Người dân vùng lũ xã Quảng Trường (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) vui vẻ trò chuyện khi nhận gạo do đoàn cứu trợ củ báo Tuổi Trẻ phối hợp nhà máy phân bón Ong Biển (thuộc Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam – Vũng Tàu), nhóm thiện nguyện Sen Việt (thuộc Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và Tỉnh đoàn Quảng Bình trao tặng hôm 28-10 với 500 suất quà, mỗi suất 20 kg gạo. Ngày 29-10, thêm 500 suất gạo được trao tận tay người dân xã Quảng Thanh – Ảnh: NAM QUỐC |
Làm sao để việc cứu trợ đến đúng địa chỉ cần được giúp, để người trao quà hài lòng, bà con ai cũng được nhận quà để cùng giảm cơn khó?
* Ông Phùng Văn Thé (trưởng thôn Phú Ninh, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình):
Cần báo sớm cho địa phương
Thôn tui có nhiều đoàn cứu trợ đưa hàng đến, tuy nhiên đa số các đoàn đều đến rất đột xuất. Thậm chí có trường hợp đang đêm nghe đoàn cứu trợ gọi đề nghị thôn lên danh sách để sáng mai đoàn cứu trợ đến trao quà.
Do thông báo quá trễ, quá gấp gáp nên trưởng thôn không đủ thời gian họp dân, xin ý kiến mà chỉ có thể tự chọn mấy chục người để đứng ra nhận quà. Thế là có trường hợp người cùng mức thiệt hại nhưng không có trong danh sách nhận quà.
Các đoàn cứu trợ nếu thông báo lịch sớm vài ba ngày thì chắc chắn thôn sẽ đủ thời gian để sắp xếp, chọn lựa hợp tình hợp lý, khách quan.
Ảnh: NVCC |
* Ông Lê Quốc Châu (sáng lập quỹ từ thiện Dân Áo Tơi, Hà Tĩnh):
Chính quyền cần chủ động thông tin
Cái khó khi đi cứu trợ là chính quyền bị động về thông tin, còn các nhà hảo tâm lại đòi hỏi khắt khe về lựa chọn tiêu chí, nên không thể “gặp” nhau được.
Tôi cho rằng cách để thực hiện một chuyến cứu trợ có hiệu quả cần phải có sự phối hợp tốt cả từ phía người đi cứu trợ cùng người làm cầu nối và người nhận cứu trợ. Sự chủ động là cần thiết nhất.
Trước hết chính quyền từ xã đến huyện cần chủ động lập và đưa danh sách các hộ bị thiệt hại, mức độ thiệt hại lên các trang thông tin của địa phương để các nhà hảo tâm biết.
Còn người cứu trợ nếu chỉ cứu trợ cho một số hộ thì cũng nên đi về tận nơi để xem xét cụ thể những trường hợp muốn tặng. Cách làm mà tôi đã thực hiện khá hiệu quả từ nhiều năm qua khi chỉ đủ khả năng để cứu trợ một vài hộ chứ không cứu trợ chung, đó là nhờ chính quyền địa phương lên danh sách số hộ cần đến rồi tự mình đến tận nơi.
Ảnh: NVCC |
* Ông Nguyễn Văn Bình (chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình):
Nên thông qua đầu mối chung
Thực tế việc cứu trợ trong những ngày qua cho thấy rất nhiều đoàn cứu trợ bỏ qua việc liên hệ với cơ quan MTTQ địa phương khi về cứu trợ. Việc này có thể do người tài trợ muốn tự tay trao quà đến người dân.
Tuy nhiên, điều này có mặt trái là các đoàn từ thiện sẽ rất hạn chế về việc nắm bắt thông tin thiệt hại của từng người, từng thôn, từng xã, dẫn đến trường hợp có nơi hàng chục đoàn cứu trợ về, nhưng có nơi lại chỉ được lưa thưa vài đoàn.
Để hạn chế những “sự cố” không mong muốn như vừa qua, điều cần làm nhất là phải thống nhất việc cứu trợ về một đầu mối chung. Mọi đoàn cứu trợ, mọi tiền, hàng hóa khi về địa phương sẽ phải qua đầu mối chung này.
Tại địa phương, khi bão lũ thiên tai, cơ quan MTTQ đã được giao nhiệm vụ nắm thông tin chi tiết về thiệt hại của từng trường hợp, đầu mối chung này sẽ thực hiện tốt nhất việc điều tiết nguồn hàng cứu trợ về các địa phương. Địa phương bị thiệt hại đến mức nào sẽ có sự phân phối tương ứng lượng tiền hàng cứu trợ về địa phương đó.
Ảnh: QUỐC NAM |
* Ông Ngô Thanh Long (64 tuổi, thôn Thanh Sơn, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình):
Cần sự chia sẻ của người dân
Ở thôn tui có cách chia sẻ giữa những người dân với nhau, vừa đảm bảo quyền lợi của những trường hợp được cứu trợ, vừa không mất tình làng nghĩa xóm. Sự chia sẻ được người dân trong thôn đặt lên trên hết.
Chính quyền thôn xin ý kiến của tất cả những hộ dân bị ngập nặng ngay từ đầu và được sự thống nhất của tất cả về việc san sẻ những phần quà cho nhau.
Tuy nhiên, thôn cũng thống nhất trừ ra những trường hợp đặc biệt như những hộ ốm đau, bệnh tật, già yếu không lao động được. Những hộ này khi được nhận quà sẽ được giữ nguyên.
Người làng sống kề cận với nhau bao đời nay, không có thiên tai thì nhà này qua nhà kia ăn cơm hoặc ngủ lại cũng là chuyện thường nên khi bão lũ đến bà con thường san sẻ với nhau.
Hơn nữa, khi nơi khác bị thiên tai lũ lụt đến thì cả làng sẽ cùng quyên góp ủng hộ chứ không riêng gì một vài hộ nên giờ mọi người đều chấp nhận san sẻ.
Đại diện báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trao quà của bạn đọc đến tận tay người dân vùng lũ xã Hương Trạch (Hà Tĩnh) – Ảnh: DOÃN HÒA |
* TS ĐẶNG HOÀNG GIANG (phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng): Tránh hiện tượng “từ thiện theo cảm xúc” “Làn sóng” cứu trợ bà con miền Trung thiệt hại trong lũ lụt vừa qua cho ta thấy người Việt không vô cảm trước những đau khổ của người khác. Nguồn lực nhân đạo trong người dân là rất lớn. Nhà nước cần có những biện pháp thích hợp để nguồn lực này phát huy tác dụng. Ở tầm vĩ mô, chúng ta cần có một luật về hội thông thoáng, để người dân có danh tính pháp lý cho các hoạt động xã hội của mình một cách nhanh chóng, đơn giản, giúp họ học hỏi và liên kết với các tổ chức quốc tế trong cùng lĩnh vực. Tôi hoan nghênh ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong tuần qua đề nghị hoãn thông qua dự thảo hiện nay của Luật về hội cho tới khi có dự thảo tốt hơn. Ở tầm vi mô, chính quyền địa phương cần hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các đoàn tình nguyện tới địa phương mình. Đoàn thanh niên, Mặt trận có thể không có tài chính nhưng có nhân lực. Nguồn nhân lực này nên được huy động để giúp các đoàn từ thiện. Ngược lại, các đoàn từ thiện cũng nên ý thức về tác động của các hoạt động của mình vào bầu không khí xã hội của cộng đồng nhận. Người làm từ thiện, trưởng thôn, lãnh đạo xã, và cả các gia đình khác nhau trong cộng đồng có thể có ý kiến khác nhau về thế nào là công bằng và hợp lý. Lòng tham, hiềm khích, ghen tị, bức xúc có thể xảy ra. Theo tôi, tiêu chí thành công của một chiến dịch từ thiện không chỉ là huy động được tiền và trao được quà tới tay người dân, mà còn phải là làm được việc đó trong sự nhất trí tối đa với người dân và lãnh đạo cộng đồng, bảo toàn, thậm chí tăng cường được tinh thần đoàn kết và niềm tin lẫn nhau trong họ. Bất cứ ai đã tặng một lượng quà hữu hạn cho họ hàng lớn của mình đều đã gặp thách thức này. Người cho cần có sự nhạy cảm và lòng tôn trọng, nếu không, chỉ vì mấy gói quà nhỏ, xích mích sẽ xảy ra, tập thể nhận có thể sẽ be bét hơn khi người cho rời đi. Ngoài ra, tôi cho rằng chúng ta cần tránh hiện tượng “từ thiện theo cảm xúc”, ồ ạt quyên góp khi có thiên tai xảy ra, bởi như thế rất lãng phí nguồn lực. Đã đến lúc chúng ta cần làm từ thiện có chuyên môn hơn. Không chỉ chữa phần ngọn (cứu trợ khi có hoạn nạn), chúng ta còn cần chữa phần thân: đầu tư vào các chương trình làm nhà chống lũ, xây trường, cấp học bổng, đào tạo nghề, chống bạo hành phụ nữ. Rồi tới phần gốc: yêu cầu chính quyền minh bạch về phá rừng, hoạt động thủy điện, hỗ trợ các sáng kiến chống biến đổi khí hậu… Hiện nay đã có nhiều tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực này. Chúng ta có thể bỏ thời gian ra để tìm hiểu họ và hỗ trợ tổ chức nào ta thấy tin cậy. |
* Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư Hà Nội, nhóm từ thiện LOF): Phối hợp và khảo sát Qua đợt đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung vừa qua, tôi thấy cách cứu trợ hiện nay có lúc chưa thực sự đảm bảo hiệu quả, công bằng giữa người dân với nhau. Nhiều đoàn tới địa phương là phát quà ngay, ai có mặt là phát, có người dân nhận quà của tất cả các đoàn đến trao quà. Việc trao quà mỗi người dân có mặt cũng không thể đảm bảo công bằng khi những đoàn thiện nguyện không có danh sách của địa phương cập nhật những hộ bị thiệt hại nặng, hộ nghèo, gia đình chính sách, những hộ không có mặt ở nơi phát quà… Thực tế nhiều đoàn đi cứu trợ hiện nay tự phát, xuất phát từ tình cảm, đóng góp và tự nguyện đi cứu trợ. Có đoàn chưa có kinh nghiệm, không có người địa phương hướng dẫn, phát quà cứu trợ nhanh cho hết rồi đi điểm khác. Để việc cứu trợ hiệu quả hơn, đúng đối tượng, công bằng, các đoàn cần phải phối hợp với chính quyền địa phương và trực tiếp khảo sát. Việc cứu trợ khẩn cấp đối với các vùng lũ bị cô lập, phương tiện đi lại khó khăn, nguy hiểm thì chỉ có chính quyền cùng các đơn vị chuyên nghiệp mới thực hiện được. Các đoàn tự phát thường chỉ sau khi lũ rút mới cứu trợ, sau lũ thì các địa phương đều đã có danh sách thống kê thiệt hại của từng hộ gia đình bị ảnh hưởng lũ lụt, do đó việc cập nhật thông tin từ địa phương để trao quà là cần thiết. |
QUỐC NAM thực hiện