Giáo dục

Cô giáo vùng cao kể chuyện đốt đuốc đi gọi học sinh

30 năm “gieo chữ” ở xã vùng cao của tỉnh Đắk Nông, đối với cô Hồng, món quà lớn nhất là tất cả học sinh đều được đến trường, được xóa mù chữ. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi góp sức vào sự nghiệp “ươm mầm xanh” ấy, cô Hồng đã từng là công nhân nông trường, mỗi tối phải đốt đuốc đi gọi học sinh.

Với những tình cảm và đóng góp của mình, cô giáo mầm non Dương Thị Hồng - hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Cúc đã trở thành một người thân thương với bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk R’Măng (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông).

Sáng trồng rừng, tối “trồng người”

Theo người dân địa phương, 30 năm về trước, xã Đắk R’Măng chỉ có các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Địa bàn hiểm trở, rừng núi heo hút, đời sống của bà con thiếu thốn trăm bề… và số người biết đọc, biết viết chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 1987, cô gái Dương Thị Hồng vừa tròn 18 tuổi rời quê Hà Tĩnh để vào làm việc cho công ty Lâm nghệp Đắk R’măng. Ban đầu, cô Hồng ly hương với mục đích kinh tế, giúp gia đình thoát khỏi cảnh túng thiếu, đói ăn. Thế nhưng, gần 1 tháng tới Đắk R’Măng, thấy người dân ở đây đa phần mù chữ, cô Hồng đã nảy ra ý tưởng mở lớp xóa mù cho người dân địa phương.

“Ngày ấy, dân cư sống thành từng cụm, nằm sâu trong những cánh rừng. Nếu muốn vào buôn của người đồng bào thì phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ, có khi phải băng rừng, lội suối mới tới nơi. Cả nông trường chỉ có tôi và một cô nữa ở, nhưng cứ tối là tôi lại đi gọi học sinh đến lớp học xóa mù chữ, không kể trẻ em hay người lớn”.

Lớp học ban đầu chỉ chưa đầy 10 học sinh, thế nhưng chỉ một hai tuần sau người dân đã kéo đến đông nghịt. Cô Hồng nhớ lại: “Hàng chục năm trôi qua, bản thân tôi cũng không nhớ nổi mình đã đi bộ bao nhiêu cây số, vận động được bao nhiêu người đến lớp. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, ban ngày thì uơm cây, trồng rừng, ban đêm thì đốt đuốc đi vận động người dân đến lớp xóa mù chữ, nhiều lúc tưởng chừng không còn sức lực nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc”.

Theo cô Hồng, việc xóa mù chữ cho người đồng bào tại chỗ khá khó khăn vì bất đồng về ngôn ngữ. Thế nhưng, để khắc phục hạn chế này, trước tiên cô Hồng đề nghị người dân bản địa dạy cho mình nói tiếng đồng bào.

Cô Dương Thị Hồng được xem là một trong những người đặt “viên gạch” đầu tiên cho giáo dục xã Đắk R’măng.

“Tôi học bất cứ lúc nào, ở lán trại thì nhờ phụ nữ trong buôn chỉ dạy cho, còn mỗi khi đi lên rừng, tôi lại theo chân một nhân viên là người đồng bào của nông trường. Chính vì thế mà chỉ mất 2 tuần, tôi đã học được tiếng của người bản địa. Bây giờ ngoài tiếng H’Mông, tói có thể nói thành thạo tiếng Mạ và M’Nông”, cô Hồng cho hay.

Sau hơn 1 năm làm công nhân nông trường, cô được địa phương cử đi học lớp sư phạm mầm non tại Đắk Lắk. Hai năm theo học lớp này, cô Hồng trở về địa phương và chính thức trở thành cô giáo.

Nữ hiệu trưởng tâm sự: “Thật lòng, ở quê tôi mới chỉ học hết cấp 2. Ngày vào đây, tôi cũng không ước mơ gì nhiều, chỉ mong với vốn chữ nghĩa, kiến thức mình học được, có thể giúp đỡ một phần nào đó cho bà con là được. Nhưng may mắn nhất với tôi là được địa phương cho đi học lớp sư phạm, chính dấu mốc ấy đã làm thay đổi cuộc đời của tôi”.

Món quà lớn nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Nhớ lại thời điểm khoảng 7 năm trước, khi Trường mầm non Hoa Cúc chỉ có vẻn vẹn 3 lớp học, số lượng học sinh đông, các em chỉ học một buổi và không có chế độ bán trú. Ngày ấy, cả trường có gần 50% học sinh suy dinh dưỡng nên cô Hồng đã phải trực tiếp đi từng nhà, vận động người dân cho con ăn tại trường đồng thời xin địa phương mở rộng cơ sở vật chất trường học, đảm bảo cho các em học hai buổi một ngày.

Chỉ một năm sau khi các em được ăn bán trú, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trường giảm kỷ lục, chỉ còn 9%.

Trong nhiều năm qua, rất nhiều học sinh ở xã Đắk R’Măng được cô giáo Hồng đã trở thành cán bộ, công nhân, viên chức phục vụ cho xã hội. Sáu học sinh của cô Hồng ngày ấy, giờ đây cũng đã trở thành đồng nghiệp của cô tại Trường mầm non Hoa Cúc.

Việc trở thành đồng nghiệp với học trò năm xưa, đã là món quà lớn nhất trong cuộc đời làm nghề của mình rồi”

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Hồng tâm sự: “Đời sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn, người dân vẫn còn phải chạy ăn từng bữa nên 30 năm qua, tôi chưa bao giờ dám nhận một món quà của phụ huynh học sinh những ngày này. Đối với tôi, việc học sinh được đến trường đầy đủ, được trở thành đồng nghiệp với những học trò năm xưa, đó đã là món quà lớn nhất trong cuộc đời làm nghề của mình rồi”.

Ông Phạm Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Đắk R'măng cho biết, cô Hồng được xem là một trong những người đặt những “viên gạch” đầu tiên cho giáo dục nơi đây. Cô là người đã làm thay đổi nếp nghĩ của người dân về vai trò quan trọng của giáo dục để rồi động viên con em của mình đến trường, đến lớp.

Sau nhiều năm cống hiến, hiện cô giáo Hồng đang giữ cương vị là Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Cúc. Với sự nhiệt huyết của mình, cô Hồng đã đạt được rất nhiều thành tích danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, có sáng kiến kinh nghiệm...

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP