chứa những cung bậc cảm xúc thương giận, buồn vui, bi thương và hào sảng khác nhau… Nhưng, làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ -Tĩnh đều toát lên những khát vọng tương lai hướng đến cho con người cái triết lý cuối cùng, đó là chân- thiện – mỹ.
Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm, sống tại Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh nay đã bước sang tuổi 80,nhưng vẫn say mê sáng tác, biểu diễn và sưu tầm những câu ca và làn điệu diễn xướng hoạt cảnh, tấu, hò… tâm sự rằng: Dân ca ví, giặm là nguồn sữa nuôi dưỡng tâm hồn và kiến thức âm nhạc của ông cũng như bao người dân xứ Nghệ khác. Ông tin tưởng, dòng sữa đó càng được phát huy sức mạnh trường tồn khi được tiếp thêm động lực bằng việc được Unesco ghi danh “Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Dẫu sao, trước bão táp của cơ chế thị trường, trước làn sóng hội nhập văn hóa, thì việc giữ gìn và phát huy được dân ca ví, giặm Nhệ- Tĩnh đang gặp phải những thách thức lớn. Đó chính là điều mà mỗi một người dân xứ Nghệ, đặc biệt là đội ngũ quản lý, đội ngũ sáng tác, các bậc nghệ nhân và văn nghệ sỹ luôn phải trăn trở tìm cách hướng đến sự đổi mới loại hình nghệ thuật này ngày một đa dạng, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, nhưng phải giữ được bản sắc đậm đà và chất liệu truyền thống vốn có từ bao đời nay.
Nguyễn Ngọc Vượng