Chuyện khó tin

Công nghệ ‘thẩm mỹ’ ngựa nâu, ngựa đen thành ngựa bạch

Cao ngựa bạch đang được ưa chuộng tại một số tỉnh thành như một thứ thực phẩm chức năng có giá trị. Thế nhưng ngựa bạch rất hiếm, làm sao có đủ để nấu cao?

Trong quán cà phê lối vào phường Trung Đô, TP Vinh (Nghệ An) có treo tấm biển bán các loại cao mèo, khỉ và ngựa bạch. Cô chủ N. bê ra một khay cao mà cô bảo là nấu từ xương ngựa bạch mời tôi mua với giá 500.000 đồng/lượng.

N. nói: “Nếu anh cần nhiều thì mua hẳn một con, chủ ngựa đưa nồi đi nấu cao cho anh luôn”. Rồi N. cầm điện thoại gọi một lái ngựa giới thiệu cho tôi.

Khai “ngựa” nhuộm trắng con ngựa nâu. Ngựa “trắng” của Lan “ngựa” được rao giá 28 triệu đồng.

Đường dây lái ngựa

Tại xã Thanh Long (huyện Thanh Chương), N. dẫn tôi vào nhà Lan “ngựa”. Một con ngựa trắng buộc ngay trước cổng được lái ngựa này khoe là ngựa trắng xịn mới “dắt” từ Lào qua, nặng 1,5 tạ, giá 28 triệu đồng.

Nghe tôi hỏi tìm mua ngựa bạch, ông Lan bảo: “Muốn ngựa bạch thì có ngựa bạch nhưng phải đặt cọc trước 10 triệu đồng bởi loại ngựa này đắt, đưa về không bán được sẽ đọng vốn. Còn ngựa trắng nhiều hơn và rẻ hơn một nửa giá so với ngựa bạch”.

Theo lời ông Lan, nếu tôi mua con ngựa này để nấu cao, trừ hơi và bộ lòng sẽ có 6 yến thịt bán giá 150.000 đồng/kg được 9 triệu đồng, còn 3 yến xương nấu được 5kg cao. Nếu bán 500.000 đồng/lượng cao thì cả thịt lẫn cao thu về 34 triệu đồng, tôi sẽ có lãi 6 triệu đồng. Nhìn con ngựa này, tôi khó biết là ngựa trắng xịn hay ngựa đã được “thẩm mỹ” bởi màu lông của nó trắng toát. Rẽ bờm ngựa để kiểm tra thấy tận chân lông vẫn trắng mịn.

Ngựa bạch giá cao

Hầu hết lái ngựa ở tỉnh Hua Phan (Bắc Lào) và từ huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đều đến bản Păn thuộc huyện Mường Pẹt, tỉnh Xieng Khouang (Thượng Lào) để mua ngựa. Tại đây ông chủ ngựa nổi tiếng là Phông Sa Vắt mới 36 tuổi nhưng có đàn ngựa 250 con. Trong 250 con ngựa này chỉ có 5 con ngựa bạch, 50 con ngựa trắng, còn lại là ngựa nâu, đen, vàng, tía, đỏ.

Phông Sa Vắt chỉ vào con ngựa bạch nói: “Canh (giữ) ngựa bạch như canh vàng bởi ngựa bạch hiếm lắm, một chú khoảng 1,5 tạ hơi giá hơn 20.000 USD, còn ngựa trắng chỉ khoảng 2,7 triệu kíp, tương đương 6 – 7 triệu đồng Việt Nam thôi”.

Ông chủ trẻ bảo xung quanh con ngươi của ngựa bạch có một vành màu đồng đỏ. Khi mặt trời đứng bóng mắt ngựa bị lóa khoảng 10 phút nên ngựa đứng yên nhưng ban đêm khi bắt ánh đèn thì mắt đỏ như cục lửa. Toàn thân trắng toát. Mắt, mõm và móng chân phơn phớt màu hồng đẹp như tranh vẽ.

Đó là những tiêu chuẩn để nhận biết ngựa bạch xịn. Còn ngựa trắng chỉ trắng phần thân, bờm trên cổ màu nâu, đuôi màu tía, không như ngựa trắng bị nhuộm trắng toát từ đầu đến đuôi như của Lan “ngựa” và Khai “ngựa”.

Rời nhà Lan “ngựa”, tôi ngược lên nhà Khai “ngựa” ở huyện Đô Lương để tìm ngựa bạch. Chủ quán cơm trước nhà Khai “ngựa” rỉ tai tôi: “Ông cẩn thận đấy, toàn ngựa nhuộm, ngựa lừa cả”. Thấy tôi ngạc nhiên, chủ quán quả quyết: “Mới chở về hôm trước toàn ngựa nâu, bỗng dưng nay có ngựa trắng để bán, không “thẩm mỹ” là gì? Nghề buôn ngựa không nhuộm, không lừa chỉ có rồ (điên)”.

Khi tôi hỏi mua ngựa trắng, Khai “ngựa” nói y chang Lan “ngựa”. “Mua ngựa cũng như mua trâu bò không phải cân, cứ ước lượng mà mua. Khoảng trên dưới 1,7 tạ, giá 28 triệu đồng/con”. Nghe tôi nhắc đến Lan “ngựa”, Khai “ngựa” cười: “Tay ấy mua ở đây chứ ở đâu, chỉ 14 triệu đồng/con thôi. Lão ta chỉ mất thêm khoản tiền nhuộm nhưng cùng xuất xứ là ngựa Lào cả”.

Mấy năm trở lại đây, lái buôn trâu bò ở vùng này kiêm thêm nghề lái ngựa. Lúc đầu họ mua ngựa thịt về bán, khi có phong trào sính cao xương ngựa bạch mới sinh nghề nhuộm ngựa, biến tướng ngựa thường thành ngựa bạch dễ ợt.

“Kỹ nghệ” nhuộm ngựa

Tiếp tục sắm vai người đi mua ngựa bạch, tôi ngược lên huyện biên giới Kỳ Sơn (giáp Lào) tìm Nhờ – “trùm” lái ngựa người Mông – ở cách cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn dăm khúc cua quanh núi. Nhờ là trung tâm nguồn hàng của các lái ngựa miền xuôi.

Nghe tôi tìm mua ngựa bạch, Nhờ lắc đầu nói thật: “Ngựa bạch, ngựa trắng hiếm lắm nhé. Muốn buôn ngựa bạch, ngựa trắng thì chỉ có cách nhuộn (nhuộm) thôi. Khi cần ta cũng có nhuộn đấy.

Ngựa trắng nhuộn dễ hơn ngựa bạch nhiều vì ngựa bạch phải nhuộn cả mắt, mõm, móng và hạ bộ. Nếu ngựa bạch cái phải nhuộn cả… cái ấy của nó nữa. Trước khi nhuộn phải có khách đặt cọc, nhuộn xong là bán ngay chứ nếu để mấy ngày sau chân lông nhú ra là lộ hết”.

Được Nhờ giới thiệu, tôi trở lại nhà Khai “ngựa”. Sau khi ngã giá con ngựa nâu 1,6 tạ hơi là 16 triệu đồng, Khai “ngựa” nói: “Ngựa bạch thì phải nhuộm công phu đấy. Nếu sếp thích ngựa trắng thì phải chi thêm 1,5 triệu đồng tiền thuốc nhuộm để tôi biến hóa con ngựa nâu này thành con ngựa trắng cho. Ngoài chợ sếp mua con ngựa trắng như thế này phải chi 28 triệu đồng”.

Dứt lời, Khai “ngựa” yêu cầu tôi “xuống” tiền rồi mới vô bếp lấy đồ nghề. Khai “ngựa” bước mau ra chuồng ngựa trong bộ đồ lao động, chân đi ủng, đầu trùm mũ, miệng bịt khẩu trang, tay đeo đôi găng nhựa, tay xách cái xô, tay kia cầm hộp Lavox 1.000ml và hai gói bột màu trắng.

Nặn hết hộp Lavox và trút hai gói bột vào xô, Khai “ngựa” vứt vỏ Lavox rồi nói: “Đây là thuốc vừa tẩy vừa nhuộm, không biết mối thì lần không ra đâu. Một con ngựa nâu phải tẩy và nhuộm đến ba lần mới biến thành ngựa trắng. Nếu làm quá ba lần lông ngựa sẽ bị quăn, cháy. Nhuộm xong nếu ai nghi ngờ, cắt nhúm lông ngựa đã nhuộm nhúng vào xăng vẫn không phai màu trắng. Chỉ sau hơn tuần mới nhú chân lông, khi đó thì ngựa đã vào nồi rồi”.

Vừa nói Khai “ngựa” vừa thọc tay vào xô vốc thuốc bôi như sơn lên lưng con ngựa. Khai “ngựa” nói: “Lẽ ra trước khi nhuộm phải tắm ngựa cho sạch để thuốc ngấm đều nhưng trời lạnh thế này nếu tắm thì ngựa chết rét mất”.

Bôi thuốc lần 1, Khai cầm chiếc lược thưa chải ngược rồi chải xuôi lông ngựa cho thuốc ngấm đều tận chân lông. Làm đi làm lại ba lần như thế từ đầu, bờm đến chân, bụng và đuôi, Khai dắt con ngựa ra phơi nắng.

Sau ba giờ phơi nắng, con ngựa nâu đã biến thành con ngựa trắng bông. Khai “ngựa” nhìn con ngựa tỏ vẻ đắc ý: “Ngựa này mua từ Lào, bán ra Thanh Hóa, Hà Nội và vào Đà Nẵng. Ai thích ngựa màu gì ta đều chiều tất”.

Nghe tôi hỏi về thực chất cao ngựa bạch được quảng cáo, rao bán nhiều nơi, Khai “ngựa” trả lời: “Cao ngựa là có thật, là liều thuốc đại bổ sau cao hổ nhưng đa số là cao ngựa thường vì ngựa bạch quý hiếm không dễ kiếm. Chẳng qua vì kiếm lãi nên phải tìm cách lừa người không biết thôi”.

Theo Tuổi Trẻ
(*) Tiêu đề đã được đặt lại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP