Theo quy định của Luật Giáo dục, trẻ từ 18 tháng tuổi có thể gửi đến các trường Mầm non và được sắp xếp trong nhóm lớp Nhà trẻ. Hiện nay, ngoại trừ một số ít trẻ có người nhà trông nom ở nhà còn đa phần các ông bố và bà mẹ đều đưa con đến lớp nhà trẻ từ rất sớm, bắt đầu từ 18 tháng tuổi. Một phần do công việc, nhưng phần lớn phụ huynh vẫn muốn con em tiếp xúc sớm với môi trường giáo dục an toàn, vui chơi lành mạnh, đặc biệt có sự trông nom, dạy dỗ từ những người giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn nghiệp vụ.
Như vậy với những trẻ đến trường ở độ tuổi 18 tháng, vừa rời vòng tay và hơi ấm của mẹ, thậm chí những đứa trẻ ở độ tuổi này vẫn còn bú mẹ, thì cô giáo được phân công đón bé đầu tiên cũng chính là “người mẹ thứ hai” từ đó.
Vì coi cô là người mẹ thứ hai nên những đứa bé này cứ vòi vĩnh muốn được cô giáo bồng ẵm, nhưng với số lượng trẻ quá nhiều trong một lớp, bình quân 10 trẻ/cô thì không một cô giáo nào ẵm cho xuể, nhưng chỉ cần cô giáo đó vỗ về, an ủi, quan tâm thì những đứa trẻ bước đầu xa rời vòng tay mẹ đẻ sẽ khôn lớn dần. Tôi từng chứng kiến những đứa trẻ 18 đến dưới 36 tháng tuổi cứ đi theo sau cô giáo và muốn cô chỉ ẵm mình mà thôi, có khi trẻ theo sau cô thành một hàng dài.
Và cứ thế, dưới sự chăm sóc, vỗ về, yêu thương con trẻ của những cô giáo ở bậc Mầm non, các bé lớn dần về mặt thể xác lẫn trí tuệ và trong thâm tâm các bé cứ mặc định suy nghĩ rằng “Cô giáo đó là của riêng bản thân mình”.
Cho nên không xa lạ gì đối với những bà mẹ có con trong độ tuổi này về nhà cứ nhắc tên cô giáo đầu tiên của mình và buông những câu nói hồn nhiên làm những người mẹ dỗi hờn nhưng rất vui lòng “Cô của con rất xinh đẹp” hay “Con yêu cô giáo hơn yêu mẹ…”.
Từ đó, con trẻ yêu thích đến lớp học, cha mẹ yên tâm công tác, mọi chuyện tưởng chừng như suôn sẻ. Và cứ thế sau một năm học, trẻ lại được đổi cô giáo mới. Việc đổi giáo viên mới liệu có cần thiết khi nó làm ảnh hưởng đến các bé?
Đối với những cấp học lớn hơn việc thay đổi giáo viên mới theo từng năm học là chuyện bình thường nhưng với trẻ ở độ tuổi Nhà trẻ lại là chuyện khác thường.
Khác thường vì trong suy nghĩ của các bé ngoài một người mẹ yêu thương mình ở nhà còn có một người mẹ thứ hai cũng yêu thương chăm sóc các bé như mẹ là cô giáo ở lớp. Cái gì để lại ấn tượng đẹp ban đầu ắt sẽ rất khó phai trong lòng con trẻ. Việc thay đổi giáo viên sau một năm học hoàn toàn đem lại điều không tốt cho trẻ ở độ tuổi này thậm chí ngay cả đối với các trẻ lớn hơn như ở các lớp Mầm và lớp Chồi.
Có những bé thay đổi tâm lí đến mức không muốn đi học tiếp và việc đến trường của bé vào mỗi buổi sáng là nỗi ám ảnh của những bậc cha mẹ vì đến lớp không có cô giáo cũ nữa.
Một điều mà ông bố bà mẹ nào có con trong độ tuổi Nhà trẻ từ 18-36 tháng đều hiểu là rất vất vả khi buổi đầu đưa con đến lớp. Mọi thứ phải mất một thời gian dài để chuẩn bị tinh thần đồng hành cùng con. Có những cha mẹ phải “trầy trật” năm lần bảy lượt cho con đi học rồi lại nghỉ trước ngưỡng cửa lớp mới của con. Sau một thời gian dài trẻ thích nghi và mọi chuyện “đâu vào đó” thì lại bắt đầu làm mới lại ngay từ đầu.
Bé nhà tôi được gửi từ lúc 18 tháng tuổi, bé thuộc diện thích nghi nhanh với những người yêu thương bé nhưng cũng phải mất một tuần bé mới yêu thương được cô giáo mới và trong một tuần đó cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa.
Tôi cũng từng chứng kiến, bé ở độ tuổi lớn hơn mất cả gần một đến hai tháng, sáng nào đến giờ đi học, các bé cũng khóc khản cả cổ, quằn người để chống lại bố mẹ, rồi sau đó mới chấp nhận được sự hiện diện của cô giáo mới và mọi thứ mới đi vào quỹ đạo bình thường.
Trong khoảng thời gian thay đổi giáo viên, trẻ sợ đến lớp, trẻ sợ gặp cô giáo mới vì chưa quen, trẻ quấy khóc với gia đình khi mỗi sáng chuẩn bị đi học và ông bà bố mẹ lại một lần nữa làm công tác tư tưởng cho trẻ, có những gia đình người lớn trở nên mâu thuẫn trong thời gian này vì đối lập suy nghĩ giữa đi và ở nhà của trẻ. Có những trẻ phản kháng rất dữ dội mỗi khi đưa đến trường và một mực đòi cho bằng được cô giáo của mình trước đây.
Nếu trẻ biết được cô giáo cũ của mình dạy ở lớp nào, bé sẵn sàng chạy ào vào lớp đó cho dù có được phép hay không. Thế rồi những buổi chiều đón về, nhìn con mếu máo khóc lóc vì cả ngày không gặp được cô giáo cũ, ông bố bà mẹ nào cũng nghĩ rằng “liệu có cần thay đổi giáo viên như vậy không?”, “Việc thay đổi này có cần thiết không?
Tôi thiết nghĩ: Tại sao cấp Mầm non lại không thực hiện như các cấp học khác tức là cô giáo chính sẽ theo các con trong suốt bậc Mầm non? Như thế sẽ vẹn cả đôi đường, các bé vừa yêu thích việc học, các cô cũng có thể nâng cao chuyên môn theo từng lớp.
Và còn gì quan trọng hơn khi các bé yêu thích việc đến trường đến lớp, cha mẹ không mất thời gian thuyết phục dỗ dành con trong một lần thay đổi giáo viên như thế.
Giáo dục luôn lấy người học làm trung tâm. Mọi hoạt động đều hướng vào người học, và không gì quan trọng hơn sức khỏe, tâm lí và sự phát triển toàn diện nhân cách của các trẻ nhỏ ngay từ những buổi đầu chập chững. Chính vì điều này việc thay đổi giáo viên vào mỗi năm học đối với bậc Mầm non liệu có cần thiết?
Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Dân trí