Ngày nhiếp ảnh gia Guo Yingguang tìm đến "chợ hôn nhân" tại Thượng Hải, cô liên tục nhận được câu hỏi: "Cháu bao nhiêu tuổi".
Guo 34 tuổi và trong mắt nhiều phụ huynh tụ tập ở Công viên Nhân Dân mỗi cuối tuần để tuyển vợ/chồng cho con mình, cô quá già. Một người đàn ông trung niên thậm chí còn so sánh cô với một món bất động sản khi nói "Nếu cô trẻ, cô như ngôi nhà ở vị trí đắc địa. Cô còn đẹp nữa thì ngôi nhà vừa ở vị trí đẹp và có thiết kế tốt. Còn cô đã lớn tuổi thì chẳng khác nào ngôi nhà đẹp nhưng ở vùng ngoại ô".
Guo viết một mẩu quảng cáo giới thiệu mình có bằng tiến sĩ sau khi học tại London (Anh), và dùng camera bí mật ghi lại một số lời bình luận từ các phụ huynh. Video này đã thu hút hơn 14 triệu lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong đó, một người đàn ông nói với Guo: "Bằng tiến sĩ của cô dùng để làm gì? Bằng cử nhân là quá đủ rồi. Như lời người xưa vẫn nói 'đức hạnh của người đàn bà nằm ở sự ngốc nghếch của cô ta".
"Tôi đứng đó và lắng nghe họ nói về mình. Tôi cảm thấy thế giới này quá khắc nghiệt và độc ác. Trong mắt họ, tôi chẳng có giá trị gì", Guo nói.
Các phụ huynh túm tụm xét tuyển bạn đời cho con tại chợ hôn nhân tại Thượng Hải, Trung Quốc. |
Trải nghiệm tại chợ hôn nhân khiến Guo quay lại đó 10 lần nữa và quyết định thực hiện một loạt ảnh và dự án nghệ thuật về hôn nhân sắp đặt và "phụ nữ ế" - cụm từ ở nước này chỉ những cô gái độc thân ở cuối độ tuổi 20 và 30. Cô miêu tả sự mâu thuẫn giữa hai góc nhìn khác biệt: một bên bắt nguồn từ niềm tin cho rằng phụ nữ phải lấy chồng mới hạnh phúc, trong khi bên kia khẳng định phái đẹp có thể tự tạo ra cuộc sống trọn vẹn, xứng đáng với họ.
Video của Guo đã tạo được sự đồng cảm của những phụ nữ có trình độ giáo dục cao, độc lập về tài chính và thích trải nghiệm cuộc sống bằng du lịch. Họ tin rằng mình không cần phải đến chợ hôn nhân và giá trị của họ không bị giới hạn bởi tuổi tác.
Một người dùng mạng bình luận về tác phẩm của Guo rằng: "Người lớn tuổi không hiểu được khái niệm này dù cho họ đã sống gần hết một cuộc đời. Mỗi người là một cá thể và kết quả của hôn nhân vâng lời không bao giờ là hạnh phúc".
Các phụ huynh Trung Quốc chê bai Guo tại chợ hôn nhân khi biết cô trên 34 tuổi. Ảnh: Scmp. |
Guo làm việc cho China Daily và Reuters với tư cách phóng viên ảnh trước khi đi học về nghệ thuật tại London năm 30 tuổi. Bị bạn trai chia tay sau 9 năm yêu đương, Guo từng cảm thấy mình thật thảm thương. "Tôi đã nằm dài trên giường suốt mấy ngày, nhìn chằm chằm lên trần nhà và nghĩ đời mình thế là hết", cô nhớ lại.
Cuối cùng, cô nhận ra kết thúc mối quan hệ nghĩa là cô được tự do để theo đuổi các tham vọng khác. Cô trau dồi tiếng Anh và đã nỗ lực để giành được học bổng du học hai năm. Được truyền cảm hứng bởi những phụ nữ dũng cảm và có tư tưởng phóng khoáng cô gặp ở London, cô tự tin dấn bước chống lại những giá trị bảo thủ Trung Quốc.
"Những phụ nữ thân thiết với tôi đều chọn không kết hôn. Một trong số đó là người bạn cùng lớp, vốn là một nha sĩ đã nghỉ hưu hơn 60 tuổi. Sau khi tốt nghiệp lớp này, bà ấy sẽ nghiên cứu chương trình nghệ thuật khác tại Cuba. Tôi vô cùng ngưỡng mộ bà", Guo nói.
Cô muốn ngày càng nhiều phụ nữ biết rằng bạn không cần bận tâm tới việc người khác nghĩ gì và bạn có quyền sống cho đời mình. "Người duy nhất có quyền phán xét chúng ta là chính mình", Guo nói.
Tác giả: Vương Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress