Dự án công trình nâng cấp tuyến kênh thoát nước phía Tây thành phố Hà Tĩnh, nhằm đảm bảo tiêu, thoát lũ, giảm ngập úng cho 143 ha đất vườn, đất ở, đất sản xuất. Đồng thời, cải tạo cảnh quan môi trường sống cho khu vực dân cư khu đô thị Sông Đà và hai phường Thạch Linh, Trần Phú nói riêng và thành phố Hà Tĩnh nói chung. Đây là công trình thuộc dự án nhóm C, công trình hạ tầng cấp IV.
Đất phong hóa được vận chuyển để bán cho nhà máy gạch.
Công trình do Ban điều phối dự án SRDP-IWMC Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, bắt đầu triển khai từ ngày 15/6/2018 và theo hợp đồng đến ngày 30/12/2018 sẽ hoàn thành. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần xây lắp và thương mại 666 (trụ sở tại thành phố Hà Tĩnh); Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Sơn Hải (trụ sở tại Thành Phố Hà Tĩnh) đảm nhận vai trò giám sát. Công trình đang được thi công tại phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh.
Bê tông đổ lẫn nước bẩn ở phần đáy.
Các hạng mục của công trình gồm: xây dựng tuyến kênh thoát nước có tổng chiều dài 1266,5m, chia làm ba đoạn; làm mới 1 cống tưới tiêu kênh; làm mới 4 cống qua đường; làm mới 12 vị trí của tiêu nước... Tổng đầu tư cho dự án gần 30 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 18 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành khoảng 60 % khối lượng công việc.
Bê tông nhiều đoạn bị rộ.
Theo thiết kế thì phần tuyến kênh thoát nước được đắp bằng đất chặt, mái kênh được gia cố bằng hai lớp xi măng, gồm lớp thứ nhất đệm cát vàng gia cố 8% xi măng dày 10 cm, lớp trên bê tông cốt thép mac 200 dày 12 cm.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã có hiện tượng rút ruột công trình, bằng việc thay vì làm lớp lót bê tông dưới dày 10cm thì đơn vị đã rút xuống còn từ 5 – 7cm. Thực tế tại công trình, phóng viên thấy điều người dân nghi ngờ là có thật. Lớp bê tông đáy được trộn một cách sơ sài và dày chỉ khoảng 5 -7cm. Tấm thép đan không đều khoảng cách, thép trước khi đổ bê tông không được vệ sinh theo đúng quy định. Phần chân đáy bê tông còn lẫn nước và bùn.
Nhà thầu ngang nhiên bớt lớp bê tông đáy từ 10cm xuống còn 5-7cm.
Mặc cho nhà thầu thi công cẩu thả nhưng không hề có sự nhắc nhở của đơn vị giám sát hay chủ đầu tư. Đi theo tuyến kênh đã hoàn thành có hàng loạt điểm bê tông đã đổ xong bị rộ, một số điểm đã được nhà thầu gia trát lại. Tại vị trí đang thi công cống tưới tiêu, đơn vị thi công đang tiến hành buộc thép để chuẩn bị đổ bê tông. Tại đây, càng thể hiện rõ sự cẩu thả của đơn vị thi công khi ngang nhiên buộc thép mà không cần hút nước. Nhân công cứ làm, nước bẩn lẫn bùn và thép nhưng không ai nhắc nhở.
Bê tông được đổ lẫn với bùn đất.
Chị N- một người dân sống gần đó cho biết: “Mấy hôm mưa to, đất phần thân mái kênh bị sụt, chảy thành rãnh, có điểm còn lòi cả bê tông, có những điểm bê tông chỉ khoảng 4cm. Mới mưa có một mùa đã như thế, không biết các năm sau thì như thế nào?".
Đồng thời, khi đang có mặt tại công trình, phóng viên cũng chứng kiến cảnh xe tải chở đất thải của công trình được đưa đi khắp nơi. Theo quan sát, một số đất được bán cho bà con làm vườn, còn đại đa số đất phong hóa được chở về nhà máy gạch làm nguồn nguyên liệu sản xuất gạch.
Lớp đất mái liệu có đạt theo yêu cầu?
Theo ông Đại – cán bộ kỹ thuật ban thì bãi thải của công trình cách địa điểm thi công 1,2 km. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể là bãi thải ở vị trí nào thì ông Đại nói: “Tôi không nhớ?”.
Như vậy, hàng nghìn khối đất thải được tuồn đi đâu, ai được lợi, cần được làm rõ và việc một cán bộ kỹ thuật phụ trách công trình mà không nhớ được vị trí bãi thải của công trình thì rất khó hiểu.
Như vậy, sự hoài nghi về chất lượng công trình này của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Vậy chủ đầu tư nói gì về vấn đề này? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Tác giả: Hiền Mai
Nguồn tin: Báo Công lý