Vì đưa ra quan điểm vụ nhà hát Thủ Thiêm mà vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh gặp sóng gió lớn. Nguy cơ lớn nhất là có thể mất ngôi nhà dưới sức ép của dư luận.
Nếu bình tĩnh suy xét, thì thấy rằng khu đất vợ chồng Mỹ Linh ở đã có 600m2 thổ cư. Như vậy, vi phạm cũng không lớn lắm. Có thể không bị phá hết. Mấu chốt là 600m2 đất thổ cư của gia đình ca sĩ Mỹ Linh có trước hay sau khi Mỹ Linh mua, tức là nó có sẵn hay sau này được chuyển đổi?
Theo luật đất đai, chính quyền địa phương không được phép chuyển đổi đất rừng phòng hộ thành đất thổ cư. Vì vậy, nếu muốn phá dỡ nhà Mỹ Linh, thì phải xử lý chính quyền địa phương cấp sổ đỏ thổ cư bừa bãi, trái luật.
Khuôn viên nhà vườn của ca sĩ Mỹ Linh (Ảnh: Zing) |
Tuy nhiên, việc phá nhà Mỹ Linh là điều rất khó, bởi nếu muốn phá nhà ca sĩ này, thì phải phá cả ngàn toà lâu đài ở khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng Sóc Sơn. Mà, những lâu đài biệt phủ ở đó, theo lời người dân toàn quan chức, đại gia, không dễ gì phá được. Thậm chí, ai dám khẳng định quan chức thành phố Hà Nội không có biệt thự trong rừng Sóc Sơn?
Việc phá nhà (vi phạm) Mỹ Linh là điều rất khó, bởi nếu muốn phá nhà ca sĩ này, thì phải phá cả ngàn toà lâu đài ở khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng Sóc Sơn.
Nhà báo Phạm Ngọc Dương
Năm 2004, khi công tác ở báo An ninh thế giới, tôi mất nhiều ngày lăn lộn ở xã Minh Phú và Minh Trí, hai điểm nóng xẻ rừng xây biệt thự, làm loạt bài điều tra dài kỳ về việc dân xẻ rừng Sóc Sơn bán, quan chức đại gia xây nhà trong rừng, đã gây dư luận rất lớn. Sau đó, tất cả báo chí, truyền hình vào cuộc. Hàng loạt quan chức địa phương đi tù vì tiếp tay cho việc xẻ thịt đất rừng.
Quá trình điều tra, người dân kể kể, chỉ trỏ lâu đài này, biệt thự kia của ông này, bà nọ, mà thấy lạnh người, không dễ gì đăng báo được. Thậm chí, thời điểm đó có thể nguy hiểm tính mạng, sự nghiệp.
Đang lớ ngớ không biết chụp cái biệt thự nào, thì thấy có cái như cung điện châu Âu ẩn hiện trong rừng, có cả khỉ với vượn trong vườn. Hỏi dân, họ đều không biết là nhà ai. Thi thoảng, thấy có xe bóng loáng chở chủ nhân về cuối tuần, cửa rả đóng kín. Đầu tuần chiếc xe bóng lộn lại lăn bánh ra, đi mất hút.
Nghĩ không phải quan lớn, nên tôi bấm mấy kiểu ảnh, đăng lên báo, chú thích chung chung rằng “những biệt thự như thế này có nhiều ở rừng phòng hộ Sóc Sơn”.
Báo đăng xong, ngay sáng, lãnh đạo gọi xuống phòng. Thấy một ông trán hói thấp bé ngồi trong phòng.
Lãnh đạo hỏi: - Cậu biết ai đây không?- Em không biết anh ạ!
- Cậu biết nhà ai đây không? - vị lãnh đạo chìa tờ báo có cái ảnh lâu đài trong rừng.
- Cháu cũng không biết nhà ai. Thấy to thì chụp thôi ạ.
Vị lãnh đạo báo liền quay sang người đàn ông hói đầu ngồi đối diện bảo: “Đấy! Phóng viên không biết đây là nhà ông. Tôi cũng không biết".
Lúc đó mới biết, lâu đài mình chụp là nhà một ông quan chức cấp vụ.
Ngôi nhà của ông quan chức cấp vụ thôi, cũng không ai dám động vào. Còn nhà vi phạm của quan chức, đại gia lớn hơn thì phá sao đây?
Có lẽ, lúc này cũng cần xem lại cái gọi là đất rừng phòng hộ Sóc Sơn. Nó thực sự là thứ đất chó ăn đá gà ăn sỏi, trồng toàn bạch đàn với keo, không có giá trị kinh tế. Người dân Sóc Sơn sống lay lắt, vì xây nhà không được, bán không xong. Họ làm chủ mảnh đất mà lại không được làm gì.
Dân xây nhà thì chính quyền phá ngay tắp lự. Dân bán cho đại gia quan chức thì rẻ như bèo, bởi giá đất rừng. Quan chức, đại gia thì xây được vì một là chính quyền nể sợ nó hai là có tiêu cực mà mắt nhắm mắt mở. Xây biệt phủ với lâu đài ở địa phương không thể có chuyện không biết, không thấy, xây vụng trộm được.
Nếu như, những phần đất đá sỏi gan trâu, dân đã sống lâu đời ấy chuyển đổi được, thì dân xẻ ra bán có giá trị, mà người mua xây nhà cũng đường đường chính chính, nhà nước lại thu được nhiều tiền thuế cho ngân sách.
Vì cái đất rừng ở Sóc Sơn chỉ còn là rừng trên giấy, nên dân thì vẫn nghèo, quan chức, đại gia vẫn chiếm dụng được để xây biệt phủ, chính quyền địa phương thì có thể bảo kê kiếm lợi, mà ngân sách thất thu quá lớn.
Từ câu chuyện ngôi nhà của ca sĩ Mỹ Linh, cần phải có sự vào cuộc, bàn bạc nghiêm túc để có hướng giải quyết. Nếu không, luật đất đai chỉ là trò đùa, là thứ trói chân người dân, nhưng là miếng mỡ để nhóm lợi ích xâu xé.
Tác giả: PHẠM NGỌC DƯƠNG
Nguồn tin: Báo VTC News