Trong suy nghĩ của nhiều người, huấn luyện viên dạy bơi là công việc khá thú vị, có thu nhập cao.
Tuy nhiên anh Nguyễn Huy Mạnh (SN 1989, quê Hải Dương) - huấn luyện viên dạy bơi ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, trong quá trình theo nghề anh cũng gặp không ít những câu chuyện trái khoáy.
Huấn luyện viên bơi lội Nguyễn Huy Mạnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Huy Mạnh tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, khoa Giáo dục thể chất. Từ khi còn ngồi trên giảng đường, Mạnh đã tham gia dạy bơi tại nhiều trung tâm để kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt, ăn học. Đến nay, huấn luyện viên bơi này đã có thâm niên gần 10 năm làm nghề.
Huy Mạnh chia sẻ, anh dạy bơi cho tất cả các lứa tuổi, từ trẻ em, thanh niên đến người cao tuổi.
Chàng trai này cho biết thêm, hiện nay các bể bơi tuyển sinh kiểu đại trà, mỗi lớp khoảng 10 - 15 học viên với chi phí 1,5 triệu/khóa. Tuy nhiên khi kết thúc khóa, nhiều người vẫn chưa biết bơi.
Do vậy, muốn đảm bảo biết bơi sau khi học, một số người chấp nhận mất một khoản học phí lớn để thuê riêng thầy.
Với hình thức 1 thầy 1 trò, các huấn luyện viên sẽ lấy học phí cao hơn. Trường hợp muốn học đầy đủ cả 4 kỹ thuật bơi, học viên phải chi trả dao động từ 3 triệu đến 12 triệu đồng.
Theo lời Mạnh, để trở thành một huấn luyện viên dạy bơi được học viên tín nhiệm không phải chuyện đơn giản. Mỗi huấn luyện viên phải có kỹ năng sư phạm nhất định cùng khả năng giao tiếp ứng xử tốt với các đối tượng học viên khác nhau.
"Thời gian đầu mới vào nghề, tôi làm việc tại các trung tâm dạy bơi, trường quốc tế, huấn luyện đội tuyển bơi và sau đó tự mở trung tâm riêng.
Người này giới thiệu người kia, lâu dần tôi có mối ‘ruột’. Cứ mùa hè là họ gửi con, cháu đến học”.
Mạnh cho hay, mình không chỉ dạy vào mùa hè mà còn nhận học viên vào mùa đông nếu họ có nhu cầu.
Huấn luyện viên Mạnh bộc bạch, để kiếm được thu nhập, anh và đồng nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: Hải Phong |
Tuy nhiên thời điểm từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 7, học sinh nghỉ hè số lượng học viên đăng ký là nhiều nhất. Để tránh quá tải, anh phải sắp xếp thời gian hợp lý.
Anh thừa nhận, công việc này mang lại khoản thu nhập đáng kể, nhất là vào mùa cao điểm. Nhưng để kiếm được đồng tiền, Mạnh và các huấn luyện viên bơi khác cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn hay những ảnh hưởng về mặt sức khỏe.
Một khóa học bơi, Mạnh thường dạy trong 12 ngày, mỗi ngày Mạnh chỉ nhận dạy 4 ca, sáng 2 ca, chiều 2 ca, mỗi ca khoảng 2 tiếng đồng hồ.
“Dạy 4 ca liên tục như vậy rất mệt. Ca đầu tôi còn sung sức nhưng đến ca cuối là người bắt đầu rã rời, mệt mỏi.
Việc ngâm mình dưới nước hơn 8 tiếng 1 ngày, liên tục suốt 3 tháng hè không dễ dàng gì, ngay cả với các vận động viên bơi chuyên nghiệp.
Ngâm nước lâu với tần suất thường xuyên sẽ dẫn đến cơ thể mất nhiệt, không có sức đề kháng nên dễ cảm lạnh. Đặc biệt, tai và mắt bị viêm, đỏ. Đây cũng là chứng bệnh mà huấn luyện viên bơi hay gặp phải”, Mạnh bộc bạch.
Theo Mạnh các huấn luyện viên bơi còn phải rèn luyện khả năng chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết. Cụ thể là cái nắng như thiêu đốt của mùa hè và cái rét của mùa đông.
“Nếu dạy ở bể bơi trong nhà, ngoài trời có nắng đến đâu cũng không quá nhiều ảnh hưởng. Nhưng với bể ngoài trời, khoảng 5 giờ chiều nắng vẫn còn gay gắt, khung giờ này thường vào cuối giờ nên đông em nhỏ nhất vì phụ huynh mới có thời gian đưa con đến học …”, Mạnh nói.
Kể về những kỷ niệm trong nghề, huấn luyện viên này chia sẻ: “Bể bơi là nơi công cộng, ngoài việc tập bơi, nhiều người tìm đến đây để thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Chưa kể có người đến còn nhằm mục đích khác… ”.
Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, anh nói tiếp: “Nghề nào chẳng có mặt trái của nó. Tôi từng chứng kiến những câu chuyện khó tin của các đồng nghiệp, nếu kể ra cả ngày cũng không hết”.
Mạnh nói, việc các huấn luyện viên bơi bị học viên gạ gẫm hay gây cản trở khi dạy cũng không ít.
Vẫn theo lời anh, một đồng nghiệp tên Tuấn (SN 1987), ngày nhỏ từng đi theo con đường vận động viên bơi lội chuyên nghiệp nhưng năm 18 tuổi do chấn thương nên Tuấn từ bỏ giấc mơ huy chương, rẽ ngang sang công việc dạy bơi.
Tuấn có chiều cao lý tưởng, ngoại hình đẹp, gương mặt điển trai, lại có tài ăn nói khéo léo do vậy rất được lòng các học viên, nhất là học viên nữ.
Mùa hè năm 2017, Tuấn nhận dạy bơi cho một người phụ nữ khoảng 40 tuổi, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.
Nữ học viên này sống độc thân trong căn hộ cao cấp ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trước đây chị từng có gia đình nhưng vợ chồng sớm đứt gánh giữa đường. Người chồng cùng con trai vào TP.HCM sinh sống.
Chị tham gia giao lưu với các nhóm phụ nữ có hoàn cảnh như mình. Kinh tế khá giả, nhàn rỗi, chị đi học khiêu vũ, gym, bơi lội để giải khuây.
Chị được bạn giới thiệu đến chỗ Tuấn. Người phụ nữ này lần đầu tiên gặp Tuấn đã có cảm tình. Nữ học viên yêu cầu Tuấn dạy riêng, chị ta sẽ trả học phí cho Tuấn 20 triệu đồng khóa đó.
Trước yêu cầu này, Tuấn từ chối. Anh bày tỏ chỉ nhận đủ số tiền học phí theo quy định nhưng nữ học viên vẫn chuyển khoản cho anh số tiền trên. Chị ta bảo coi như tiền học phí cho cả con trai mình. Hôm nào con của chị nghỉ hè, ra ngoài Hà Nội, sẽ nhờ Tuấn dạy.
2 buổi đầu, mọi việc diễn ra suôn sẻ, nữ học viên tuy sợ nước nhưng khi học chị tỏ ra dạn dĩ, xuống bể học không một chút e dè.
Đến buổi thứ 3, chị bắt đầu có những cử chỉ lạ với huấn luyện viên. Khi nghỉ giải lao giữa ca học, chị lấy nước mời thầy rồi không chút ngượng ngùng chị quàng tay ôm Tuấn giữa chỗ đông người như thể đôi tình nhân khiến anh ái ngại với mọi người xung quanh.
Giữ phép lịch sự, anh lấy cớ đi ra chỗ khác ngồi. Khi xuống đến bể học thực hành, thấy Tuấn bơi 1 đoạn rồi dựa người vào thành bể, nữ học viên lại bất ngờ ôm anh, còn rỉ tai rủ Tuấn đi chơi.
“Trước những hành động nhạy cảm của học viên dành cho mình, Tuấn quyết định trả lại toàn bộ học phí và từ chối dạy, tránh gây chuyện thị phi đáng tiếc..." - huấn luyện viên bơi sinh năm 1989 chia sẻ.
Tác giả: Diên Vỹ - Minh Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet