Giáo dục

'Cô giáo lập nhóm trao đổi nhưng không cho phụ huynh nhắn, sao kỳ vậy?'

'Cô giáo chủ nhiệm lập nhóm phụ huynh lớp trên Zalo nhưng lại để chế độ chặn với phụ huynh?', một phụ huynh có con học tiểu học tại Hà Nội băn khoăn.

Hình thức trao đổi 1-1 giữa giáo viên với phụ huynh đang là xu thế được nhiều trường tư thục áp dụng - Ảnh: T.MAI

"Phụ huynh không được nhắn trên nhóm"

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh Hà, một phụ huynh, cho biết nhóm được cô giáo chủ nhiệm lập ra vào đầu năm học, khi cô mới nhận lớp. Nhưng cô để chế độ chặn nên phụ huynh không thể nhắn tin, phản hồi trên nhóm.

Trong tuần, có những việc cần nhắc nhở học sinh hay thông tin cho phụ huynh thì cô giáo sẽ nhắn tin. Cha mẹ đọc tin để biết và thực hiện hoặc nhắc nhở con.

Không riêng anh Hà, chị N. có con học lớp 3 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết nhóm phụ huynh lớp con chị chỉ có cô được nhắn.

Một lần, trường xảy ra vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm nhẹ. Nhiều phụ huynh lo lắng muốn biết thông tin nhưng không thể hỏi trên nhóm, mà phải nhắn riêng cho cô và gọi điện cho ban đại diện cha mẹ học sinh.

"Nhân đó tôi kiến nghị với trưởng ban cha mẹ học sinh về việc phải mở chế độ để phụ huynh nhắn tin được trong nhóm. Vì nhóm lập ra để có sự tương tác, trao đổi nhiều chiều giữa cô giáo với cha mẹ, giữa các cha mẹ với nhau.

Có lẽ trưởng ban đề đạt với cô nên cô mở cho phụ huynh nhắn tin trong nhóm 2 ngày để cập nhật tình hình học sinh có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Nhưng sau đó lại đóng lại", chị N. cho biết.

Giáo viên nói gì?

Trao đổi vấn đề trên, một số giáo viên tiểu học, THCS ở Hà Nội cho rằng họ cần "chặn phản hồi" vì nhóm Zalo chỉ là một kênh để gửi những thông tin cần thiết cho phụ huynh.

"Thông tin trên sổ liên lạc điện tử thường ngắn gọn. Vì thế những việc của trường, lớp, nhất là việc liên quan trực tiếp đến học sinh, giáo viên chủ nhiệm cần thông tin thêm trên nhóm để cha mẹ cùng nắm.

Những việc cần phản hồi, trao đổi, cha mẹ có thể nhắn tin lại riêng cho cô để không làm phiền người khác. Nếu tương tác trên nhóm, những thông tin cần phụ huynh đọc có thể bị trôi, nhiều người bỏ sót", cô Bích Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, giải thích.

Tuy nhiên, cũng có những thầy, cô cho rằng việc đặt chế độ để cha mẹ không nhắn tin, phản hồi là cực đoan.

Theo các thầy cô này, khi lập nhóm có thể thống nhất với phụ huynh để không bàn bạc, trao đổi, thậm chí chuyện phiếm trong nhóm quá nhiều. Nhưng với mỗi thông tin giáo viên trao đổi, phụ huynh có thể xác nhận bằng cách thả tim, dấu "ok" hoặc trao đổi ngắn gọn nếu có vấn đề chưa rõ, đề đạt ý kiến.

"Phụ huynh nói quá nhiều trên nhóm chung"

Là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, anh Hưng, có con học Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội), chia sẻ: Lớp có thể có hai nhóm, một nhóm chỉ có các phụ huynh để trao đổi, bàn bạc, thông tin cho nhau những vấn đề cần thiết. Còn nhóm có cô giáo chủ nhiệm chỉ nên dùng để nhận thông tin từ cô giáo và nếu cần thiết nêu ý kiến, trao đổi nhưng việc tương tác sẽ hạn chế hơn.

"Tôi thấy không phù hợp khi nhiều nhóm phụ huynh do ban đại diện cha mẹ học sinh lập ra, tag cả cô giáo chủ nhiệm và học sinh là cán bộ lớp vào. Trong khi đó cha mẹ có thể tự do bàn đủ mọi chuyện, trong đó có những chuyện nhạy cảm, không nên để các con nghe", anh Hưng nói.

Trong khi đó chị Đan Khanh (TP.HCM) chia sẻ câu chuyện của lớp con chị: "Lớp con tôi năm ngoái, khi lập nhóm, cô có nhấn mạnh là nhóm để cô gửi thông báo, phụ huynh muốn nhắn thì lưu ý thời điểm, và chuyện nào thật cần thiết, có liên quan chung hãy nhắn lên nhóm, còn không thì nhắn riêng cô.

Vậy nhưng nhiều phụ huynh cứ nhắn bất kể giờ giấc. Có người con đi học về kể gì không vừa ý là nhắn chất vấn không cần biết thực tế ra sao. Có người 11 giờ đêm nhắn hỏi về một thông báo cô gởi từ tuần trước. Có người nhắn nhầm... Không chỉ cô mà những phụ huynh khác cũng muốn stress luôn".

Tác giả: Vĩnh Hà

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP