Về những đóng góp của Hải Phong trong việc xây dựng cảng, ông Chu Sĩ Hạ trưởng thôn này cho biết: “80% diện tích thôn Hải Phong bị thu hồi để phát triển cảng biển và các khu sản xuất công nghiệp gồm 02 nhà máy xay gỗ, kho xăng dầu, nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I và nhiều nhà máy khác nữa…
Tuy nhiên, từ ngày cảng biển đi vào hoạt động, tàu bè vận chuyển hàng ngàn tấn ra vào hoạt động liên tục. Do không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tàu bè lớn hoạt động tại đây đã gây ồn ào và không ít ô nhiểm môi trường khiến ngư dân đánh bắt gần bờ gặp nhiều khó khăn.
Để đánh bắt xa bờ thì người dân không có vốn, diện tích nông nghiệp thì ngày một thu hẹp, nguồn nước bị nhiễm phèn dẫn đến năng suất nông nghiệp giảm sút, đời sống người dân càng khó khăn hơn”.
Được biết, nhiều năm sau đó nhân dân Hải Phong rơi vào cảnh khốn khó, không có công ăn việc làm. Tuy nhiên, sau Nghị quyết của Đảng bộ và Nghị quyết của HĐND xã người dân nơi đây đã phát triển mở mang các ngành nghề, thành lập các doanh nghiệp, dịch vụ buôn bán, mở các nhà hàng, trang trại chăn nuôi.
Ki ốt bán hàng của dân đã bị tháo dỡ
Được UBND xã Kỳ Lợi cho phép ký hợp đồng thuê lại các quầy hàng buôn bán, năm 1998 mới chỉ có trên 20 hộ mạnh dạn mở quán ốt buôn bán nhưng đến nay đã có tới 162 hộ kinh doanh dịch vụ với đủ các mặt hàng.
Nói về việc phát triển hàng hóa, buôn bán tại Hải Phong, ông Chu Văn Hậu – giám đốc một doanh nghiệp tại thôn này cho hay: “Đến nay đã có 162 quán, 20 bè nổi và 10 doanh nghiệp hoạt động tại đây với thu nhập bình quân của các ki ốt bán hàng vào mức 10 -15 triệu/tháng, các doanh nghiệp cũng đóng thuế tới hơn 1 tỷ đồng/năm, vì thế đời sống của 2 thôn Hải Phong cũng ít nhiều thay da đổi thịt.
Hiện Hải Phong có trên 700 lao động có việc làm ổn định, hơn 1.400 nhân khẩu có cuộc sống khá và con em đến trường ngày một đông, không bị thất học như trước đây”.
Tuy nhiên, điều đáng nói, cuộc sống ổn định tại đây chưa được bao lâu thì người dân Hải Phong nhận được thông báo về việc tháo dỡ công trình quán ốt của 162 hộ dân khiến không ít người dân tỏ ra hoang mang.
Người dân Hải Phong mong muốn chính quyền hỗ trợ họ để ổn định cuộc sống
Nhiều người dân Hải Phong cho biết, “dân không biết chủ trương tháo dỡ quán ốt để phục vụ cho dự án nào. Tại các cuộc họp dân có được nghe đến dự án “hậu cảng” nhưng người có thẩm quyền cũng không nói cụ thể cho dân biết thời điểm nào có quyết định thu hồi, triển khai dự án. Câu trả lời của chính quyền chỉ mang tính chung chung không rõ ràng”.
“Chúng tôi sẵn sàng tháo dỡ các ki ốt khi có quyết định làm dự án và sau khi có quyết định thu hồi nhưng không nên dẹp hết toàn bộ quán ốt mà nên thu hồi theo lộ trình, xây dựng ở đâu thu hồi ở đó”, nhiều người dân Hải Phong nêu nguyện vọng.
Được biết, cuộc sống của người dân Hải Phong từ trước đến nay phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ các ki ốt bán hàng này. Vì thế người dân nơi đây sẽ rất khó khăn nếu nguồn thu nhập này không còn nữa.
Thông tin cũng cho thấy, thôn Hải Phong hiện còn có hơn 20 hộ dân thuê đất của xã Kỳ Lợi để làm ki ốt bán hàng. Trong số này, gần 10 hộ gia đình sử dụng quán ốt đó để vừa buôn bán vừa làm nhà ở chung cho gia đình.
“Người dân chúng tôi sẵn sàng di dời theo chủ trương của Nhà nước và chính quyền nhưng nguyện vọng của dân là mong muốn chính quyền cần tạo công ăn việc làm cho 700 lao động và hỗ trợ cuộc sống cho hơn 1400 nhân khẩu đang ngồi chờ đợi di dời.
Dân cũng mong muốn nhanh chóng có khu đất tái định cư và được hỗ trợ kinh phí trong việc tháo dỡ và những thiệt hại do việc này gây ra”, ông trưởng thôn buồn rầu nói.
Văn Huân/ NĐT