Anh Nguyễn Văn Vinh và chị Đậu Thị Huy (trú tại xóm 7, xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) do không hợp đã đưa đơn ra tòa xin giải quyết ly hôn. Vụ việc ly hôn này từ đơn giản đã bị TAND huyện Hương Khê “biến” thành phức tạp trong việc phân chia tài sản chung giữa hai vợ chồng. Đã có tới 5 bản án được “tung” ra TAND huyện Hương Khê và TAND tỉnh Hà Tĩnh, tuy nhiên đến thời điểm này phía nguyên đơn là anh Nguyễn Văn Vinh và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan là bà Phan Thị Hợi, (SN 1949, mẹ anh Nguyễn Văn Vinh) vẫn liên tục viết đơn kiện gửi lên các cấp mong được xem xét lại về phán quyết “ngược đời” của TAND huyện Hương Khê trong bản án số 01/2012DSST-HNGD, ngày 19-3-2012.
Trong đơn gửi báo PL&XH, bà Phan Thị Hợi nêu: “Tài sản chắt góp của cả đời tôi là mảnh đất hiện tôi đang sinh sống, thậm chí đó là căn nhà được Đảng và Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo diện Nghị định 167/NĐ-CP về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo năm 2010 cũng bị phía Tòa đưa ra chia ba xẻ bảy. Con trai và con dâu tôi thời gian trước khi ly hôn về mặt tài sản chung dường như chẳng có gì ngoài chiếc xe máy cũ nát. Bởi miếng đất tôi cho hai vợ chồng nó sau khi cưới, hai vợ chồng đã bán đi để chữa bệnh vô sinh… Sau khi vợ chồng nó bán đất cho chị Lê Thị Nga (xóm 6, xã Hương Long) thì tôi quyết định cho hai đứa ở chung. Nói là ở chung nhưng việc ăn uống sinh hoạt vẫn riêng. Sổ hộ khẩu, các khoản đóng góp thuế… thực hiện riêng. Vậy TAND huyện Hương Khê chia ngôi nhà làm ba phần. Điều này là hoàn toàn sai, gây thiệt hại cho tôi, đẩy tôi vào cảnh sống không có nhà. Tôi đã nhiều lần khiếu nại TAND huyện Hương Khê nhưng không được xem xét. Chi cục thi hành án huyện Hương Khê liên tục đến yêu cầu thi hành theo bản án, chẳng lẽ TAND huyện Hương Khê cố tình làm sai bắt tôi sống trong cảnh không có nhà ở hay sao?…”.Qua xác minh, PV báo PL&XH nhận thấy, phản ánh của bà Hợi là có cơ sở. Năm 1995, anh Nguyễn Văn Vinh cưới chị Đậu Thị Huy làm vợ. Quá trình chung sống, vợ chồng mãi vẫn không có con. Cuộc sống dẫn đến nhiều mâu thuẫn, đến năm 2003 thì hai vợ chồng sống ly thân. Năm 2008, cả hai quyết định viết đơn ra tòa xin ly hôn. Năm 2009, TAND huyện Hương Khê đưa vụ việc ly hôn ra xét xử. Không đồng tình với bản án số 07/2009/DSST-HNGĐ ngày 28-10-2009 của TAND huyện Hương Khê về việc phân chia tài sản chung, người có nghĩa vụ liên quan là bà Hợi và nguyên đơn là anh Vinh đã kháng nghị bản án. Ngày 9-12-2009, VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã có kháng nghị bản án số 07 của TAND huyện Hương Khê. Ngày 21-1-2010, TAND tỉnh Hà Tĩnh có bản án phúc thẩm số 03/2010/HNGĐPT với nội dung giao cho TAND huyện Hương Khê giải quyết.Sau khi nhận hồ sơ vụ án, thay vì giải quyết theo thủ tục mà bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Tĩnh đã nêu, TAND huyện Hương Khê lại tiến hành làm các thủ tục thụ lý bằng một vụ án dân sự khác, và đưa ra phán quyết vào ngày 29-7-2010 với bản án số 04/2010/DSST. Bản án này đã bị VKSND tỉnh Hà Tĩnh kháng nghị theo Quyết định số 04/QĐ/KNGĐT-P5, với nội dung: Hủy bán án sơ thẩm dân sự số 04/2010/DSST, ngày 29-7-2010 của TAND huyện Hương Khê vì đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể, TAND huyện Hương Khê đã tự ý thay đổi địa vị tố tụng chuyển nguyên đơn là anh Nguyễn Văn Vinh thành bị đơn, còn bị đơn là chị Đậu Thị Huy lại thành nguyên đơn. Ngày 21-10-2010, TAND tỉnh Hà Tĩnh ban hành bản án phúc thẩm số 03/2010/TLST-HNGĐ yêu cầu TAND huyện Hương Khê tiếp tục thụ lý, giải quyết lại phần quan hệ tài sản. Sau đó, phía TAND huyện Hương Khê tiếp tục sửa sai bằng một bản án khác, số 01/2012/DSST-HNGĐ ngày 19-3-2012. Bản án này vẫn chưa được bên nguyên đơn là anh Vinh và người có nghĩa vụ liên quan là bà Hợi chấp thuận bởi việc phân chia tài sản không đúng với thực tế. Bà Hợi có đầy đủ những chứng cứ cụ thể để chứng minh, xác nhận rõ ràng việc ngôi nhà hiện bà đang ở được xây dựng năm 2010 thuộc diện nhà ở hỗ trợ theo Nghị định 167 cùng với mảnh đất và các giấy tờ nộp thuế liên quan. Tất cả đều có xác nhận của chính quyền và người dân địa phương. Hiện, bản án đã có hiệu lực, khi tiếp nhận được bản án là lúc bà Hợi nhận được quyết định thi hành án, thời hạn kháng cáo đã hết. Nhiều lần bà Hợi viết đơn gửi TAND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, giải quyết nhưng rồi cũng chìm trong vô vọng. Bà Trịnh Thị Thiện – Chánh án TAND huyện Hương Khê, người trực tiếp xử lý vụ án ly hôn này cho biết: “Mọi việc chị đã nhận định trong bản án, nếu như có sai thật thì chị cũng chịu, không có quyền để có thể sửa, chỉ có thể nhờ cấp trên xem xét”. Trong vụ án này việc phân chia tài sản sai, quyền khiếu nại, kháng cáo của người liên quan cũng không còn được bảo đảm vì đã hết thời hạn quy định. Vậy thì cái sai này ai có thể sửa được nữa? Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, VKSND tỉnh Hà Tĩnh và TAND tỉnh Hà Tĩnh xem xét vụ việc, thực hiện quyền kháng cáo quá hạn, nhanh chóng trả lại sự công bằng cho bà Hợi.