Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày tham luận “Đổi mới hệ thống y tế theo hướng công bằng – hiệu quả và phát triển bền vững góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược”. (Ảnh: TTXVN) |
Bộ Y tế đã tạo đột phá trong khâu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ: “Một tồn tại trong tư duy của các cơ sở công lập là tư duy bao cấp, dựa vào ngân sách Nhà nước, chưa thích ứng với cơ chế thị trường, do đó không phát huy tiềm năng nội lực của đơn vị và cá nhân.
Cụ thể, giá dịch vụ y tế trong một thời gian dài, từ 1995, mới tính một phần. Sau 17 năm, cho đến 2012, chưa được thay đổi mặc dù giá đầu vào đều đã thay đổi. Kể cả lương cơ bản sau 17 năm đã tăng lên nhiều.
Ngoài ra, ngân sách cấp cho ngành y tế chưa đáp ứng được nhu cầu nên cơ sở vật chất xuống cấp, không có nguồn tài chính để tái đầu tư cơ sở vật chất cũng như cải thiện thu nhập; tình trạng quá tải diễn ra từ trung ương đến tuyến huyện; thái độ của nhân viên y tế chưa tốt, nảy sinh tiêu cực.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội 11, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng của Bộ Y tế đã thực hiện một số thay đổi có tính đột phá như đổi mới toàn diện cơ chế tài chính theo hướng giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ, đồng thời thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Chính sách này đã giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng y tế, giảm bớt thủ tục phiền hà, chờ đợi.
“Ngành Y tế là một ngành phục vụ trong lĩnh vực an sinh, phúc lợi xã hội đồng thời cũng mang tính kinh tế, kỹ thuật, khá nhạy cảm, đụng chạm đến con người, từ lúc chưa hình thành bào thai đến khi nằm xuống lòng đất”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ y tế, một trong những Bộ có nhiều đơn vị sự nghiệp trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85 năm 2012 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp, được hoạt động cơ chế giá, xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ, tăng tự chủ để sáng tạo hơn.
Năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch quy định thống nhất giá khám chữa bệnh giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc, trong đó có tính chi phí trực tiếp vào tiền lương. Thông tư này sẽ thực hiện đầu năm 2016.
Khi tính đúng, tính đủ thì sẽ chuyển ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho bệnh viện sang hỗ trợ cho người dân khám BHYT. Nhà nước dành ngân sách cho y tế dự phòng, cho người nghèo, người dân biển đảo… góp phần cho bảo hiểm y tế toàn dân”.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã nỗ lực tham mưu ban hành chính sách cho y tế tư nhân phát triển. Hiện có 200 cơ sở y tế tư nhân.
Cần có sự kết hợp công tư để phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, tư nhân đầu tư cơ sở vật chất, bệnh viện công đầu tư nhân lực, thương hiệu. Bộ Y tế ký với hai ngân hàng BIDV và Vietinbank với gói 58 ngàn tỷ đồng để có thể vay vốn phát triển cơ sở vật chất. Đã có 10 bệnh viện trung ương vay vốn để xây dựng cơ sở vật chất.
Bộ Y tế cũng đã đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng y tế để nâng cao năng lực hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh. Để làm được điều này, Bộ Y tế đề nghị và được Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn trái phiếu chính phủ là gần 55 ngàn tỉ đồng để xây dựng nhiều bệnh viện từ tuyến huyện, tỉnh.
Bộ Y tế đã huy động mọi vốn vay để đưa nhiều cơ sở 2 của nhiều bệnh viện trung ương như Bạch Mai, Da liễu, Nội tiết… đi vào hoạt động; Cổ phần hóa để xây dựng 5 bệnh viện, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế để người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Ngành Y tế làm chủ khoa học công nghệ, ví dụ như làm chủ được công nghệ sản xuất vắc xin, có thể xuất khẩu vắc xin ra nước ngoài; làm chủ được công nghệ ghép tạng; làm chủ và chuyển giao nhiều kỹ thuật nội soi can thiệp; phát triển kỹ thuật cao cho tuyến trên; bệnh viện vệ tinh để chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện trung ương về bệnh viện tỉnh.
Đề nghị một chế độ đãi ngộ đặc biệt trong ngành
Tuy vậy, theo bản tham luận của Đảng bộ Bộ Y tế, khó khăn thách thức vẫn còn nhiều như biến đổi khí hậu tạo nên những dịch bệnh mới, nghiêm trọng; An toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… tạo nên gánh nặng cho y tế; Đầu tư của nhà nước và xã hội cho y tế có tăng nhưng vẫn khiêm tốn; Một bộ phận cán bộ y tế chưa thực sự trau dồi tay nghề và y đức.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Đại hội 12 ban hành nghị quyết về chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới; Bố trí trái phiếu trung hạn cho bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, huyện và các trạm y tế xã vùng sâu vùng xa; Xem xét cho phép thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và lương khởi điểm phù hợp cho ngành y tế theo nghị quyết 46, vì ngành y tế là một ngành tuyển chọn đặc biệt, đào tạo đặc biệt, sử dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt.
Đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tới y tế cơ sở; xem bảo hiểm y tế toàn dân là chỉ tiêu kinh tế xã hội của địa phương, để bảo hiểm y tế toàn dân đạt được độ bao phủ tốt.