Pháp luật

Cuộc 'xả kiếm' quá tay của người đàn ông túm được kẻ đột nhập

Với hành vi chém trọng thương teen hàng xóm đột nhập lúc nửa đêm, chủ tiệm tạp hoá đối mặt với cáo buộc Giết người.

Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng với Lê Minh Phương (50 tuổi) về hành vi Giết người. Ông Phương bị cáo buộc đã cầm kiếm chém nhiều nhát vào người đột nhập Nguyễn Đăng Tùng (15 tuổi), gây tổn hại sức khỏe 61%.

Ngày 4/12, tiệm tạp hóa được quây kín bằng khung sắt của gia đình ông Phương trong con ngõ nhỏ phố Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đóng cửa im lìm. Chị Nguyễn Thị Bích Liên (43 tuổi, vợ ông Phương) kể: khoảng 0h ngày 23/11, cả gia đình đang ngủ say thì chị tỉnh giấy khi nghe thấy tiếng động.

Chăm chú nghe, chị phát hiện có người đang sục sạo ở cửa hàng dưới tầng một.

Căn nhà nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Phạm Dự.

Chị lay chồng dậy tìm cách ứng phó. "Cửa ra vào đang khóa chặt nên tôi không dám bật điện và hô to vì sợ tên trộm làm càn gây nguy hiểm cho mọi người. Anh Phương một mình cầm thanh kiếm xuống bắt trộm", chị Liên nói.

Sau chừng 10 phút, nữ gia chủ nghe tiếng xô xát và hô to “chú ơi đánh cháu mạnh thế”. Nghĩ kẻ lạ mặt đã quy hàng, chị bật điện và phát hiện Nguyễn Đăng Tùng (15 tuổi, hàng xóm) ngồi sát cửa ra vào, máu chảy khắp người.

Chị Liên chỉ vị trí Nguyễn Đăng Tùng đột nhập vào nhà. Ảnh: Phạm Dự.

Theo luật sư Nguyễn Đắc Thực, bị can Phương đã chém nhiều nhát khiến nạn nhân ngã gục nên không thể coi là “phòng vệ chính đáng”.

Trong quá trình điều tra, nếu nhà chức trách kết luận gia chủ đánh đuổi kẻ trộm và có ý định tước đoạt mạng sống thì phải chịu trách nhiệm về tội Giết người. Trường hợp chỉ muốn đuổi kẻ "không mời mà đến" ra khỏi nhà và do trời tối không nhìn rõ nên gây án, gia chủ có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích.

Với nạn nhân 15 tuổi, luật sư cho hay nếu cảnh sát xác định Tùng có hành vi trộm cắp, cậu ta cũng có thể bị xử phạt hành chính hoặc đưa vào trại giáo dưỡng, tùy theo giá trị tài sản anh ta trộm.

Làm gì khi phát hiện kẻ đột nhập?

Một chuyên gia nghiên cứu tội phạm học khuyên gia chủ cách xử lý như sau:

- Cần xác định mạng sống của mình và những người trong nhà vào thời điểm đó là quan trọng nhất, không vì tâm lý tiếc tài sản mà giằng co lấy lại. Bạn hãy tảng lờ như ngủ say, không la hét hay xông vào bắt giữ.

- Chủ nhà cũng không nên đuổi đánh kẻ đột nhập vì rất có thể từ nạn nhân trở thành thủ phạm.

- Khi bị khống chế, bạn phải tuyệt đối phục tùng không để chúng bị kích động, song cố gắng nhớ đặc điểm nhận dạng để báo cơ quan công an.

Nên vờ ngủ khi phát hiện kẻ gian đột nhập lúc nửa đêm.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;…

- Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai đến bảy năm.

- Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm đến 15 năm.

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ;…

- Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy đến 15 năm.

Tác giả: Phạm Dự

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP