Ngày 8-9, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tiếp tục phiên phúc thẩm vụ năm công an Phú Yên đánh chết người. Cuối ngày xử thứ hai này, đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã phát biểu quan điểm và đề nghị mức án cho các bị cáo.
Ba vết thương trên đầu và chấn thương sọ não
Sáng 8-9, HĐXX tập trung làm rõ những điểm mờ trong quá trình giám định thương tích cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Đại diện gia đình bị hại cho rằng trên cơ thể Kiều có 72 vết thương, trong đó có 12 vết thương ở đầu. Trong khi đó bản giám định của Trung tâm Giám định Phú Yên chỉ xác định có 63 vết thương và chỉ có ba vết thương ở đầu.
Lý giải về sự chênh lệch này, ông Hồ Viết Thọ, Giám đốc Trung tâm Giám định Phú Yên, nói rằng trong kết luận giám định không ghi rõ có bao nhiêu vết thương. Tuy nhiên, sau khi CQĐT yêu cầu thì trung tâm trả lời có 63 vết. “Chỉ có 63 vết chứ không phải 72 vết vì có những vết thương nó nhòe ra nên người ta tưởng nhầm. Còn trên đầu có ba vết thương do vật tày gây nên” – ông Thọ tái khẳng định trước tòa.
Ông Thọ cũng cho rằng những vết thương trên đầu nạn nhân không thể do đập vào tường hay nền nhà vì như thế thì vết thương sẽ bao trùm và lớn hơn nhiều. Trong khi đó vết thương của Kiều có kích thước rõ ràng.
Trả lời câu hỏi của luật sư tại sao nội tạng của Kiều bị bầm dập hết, có phải do tác động của ngoại lực như bị đạp vào vùng bụng, ông Thọ nói giám định pháp y không thấy có tác động bên ngoài vào, có thể do nạn nhân bị chấn thương sọ não kết hợp với bụng đói làm ảnh hưởng đến nội tạng (máu ứ đọng thì gây nên xung huyết). Đây là phản ứng của cơ thể khi bị chấn thương sọ não.
Luật sư chỉ ra một sai sót trong quá trình giám định, đó là trong biên bản thu mẫu giám định thi thể nạn nhân thì có 13 loại, trong đó có da bìu nhưng trong biên bản xét nghiệm mô học (cũng của trung tâm này) thì chỉ có 12 loại (không có da bìu). Ông Thọ cho rằng đây là lỗi thiếu sót do đánh máy và đã bổ sung sai sót này. Đồng thời, ông khẳng định khi bàn giao cho Phân viện Pháp y Trung ương 2 tại TP.HCM thì vẫn giao đủ 13 loại. Còn vì sao kết quả giám định thi thể lại không có da bìu thì ông Thọ nói cái này là do phía Phân viện Pháp y Trung ương 2.
Trả lời HĐXX về việc căn cứ vào giám định pháp y có thể xác định rõ thời điểm nạn nhân Kiều bị đánh chấn thương sọ não không, ông Thọ nói chỉ có thể xác định khoảng thời gian 4-6 giờ trước khi tử vong.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8-9. Ảnh: TẤN TÀI
Bắt giữ, bỏ đói, đánh đập, dùng nhục hình đến chết người
Trước khi sang phần tranh luận, đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án.
Theo Viện, phía gia đình bị hại yêu cầu thay đổi tội danh đối với các bị cáo, từ tội dùng nhục hình sang tội giết người. Về vấn đề này, VKS lập luận: Liên quan đến băng nhóm chuyên trộm cắp tài sản trong chuyên án 312T thì Trần Minh Cường và Ngô Thanh Sơn đã bị TAND tỉnh Phú Yên xét xử, phạt tù. Mặc dù Kiều không được xét xử nhưng có đủ căn cứ để khẳng định Kiều có tham gia vào bảy vụ trộm với nhóm của Cường và Sơn. Theo quy định thì việc Kiều bị bắt giữ là có căn cứ, không oan nhưng về mặt thủ tục thì chưa đầy đủ.
VKS nói dù đã có giấy mời Kiều đến Công an huyện Tây Hòa, Phú Yên để làm việc nhưng do nóng vội, muốn phá án nhanh nên các điều tra viên đã bắt giữ Kiều. Sau đó, các bị cáo đã bất chấp quy tắc nghề nghiệp, nhiều lần đánh đập, còng tay, bỏ đói nạn nhân. Đó là các dấu hiệu cấu thành tội dùng nhục hình dẫn đến chết người. Việc tòa sơ thẩm xử phạt các bị cáo tội dùng nhục hình là có cơ sở nên đề nghị bác kháng cáo chuyển đổi tội danh của phía bị hại.
VKS: Bị cáo Thành dùng gậy cao su đánh Kiều
Với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (sơ thẩm phạt tám năm tù, người kháng cáo kêu oan), VKS cho rằng có đủ căn cứ để khẳng định bị cáo này dùng gậy cao su đánh lên đầu của nạn nhân Kiều. Các lời khai cũng như chứng cứ phù hợp với cơ chế hình thành vết thương của nạn nhân. Vì vậy, Viện đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Thành.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Thành) tranh luận rằng bản án sơ thẩm đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận vì đã làm oan cho người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Khi luật sư nêu quan điểm về việc bắt giữ người trái pháp luật của nhóm cán bộ công an này thì chủ tọa phiên tòa cắt ngang. Tòa cho rằng luật sư Thắng bảo vệ cho bị cáo Thành, Thành đang kháng cáo kêu oan nên luật sư chỉ tập trung vào vấn đề này.
Luật sư Thắng nêu ra hàng loạt điểm bất nhất, mâu thuẫn trong lời khai của nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Công an tỉnh Phú Yên), đồng thời khẳng định CQĐT đã sử dụng các chứng cứ giả tạo để buộc tội oan cho Thành. Phần tranh luận của luật sư Thắng phải tạm dừng vì đã cuối giờ chiều.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
Bắt giữ không lệnh nhưng… không có tội Đối với Lê Đức Hoàn, nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên, gia đình bị hại kháng cáo yêu cầu truy tố thêm ông này về tội bắt, giữ người trái pháp luật. Đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nêu quan điểm: Hoàn chỉ đạo đưa Kiều về trụ sở là đúng nhưng quá trình thực hiện không đúng thủ tục. Cán bộ điều tra đã bắt Kiều khi chưa có lệnh phê chuẩn từ phía VKS. Tuy nhiên, do Kiều là nghi can phạm tội trộm cắp tài sản nên việc bắt giữ là cần thiết. Do đó, trường hợp này không đủ yếu tố cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật. Gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại tòa. Ảnh: TẤN TÀI Về yêu cầu khởi tố ông Lê Minh Chánh – Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa vì không khởi tố người phạm tội, đại diện VKSND Cấp cao cho rằng việc này nằm ngoài khả năng của cấp phúc thẩm. Đề nghị án treo cho hai bị cáo Ở phiên tòa này, các bị cáo Nguyễn Tấn Quang (bị tòa sơ thẩm phạt hai năm tù), Phạm Ngọc Mẫn (sơ thẩm phạt hai năm ba tháng tù) và Nguyễn Minh Quyền (sơ thẩm phạt hai năm sáu tháng tù) kháng cáo xin hưởng án treo. Mức án mà tòa sơ thẩm đã tuyên đều dưới khung hình phạt. VKS cho rằng Quang đã có hành vi còng hai tay Kiều theo tư thế hai tay vòng ra sau ôm lấy thành ghế rồi dùng gậy cao su đánh nhiều cái, đạp vào còng tay. Quang phạm tội mức độ cao, quyết liệt nên VKS đề nghị không chấp nhận kháng cáo. Còn hai bị cáo Mẫn và Quyền, VKS cho rằng họ có thành tích công tác tốt, nhân thân tốt… nên thỏa mãn các điều kiện để tòa phúc thẩm cho hưởng án treo. |
TẤN TÀI