Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) – Ảnh: V.Dũng |
Tôi xin nhắc lại một phát biểu tôi đã nói nhiều lần: Mỗi kỳ họp Quốc hội cách nhau có 6 tháng, nếu các báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội chỉ nhìn nhận 6 tháng qua hướng đến 6 tháng tới nó chỉ giải quyết những vấn đề hết sức nhỏ nhặt. Kết cấu của báo cáo gần như lặp đi lặp lại, chỉ khác nhau về mốc thời gian.
Cho nên báo cáo như vậy mà đòi hỏi cuộc thảo luận có chất lượng cao là rất khó. Báo cáo không mới mẻ, dàn trải nên đại biểu vì thế cũng phát biểu dàn trải, đôi khi là từ “a đến z”, nói tất cả các vấn đề, nhưng không ra được vấn đề nào.
Đến 70% ý kiến đại biểu thảo luận về kinh tế xã hội là phát biểu chung chung. Bắt đầu bằng thành tựu, rồi đến “tuy nhiên”, “bên cạnh đó”… và rồi một số đại biểu sẽ nói về ngành mình, địa phương mình như một nhu cầu tất yếu.
Thậm chí có đại biểu còn rất mất thì giờ để nhắc lại mười mấy chỉ tiêu kinh tế xã hội. Tất nhiên, thỉnh thoảng cũng có đại biểu xoáy sâu vào một vấn đề, nhưng số ý kiến này rất ít..
So với những kỳ Quốc hội trước, cái đáng mừng là bây giờ đã có nhiều đại biểu phát biểu, thích thể hiện mình hơn, mạnh dạn hơn, đó là quyền chính đáng. Nhưng chính cái thể hiện ấy lại làm cho nội dung phát biểu giàn trải, ít chất lượng hơn. Hồi trước ít người phát biểu, nhưng đã phát biểu là suy nghĩ rất kỹ.
Tôi làm đại biểu địa phương tôi biết cử tri đôi khi chỉ cần thấy mặt đại biểu tỉnh mình trên tivi là đã hài lòng. Còn nếu không họ sẽ thắc mắc: “Cả kỳ họp ông/bà ở đâu mà tôi không thấy đâu cả?”. Những yếu tố tâm lý ấy cũng tác động đến đại biểu.
Đại biểu đã bấm nút thì phải cho họ phát biểu nhưng phương thức để thảo luận báo cáo toàn thể của Chính phủ một cách dàn trải, ai muốn nói gì thì nói, cứ nói cho đủ thời gian thì làm sao có thảo luận chất lượng được.
Tôi cho nguồn gốc của việc này là vấn đề điều hành, nếu điều hành cứ bảo phát biểu theo báo cáo thì thảo luận về kinh tế xã hội các kỳ họp sau lại cứ tiếp tục đều đều như thế này thôi”.
VIỄN SỰ ghi