Nổi bật Hà Tĩnh

Chuyện buồn của gia đình người cựu chiến binh

Người con trai tâm thần bò lổm ngổm trên giường bệnh, ánh mắt ngây dại. Người cha già mất trí nhớ, không nhớ nổi tuổi mình. Mấy con chó gầy giơ xương, có lẽ đói lâu ngày, thấy người lạ vào chỉ nhổm hai chân trước vẫy đuôi, không cả đứng vững. Căn nhà xiêu vẹo của ông Kỷ chứa đầy những nỗi bất hạnh, khổ đau, mất mát, tưởng như gom lại từ những đau khổ trong xã hội.

Ông Kỷ hiện không nhớ cả tuổi của mình.

Gia cảnh buồn

Ông Nguyễn Hữu Kỷ (gần 80 tuổi, ngụ xóm Tiến Bộ, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Sinh ra trong hoàn cảnh chiến tranh và nghèo nàn, ông không được học hành lấy một chữ. Ông Kỷ nay chỉ nhớ được 3 người đồng đội đi cùng trong chiến đấu, một đã hi sinh, một đã chết và một là thương binh. Còn lại ông không nhớ gì, kể cả tuổi của mình, khi nào ông cũng tưởng mình “đang xuân”. Giấy tờ chứng minh đi bộ đội, huân, huy chương nếu có ông cũng không biết cất ở đâu.

Theo đồng đội kể lại, ông Kỷ nhập ngũ ngày 15/02/1966, sau khi huấn luyện tại C1 – D8 đoàn 22 Quân khu 4, ông được điều vào đơn vị BT43 (binh trạm 43) quân khu Trị Thiên - Huế, chiến đấu tại đường 9 đến năm 1975. Khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê hương xây dựng gia đình và sinh ra được 3 người con, hai gái, một trai. Cuộc sống bên vợ con và mấy sào ruộng đối với ông tưởng như đã là hạnh phúc. Nhưng bất hạnh ập đến từ năm 1983, khi người vợ đau ốm không có tiền chữa trị đã qua đời. Ông Kỷ gà trống nuôi 3 người con thơ dại.

Nhớ thương vợ, ông sinh trầm cảm, trí nhớ cũng mất dần. Các con ông cũng dần lớn lên, mỗi người một cảnh. Hai người con gái, người chị lấy chồng trong Nam nhưng cuộc sống mưu sinh vất vả, không thường xuyên về thăm quê. Cô em không được nhanh nhẹn như người bình thường, sau khi sinh một người con gái vẫn ở cùng cha và em trai. Còn người con trai duy nhất của ông Kỷ mắc chứng tâm thần.

Năm 2017, ông Kỷ phát hiện bệnh hiểm nghèo phải vào viện điều trị. Người con trai hơn 30 tuổi lại tái phát bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh. Khi bố và em trai, hai người nằm hai bệnh viện, đều không thể tự lo được vệ sinh cá nhân, chị Hạnh (người con gái ở cùng) phải chạy đi chạy lại để chăm sóc. Khổ nỗi gia cảnh chỉ có căn nhà rỗng, ăn chưa đủ no lấy gì mua thuốc men điều trị.

Họa vô đơn chí, cô con gái duy nhất của chị Hạnh đang học lớp 9 trường THCS Tân Lâm không hiểu vì sao đã bỏ nhà ra đi. Sau mấy tháng không liên lạc, mới đây cô bé đã điện về thông báo đang ở Hà Nội. Nói trong nước mắt, chị Hạnh cho biết: “Bố đau (ốm – PV) một đường, em cũng nằm thất thần trên giường bệnh. Niềm hi vọng lớn nhất của tôi là đứa con gái nhưng còn thời gian đâu chăm sóc con nên nó cũng bỏ tôi đi luôn”.

Chị khóc, người em nhìn vô hồn ngơ ngác. Người cha già bần thần chẳng còn trí nhớ. Hàng xóm cho biết, trước đây gia đình ông Kỷ được xếp hàng khổ thứ hai trong vùng. Gia đình thứ nhất người cha cũng là cựu chiến binh sinh ra mấy người con bị nhiễm chất độc da cam, suốt ngày “nhảy múa” và xin ăn khắp chốn. Nhưng bây giờ gia đình này đã nhận được chế độ chất độc da cam nên không phải đi ăn xin nữa. Còn gia đình ông Kỷ thì không được chế độ gì, gia sản cũng chẳng có gì, lại trở thành nghèo nhất.

“Anh hùng” bị lãng quên?

Hoàn cảnh khó khăn của gia đình được đưa lên mạng xã hội, nhiều nhà hảo tâm tìm đến để san sẻ. Nhưng do ông Kỷ bệnh tật, con trai tâm thần, con gái cũng không được bình thường, một người họ hàng ở gần nhà phải đứng ra thay mặt gia đình nhận hỗ trợ.

Thấy đồng đội cũ của mình hoàn cảnh quá éo le, nhiều cựu chiến binh đã nhiều lần đề xuất lên xã, huyện xin làm chế độ cho ông Kỷ nhưng cũng chưa được.

Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Văn Mộc trước đây là Tiểu đội trưởng Tiểu đội vận tải BT 43 cho biết: “Đồng chí Nguyễn Hữu Kỷ trước đây là lính của tôi, ông được giao nhiệm vụ nấu ăn, năm 1973 khi máy bay địch càn quét tại suối A Sình, địa phận A Dơi, dân tộc Kơ Tu, đồng chí Kỷ khi đó đang nấu ăn nhưng thấy trực thăng địch bay thấp, ông đã lấy súng bắn trúng phi công giặc và rớt luôn chiếc trực thăng đó. Tôi đang làm hồ sơ để xây dựng đồng chí Kỷ thành anh hùng lực lượng vũ trang thì bị thương nên phải chuyển ra tuyến ngoài và không biết anh Kỷ sau đó ra sao. Chỉ biết đó là vùng ác liệt nhất, súng đạn ngày đêm cày xới, chất độc da cam rải đầy không một ngọn cỏ nào sống nổi”.

Về câu chuyện chiến trường ác liệt thuở xưa, 5 cựu chiến binh đồng đội của ông Kỷ đều nói đã chứng kiến được giây phút đó. Đặc biệt, ông Kỷ tuy không nhớ tuổi mình, không nhớ quá khứ, nhưng ông vẫn kể được: “Đang là lính của cụ Hồ đây, tôi vừa bắn trúng tên phi công và chiếc trực thăng đang rơi bên bờ suối”.

Xã đội trưởng xã Thạch Tân, ông Trần Quốc Phương cho biết: “Ông Kỷ có đi bộ đội ở Quảng Trị nhiều năm, biết nhưng không làm được chế độ gì cho ông vì ông không có giấy tờ , không nhớ gì. Xã có làm cho vài gian nhà tạm và con trai ông có được hưởng chế độ trợ cấp xã hội ít ỏi. Chúng tôi muốn làm lắm nhưng không làm được gì giúp ông. Mấy năm trước có được hưởng theo chế độ 42 - trợ cấp một lần thôi”.

Ngay đến bệnh tình của người con trai ông Kỷ, các bác sĩ cũng cho rằng có thể là một triệu chứng của chất độc đioxin. Trao đổi với người viết về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Hữu Cảnh (con ông Kỷ), Trưởng khoa điều trị bệnh rối loạn tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh, ông Nguyễn Tiến Hùng cho biết: “Bệnh nhân bị chậm phát triển tâm thần, có thể do đột biến gen nhưng khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân. Điều trị vậy, còn khó phục hồi. Nếu được uống thuốc thường xuyên thì có thể cầm cự, về lâu dài có thể ngày càng nặng thêm do chế độ ăn uống, chăm sóc, đặc biệt về mặt tinh thần”.

Chiến tranh đã đi qua, Đảng và nhà nước cũng đã có nhiều chính sách đền ơn đáp nghĩa phần nào bù đắp cho những mất mát lớn lao của những người có công với cách mạng.Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần quan tâm xem xét để đảm bảo chế độ cho ông Kỷ nếu đúng đối tượng được hưởng chính sách của nhà nước.

Tác giả: Quốc Hùng

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP