>> Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng nói gì về VNEN?
Tiến sỹ Trần Dũng Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh trong buổi trao đổi với PV báo Tầm nhìn (Ảnh:Đặng Sơn). |
Qua bài phỏng vấn, có thể thấy, vị tư lệnh ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã thể hiện một chiến lược phát ngôn rất rõ ràng: né tránh, đẩy quả bóng trách nhiệm cho người khác bằng một lối nói vòng vo, loanh quanh. Và, đằng sau cách ứng xử này bộc lộ những nhận thức, tư tưởng rất đáng phải bàn.
Trước câu hỏi của phóng viên: “Ông có đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện chương trình mô hình trường học mới VNEN ở Hà Tĩnh cho đến thời điểm này?”, ông giám đốc vừa mới bảo vệ luận án tiến sĩ đã trả lời một cách rất bàng quan: “VNEN là một mô hình trường học mới mà Bộ GD&ĐT có triển khai trong cả nước thời gian qua. Trong quá trình triển khai dự án, trường Tiểu học Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là một đơn vị được thụ hưởng.Trong quá trình triển khai, Bộ nhận thấy mô hình này có một số ưu điểm, từ đó đề nghị các địa phương, ngoài những trường được thụ hưởng thì có thể xem xét nhân rộng ra các trường khác.”.
Nếu như phóng viên ghi lại chính xác lời ông Dũng thì đoạn trả lời trên của ông giống như lời của người ngoài cuộc. Quý vị độc giả thử suy xét xem, ngay trong câu đầu tiên của đoạn lời đã dẫn của ông Dũng, “VNEN là một mô hình trường học mới mà Bộ GD&ĐT có triển khai trong cả nước thời gian qua”, ông dùng từ “có” chứ không dùng từ “đã”. “Có” hay “đã”, nếu được dùng trong ngữ cảnh câu này, đều là những phụ từ giúp làm rõ nghĩa của động từ “triển khai”. Tuy nhiên, ngữ nghĩa của chúng có sự khác nhau: “có biểu thị ý khẳng định trạng thái tồn tại, sự xảy ra của điều gì”, tức là không xác định sự kiện về mặt thời gian,còn “đã là từ biểu thị sự việc, hiện tượng nói đến xảy ra trước hiện tại hoặc một thời điểm nào đó được xem là mốc, trong quá khứ hoặc tương lai”, tức là có xác định sự kiện về mặt thời gian. Khi nói về một sự kiện mà không thể hiện sự xác định về thời gian xảy ra của nó, chứng tỏ người nói không chú tâm đến sự kiện đó, không phải là người trong cuộc.
Ngôn ngữ là biểu hiện của tư duy, tư tưởng. Dù là một phát ngôn của một chủ thể đang ở trạng thái vô thức cũng biểu hiện một nội dung nào đó trong thế giới nội tâm của anh ta. Huống chi, đây lại là phát ngôn của một quan chức đứng đầu ngành giáo dục của một tỉnh, từng có thâm niên công tác trong ngành hơn 30 năm, từng trải qua nhiều năm làm quản lý từ cơ sở đi lên, lại sắp nhận học vị tiến sĩ thì không thể phát ngôn một cách vô ý trước cơ quan truyền thông. Và không chỉ vậy, trong các câu, đoạn lời đáp tiếp theo, chủ thể lời nói đã bộc lộ rõ cái ý đứng ngoài cuộc của mình. Khi ông Dũng nói “Trong quá trình triển khai, Bộ nhận thấy mô hình này có một số ưu điểm, từ đó đề nghị các địa phương, ngoài những trường được thụ hưởng thì có thể xem xét nhân rộng ra các trường khác” thì chứng tỏ ông không quan tâm đến việc tổng kết sự thí điểm của mô hình VNEN tại địa phương mình lại vừa chứng tỏ một lối làm việc quản lý, lãnh đạo hoàn toàn lệ thuộc cấp trên, trong khi VNEN đang là một chương trình thí điểm, chỉ mới có “một số ưu điểm” theo sự “nhận thấy” chủ quan của Bộ (GD&ĐT), và vì thế, Bộ chỉ mới khuyến cáo “có thể xem xét nhân rộng ra các trường khác”. Như thế, có nghĩa đây là một chủ trương thử nghiệm đổi mới giáo dục đòi hỏi sự chủ động, năng động của các thuộc cấp ở các địa phương. Thế nhưng, theo cái mạch tư duy mở ra từ đầu, trong suốt phần trả lời câu hỏi thứ nhất của phóng viên, ông Dũng nhất loạt dùng các từ ngữ “hướng dẫn của Bộ”, “Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ”, “được các chuyên gia của Bộ bồi dưỡng trực tiếp”, “Theo đánh giá của ngành “, “ Có người đã nhận xét”, “Ngành cũng nhận thấy”, v,v,..chứ không hề xuất hiện những từ ngữ thể hiện chủ kiến của người nói với tư cách là tư lệnh ngành ở một tỉnh.
Không chỉ “bàng quan hóa” ý kiến của mình để bật “quả bóng trách nhiệm” cho cấp trên, người phát ngôn còn khéo léo chuyền “quả bóng” này cho cấp dưới. Khi buộc phải thừa nhận một số sai sót quá lộ liễu, bị dư luận phản đối dữ dội, ông tìm cách nói nhẹ đi “Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có một số ý kiến trái chiều. Ngành cũng nhận thấy đang còn một số tồn tại, hạn chế” rồi đổ ngay cho cơ sở những khiếm khuyết này “Đây là một mô hình tốt, tuy nhiên trong quá trình triển khai một số cơ sở quá máy móc, rập khuôn thì sẽ có những cái không thật phù hợp.”. Một cái lỗi khác, rất trầm trọng nếu xét về chính trị, được ông nêu tiếp liền đó “Hai là chúng ta chủ yếu tập trung làm chuyên môn, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông để xã hội và nhất là các lực lượng liên quan hiểu đầy đủ để cùng chung sức triển khai”, với chủ thể gây ra sai lầm là “chúng ta” (một đại từ cửa miệng của không ít quan chức thuộc nhóm “công thì của tôi, tội thì của chúng ta”) thì lỗi đó mặc nhiên do người khác, do cơ sở chứ ông không chịu trách nhiệm gì. Hơn thế, khi ông cho rằng: “…chưa làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông để xã hội và nhất là các lực lượng liên quan hiểu đầy đủ để cùng chung sức triển khai” thì bao hàm trong các khái niệm “xã hội”, “lực lượng liên quan” là những ai, những thành phần nào? Thế phải chăng, cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh do chưa được “tuyên truyền, truyền thông” nên đã không “cùng chung sức triển khai” với ngành, đã buộc ông và ban giám đốc phải dừng triển khai đại trà VNEN à?
Câu hỏi thứ hai của phóng viên: “Ban đầu chỉ duy nhất trường Tiểu học Cẩm Quang thực hiện thí điểm dự án. Mặc dù, chưa có những đánh giá khách quan, đầy đủ thì tại sao Hà Tĩnh đã vội vàng nhân rộng trên toàn tỉnh mô hình này?”, chúng ta thấy người hỏi có chủ ý rất rõ, muốn người trả lời phải thể hiện chủ kiến, trách nhiệm về việc làm của mình trong thực tiễn ở địa phương, nhưng người trả lời vẫn tiếp tục né tránh một cách khéo léo. Thứ nhất, với thực tế bị phản đối mạnh mẽ, đông đảo của cộng đồng về cách làm và đã bị chính quyền địa phương buộc phải dừng triển khai đại trà, nên người trả lời không thể phú nhận ý kiến đánh giá của người hỏi, nhưng lại tìm cách “thiểu số hóa” sự đáng giá vốn đã trở thành ý kiến đồng thuận của số đông bằng nhận định mập mờ “Đây có thể cũng là một cách hiểu.”. Thứ hai, với nhận định có tính chất “đánh bùn sang ao” này, người trả lời tiếp tục lặp lại luận điệu cũ “Thực tế, trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT đã có kiểm tra đánh giá việc triển khai mô hình này ở các trường học trong toàn quốc” để che chắn. Đoạn phân giải tiếp theo của người trả lời chứng tỏ một sự lúng túng và có vấn đề về tư duy. Nếu “Hà Tĩnh tiếp cận theo cách: sau khi triển khai ở trường tiểu học Cẩm Quang, những gì cần rút kinh nghiệm ở Cẩm Quang sẽ bổ sung vào những cái Bộ đã đánh giá ở các trường khác trong cả nước. Từ đó Hà Tĩnh mới triển khai ra các trường.”, thì Hà Tĩnh đã làm ngược. Mô hình dạy học VNEN là mô hình được tiếp thu từ nước ngoài đưa vào thử nghiệm ở Việt Nam, vậy những tổng kết của Bộ phải là mẫu số chung để Hà Tĩnh soi vào đánh giá, đúc rút những kinh nghiệm ở TH Cẩm Quang chứ? Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tuy cùng ứng dụng một mô hình nhưng do đặc thù của mỗi nơi, thì hiệu quả và hậu quả khác nhau không ít.
Đến phần trả lời câu hỏi thứ 3 của phóng viên “Nhiều địa phương khác triển khai VNEN khi có kinh phí do Bộ cấp, nhưng riêng Hà Tĩnh thì không. Vậy Hà Tĩnh thực hiện VNEN như thế nào khi không có kinh phí?”, ông Dũng lại càng bộc lộ rõ những vấn đề về tư duy, tư tưởng. Thứ nhất, ông cho rằng: “…Hà Tĩnh nhận thấy bản chất việc thực hiện mô hình VNEN có một số điều chỉnh, thay đổi về hình thức tổ chức dạy học, còn chuẩn kiến thức, kĩ năng thì vẫn thế. Các yếu tố khác chỉ mang tính chất hỗ trợ.”, thì chứng tỏ ông nhận thức về VNEN rất hời hợt. Trong các tài liệu chính thống của Bộ GD&ĐT, VNEN được giới thiệu là “Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học…”(5). Một mô hình với đòi hỏi phải “đổi mới căn bản” về những nội dung như trên mà vị tư lệnh ngành GD&ĐT Hà Tĩnh nói nhẹ tênh rằng “…bản chất việc thực hiện mô hình VNEN có một số điều chỉnh, thay đổi về hình thức tổ chức dạy học, còn chuẩn kiến thức, kĩ năng thì vẫn thế. Các yếu tố khác chỉ mang tính chất hỗ trợ” thì quả thật là ông đã “trói voi bỏ rọ” để làm lấy được, chẳng trách càng làm càng bung bét. Cũng chính vì nhận thức như vậy, nên ông đã có chủ trương dễ dãi, phiến diện: “Về cơ sở vật chất, ta dù giữ nguyên vẫn có thể tổ chức được. Ở đâu có điều kiện khang trang hơn thì sẽ hỗ trợ được tốt hơn. Còn những cái ở đâu chưa có, về sau có điều kiện thì sẽ bổ sung dần. Không phải cần nhiều tiền mới có thể làm được.”
Học sinh lớp 7 THCS Nam Hồng vui mừng bỏ chương trình VNEN (Ảnh: Lê Văn Vỵ) |
Thứ hai, ở phần trả lời trên khi thì ông “bật bóng” cho Bộ, khi thì à uôm là “chúng ta”, rồi đổ xuống “cơ sở”; đến phần trả lời này, ông lại rê “quả bóng trách nhiệm” về cho tỉnh. Ông không nói là “chúng tôi” hay “Sở” “nhận thấy”, triển khai”,… mà ông lại nấp dưới chủ ngôn là “Hà Tĩnh”, là “tỉnh”. Khi nói “Hà Tĩnh nhận thấy mô hình này ưu việt thì nhân rộng. Tỉnh xác định mình có điều kiện, khả năng đến đâu thì làm đến đó.”, thì ông đã nhân danh cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân Hà Tĩnh, nghĩa là việc ông lãnh chỉ đạo triển khai VNEN đã được sự đồng thuận tuyệt đối. Vậy tại sao đông đảo phụ huynh và không ít giáo viên, học sinh đồng loạt phản đối, đòi bỏ VNEN khiến UBND tỉnh phải xem xét lại và buộc phải dừng triển khai? Ông nói thế phải chăng ngụ ý rằng: việc triển khai một cách đầy chủ quan, nóng vội của ông và các cộng sự trong lãnh đạo ngành không sai mà là việc cấp ủy và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh bắt phải dừng triển khai đại trà VNEN là sai, việc ông và ban giám đốc Sở bị kiểm điểm là oan?
Trong phần trả lời câu hỏi thứ 4, ông Dũng vô tình đã làm bộc lộ một sự thật đáng phải trăn trở. Trước hết, là khi tiến hành triển khai VNEN thí điểm cũng như đại trà, một sự kiện quan trọng liên quan đến toàn xã hội, nhưng ông và các cộng sự đã không chịu tìm hiểu đầy đủ các kênh thông tin phong phú trong xã hội mà chỉ thiên về nắm bắt thông tin trực diện từ lực lượng trực tiếp thực hiện. Thứ đến, như ông đã thú nhận: “Thực tế, thông tin đến với mình ít. Trong các cuộc họp, tiếp xúc với các huyện, các trường tôi trao đổi thẳng thắn, cầu thị nhưng có thể các anh em không dám nói. Nếu tiếp nhận được các thông tin, tôi sẽ cho kiểm tra và xem xét”. Nói thế thì đã rõ như ban ngày rằng: trong ngành GD&ĐT Hà Tĩnh, quan hệ công tác trên – dưới thiếu cởi mở, dân chủ, thân thiện nên cấp dưới, cơ sở không dám bộc lộ ý kiến, khiến cho lãnh đạo rơi và tình trạng “bưng mắt bắt chim”.
Đặc biệt, đối với phần trả lời câu hỏi thứ năm “Hiện nay tại nhiều trường đã thực hiện VNEN, thay vì sắp xếp bàn ngồi theo nhóm đã chuyển về ngồi ngang theo phương pháp truyền thống, không gọi bằng các chức danh như Chủ tịch Hội đồng tự quản…mà trở về với cách gọi thông thường như lớp trưởng, lớp phó, tổ 1, tổ 2…. Cách tổ chức như vậy có đúng với tinh thần VNEN không, thưa ông?” thì thật là đáng buồn cho GD&ĐT Hà Tĩnh cũng như GD&ĐT cả nước. Ông Dũng là người được thụ hưởng và sau khi tưởng thành đã góp phần xây dựng nền GD&ĐT của đất nước, quê hương gần 50 năm qua, lại vừa bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ về đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng lại nói rằng “Nước ta qua nhiều lần cải cách, đổi mới giáo dục thì đều hướng đến đổi mới về mặt nội dung. Mỗi lần cải cách, đổi mới về mặt nội dung thì đi cùng với đó là mong muốn các nhà giáo đổi mới về phương pháp. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào thì không ai nói?”. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời cho đến nay, nền giáo dục nước ta đã trải qua ba cuộc cải cách (1950, 1956. 1979) và hai chặng đổi mới quan trọng (1986-1996; 1996 đến nay). Mỗi lần cải cách, đổi mới GD&ĐT như thế thì đều có những yêu cầu, mục tiêu đổi mới cụ thể về chương trình, nội dung, tổ chức các cấp học trong hệ thống GD&ĐT, sách giáo khoa và phương pháp. Sao ông Dũng lại có thể nói được là “Tuy nhiên, đổi mới như thế nào thì không ai nói?”? Có chăng, chỉ có thể đặt vấn đề: những cải cách, đổi mới đó hiệu quả đến đâu, đóng góp gì cho lịch sử phát triển GD&ĐT đất nước?Sau cái nhận định hồ đồ này, kéo theo, là một loạt những nhận định, dẫn giải chủ quan, rối rắm và bất cập của ông giám đốc.
Trả lời các câu hỏi tiếp theo, ông Dũng vẫn tiếp tục cái bài đẩy lỗi cho cơ sở với những lối nói loanh quanh, lập luận mâu thuẫn. Khi bị phóng viên dồn đến chân tường, ông mới mơ hồ nhận “quả bóng trách nhiệm” về phía mình một lúc.
Nhìn chung toàn bộ các phần trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông Dũng gần nhưduy trì một lối né tránh, hết đổ lỗi cho trên lại đổ lỗi cho dưới bằng những nhận định, lập luận chủ quan, mơ hồ, mâu thuẫn về logic. Quan trọng hơn, đằngsaucách nói, thực thểlời nói của ông đã phản ánh một nhận thức hời hợt, tư tưởng lệch lạc, phiến diện về giáo dục và đổi mới giáo dục. Một vị tư lệnh ngành ở một vùng đất học như Hà Tĩnh mà Tâm và Tầm như thế liệu có đáp ứng được sự nghiệp phát triển GD&ĐT để phục vụ cho công cuộc CNH-HĐH quê hương Xô viết anh hùng hay không?
Hương Sơn cư sỹ
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)