Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Công an huyện Hương Khê: Chung sức chung lòng, làm theo lời Bác

Huyện Hương Khê – Hà Tĩnh là vùng "tâm nóng" của cả nước. Nhiệt độ mùa hè luôn ở mức 40 đến 42 độ C. Hương Khê cũng là huyện biên giới giáp với nước bạn Lào và là một trong 2 huyện khó khăn nhất của Hà Tĩnh.



Địa hình phức tạp, cùng với sự nghèo đói lạc hậu ở một số bản vùng sâu, vùng xa là những thử thách lớn cho chính quyền địa phương và lực lượng Công an đóng quân nơi đây.




1.Gia Phố là xã miền núi thuộc huyện Hương Khê. Dân số đông, trong đó có trên 80% đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Trình độ dân trí không đồng đều. Xã có tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 15A và các tuyến đường liên xã đi qua nên các loại tội phạm thường lợi dụng hoạt động. Những năm 1998, 1999 tình hình hoạt động của các loại tội phạm như: trộm cắp, cố ý gây thương tích, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, tranh chấp đất đai…với 60 đối tượng có tiền án, tiền sự đã làm cho tình hình an ninh trật tự ở đây hết sức phức tạp. Nhưng chỉ một năm sau, do làm tốt công tác nắm tình hình, Công an huyện Hương Khê đã chủ động, tham mưu triển khai nhiều biện pháp công tác, nghiệp vụ, khiến Gia Phố lại trở thành một điểm sáng trong phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, là xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và là xã duy nhất 5 năm liền được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong phong trào đó đã có nhiều dòng họ, giáo họ, tổ liên gia và cá nhân được các cấp khen thưởng. Điển hình như mô hình “Dòng họ, giáo họ an ninh văn hoá” được triển khai có hiệu quả đã góp phần đưa Gia Phố từ một địa phương yếu kém trở thành điểm sáng toàn diện, với 5 năm liên tục được Bộ Công an và UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào bảo vệ ANTQ” và đang được đề nghị Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.


Hàng năm Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân xã Gia Phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đến từng người dân, xây dựng các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, giữ gìn ANTT rộng khắp.


Để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, Đảng uỷ, chính quyền đã giao Công an xã làm nòng cốt nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các chủ trương, kế hoạch sát đúng, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Bên cạnh đó làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, cảm hoá giáo dục những người lầm lỗi nên không phát sinh thêm những vấn đề về an ninh trật tự, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây.


Công an huyện Hương Khê giúp dân gặt lúa chạy lũ.


Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trong những năm qua, xã Gia Phố đã đẩy mạnh được vai trò của tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự. Hiện nay, trên toàn xã đã có 97 tổ liên gia tự quản, với 97 tổ trưởng, 172 tổ phó; trong đó có 23 tổ trưởng là đảng viên; 60 tổ trưởng là đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Các tổ liên gia được thành lập theo cụm dân cư, không phân biệt lương, giáo. Các tổ thường xuyên sinh hoạt và trao đổi thông tin cho nhau, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân, cũng như phát động các phong trào trong thôn xóm. Trong những ngày lễ, đặc biệt là lễ Noel, chính quyền và người dân xã Gia Phố không phân biệt lương, giáo đều tổ chức chu đáo các hoạt động vui chơi giải trí để cùng nhau chia sẻ niềm vui…


Đến tận bây giờ, khi quay lại vùng rốn lũ Hương Trạch, Phương Điền, người dân nơi đây vẫn xúc động bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần dũng cảm, quên mình vì bình yên cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Công an trong trận lũ lịch sử năm 2010, trận lũ đã nhấn chìm 21/22 xã, thị trấn của Hương Khê. Trong lúc nguy cấp, không quản ngại hy sinh, vất vả, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đã đằm mình trong lũ dữ, cùng với các lực lượng khác kịp thời sơ tán hơn 5.000 lượt người ngay trong đêm, cứu vớt được hơn 300 người dân đang bị dòng lũ cuốn trôi. Trong trận lũ lịch sử này, cùng với tập thể đơn vị, Đại tá Đặng Quốc Vượng, Thượng tá Nguyễn Công Mạnh, Đại úy Mai Xuân Thủy và Trần Quang Tuyến được tặng thưởng Huân chương Chiến công, bằng khen của Chính phủ và Bộ Công an vì những hành động dũng cảm xả thân, cứu dân khỏi vùng lũ.


2. Mặc dù phải “tác chiến” trên một địa bàn miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hương Khê đã có những nỗ lực vượt bậc trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm; đã điều tra được 100% các vụ trọng án, 85% các vụ thường án. Không để xảy ra những nỗi đau đến từ công tác quản lý vũ khí và vật liệu nổ. Từ nhiều năm trước, Công an huyện đã triển khai cuộc vận động thu hồi vũ khí vật liệu nổ. Do làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay, nhân dân đã tự giác giao nộp số lượng vũ khí vật liệu nổ kỷ lục, với 1.296 khẩu súng quân dụng và tự chế, hơn 30 ngàn viên đạn, 352 quả lựu đạn, hơn 1.000 kg thuốc nổ…


Không chỉ đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm hình sự, lực lượng Cảnh sát Điều tra Công an huyện Hương Khê còn kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các vụ tham ô, tham nhũng trong quản lý sử dụng đất và thực hiện chính sách xã hội. Công an huyện đã khám phá đường dây làm hồ sơ thương binh giả, lập khống hồ sơ để hưởng chế độ chất độc da cam ở xã Phú Gia; xã Phúc Đồng…; đã phối hợp với PC45, PC46 khởi tố 3 vụ, 12 bị can, trong đó có một số là cán bộ Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện câu kết với cán bộ xã… tham ô gần 1 tỷ đồng. Công an Hương Khê đã phối hợp khám phá vụ án một số cán bộ chủ chốt xã Phú Phong câu kết với trưởng phòng địa chính huyện và một số cán bộ trong Chi Cục Thuế tổ chức cấp, bán, đấu thầu sai quy hoạch 305.433m2 đất, gây thiệt hại cho nhà nước 5 tỷ đồng. Cùng với Phòng PC45 kiên trì điều tra, sàng lọc gần 200 đối tượng nghi vấn, sau gần 3 tháng tập trung cao độ cho chuyên án, đã kết luận vụ đốt trụ sở Đảng ủy xã Phú Phong làm cháy 183 bộ hồ sơ đảng viên, 29 triệu đồng tiền kinh phí của Đảng, đã truy tố Nguyễn Kim Hưng, sinh năm 1964, nguyên là Chủ tịch UBND xã Phú Phong và một số cán bộ liên quan.


3. Những năm qua, Đảng ủy, Ban chỉ huy Công an huyện đã tập trung phát động các phong trào thi đua như: Xây dựng “Công sở văn minh, vì nhân dân phục vụ”, cụ thể bằng việc các anh vào tận bản, làng để làm chứng minh thư cho bà con, tặng quà cho gia đình chính sách, liên kết với các đơn vị bạn để khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào. Chính vì thế, 10 năm liền Công an huyện Hương Khê đã đạt tiêu chuẩn “Đơn vị kiểu mẫu về Điều lệnh Công an nhân dân”, và là đơn vị dẫn đầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh về tiêu chuẩn “Đơn vị văn hóa”.


Chiến đấu trong một môi trường phức tạp, nhiều cám dỗ, thường xuyên bị bọn tội phạm, phần tử xấu lôi kéo, mua chuộc nhưng 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ luôn giữ vững bản lĩnh, không có bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật. Phong trào thi đua được duy trì một cách sôi nổi và thường xuyên, đem lại hiệu quả trên các mặt công tác…


Do có nhiều thành tích xuất sắc, từ năm 1996 đến năm 2012, Công an huyện Hương Khê đã 16 năm liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; 9 năm liên tục được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì ANTQ”; được Chủ tịch nước tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công, 32 lần được Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2012), Công an huyện Hương Khê được Hội đồng Thi đua tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới. Kết quả đó chính là việc học tập và làm theo 6 điều Bác dạy đã được thấm nhuần trong mỗi việc làm, trong từng hành động của cán bộ, chiến sĩ và tập thể Công an huyện Hương Khê


Hoàng Xuân Lý

CAND

  Từ khóa: Biên giới

BÀI MỚI ĐĂNG