Anh Trần Hậu Ái chuẩn bị đồ nghề đi thả lươn
Chính quyền dần khôi phục
Suốt những ngày nghỉ lễ, chính quyền xã Bắc Sơn vẫn tiếp tục hoạt động nhằm củng cố lại hệ thống.
Thậm chí, xã này đã phải tổ chức làm việc kể cả những ngày nghỉ. Xã có 7 xóm thì đã có 4 xóm bị tê liệt về hệ thống chính quyền. Đến tối ngày 2.5, xóm Kim Sơn đã được kiện toàn hệ thống cấp ủy và chính quyền.
Hiện tại, còn 3 xóm gồm Đồng Vịnh, Trung Sơn, Xuân Sơn vẫn đang bị “tê liệt”. “Tối hôm nay (4.5), chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp để bầu ra xóm trưởng xóm Đồng Vịnh”, ông Hoành cho biết.
Tại xóm Trung Sơn, hiện tại mới chỉ có Bí thư chi bộ và công an viên. Xóm trưởng và xóm phó dự kiến sẽ được bầu sau cuộc họp vào ngày 6.5.
Đến ngày 10.5, sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo để bầu xóm trưởng, xóm phó và công an viên cho xóm Xuân Sơn.
Lúc PV có mặt, lãnh đạo xã Bắc Sơn đang chuẩn bị để có cuộc họp hội ý tại trụ sở UBND xã nhằm thúc đẩy việc kiện toàn hệ thống chính trị tại địa phương. Những cánh cửa kính vẫn tan hoang chưa được thay thế sau đợt người dân tấn công.
Ông Hoành cho biết: “Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là dồn sức lực để kiện toàn bộ máy cấp thôn, ổn định tình hình chính trị và yên lòng dân. Còn về vấn đề triển khai dự án nghĩa trang vĩnh hằng, sau khi tình hình ổn định thì các cấp ngành liên quan ở tỉnh, huyện sẽ về để trao đổi, đối chất với người dân nhằm gỡ bỏ những vướng mắc nếu có”.
Không khí tại Bắc Sơn không còn ngột ngạt như những ngày đầu tháng 4. Lúa đã trổ đòng, người dân bắt đầu ra ruộng làm mùa |
Tôi gặp anh Trần Hậu Ái (sinh năm 1971, xóm Đồng Vịnh, một trong những người có đất ruộng nằm trong quy hoạch xây dựng nghĩa trang vĩnh hằng) khi anh đang chuẩn bị ra đồng thả đúm bẫy lươn.
Nhà anh Ái có hơn 1 mẫu ruộng. Kinh tế gia đình thuộc loại khó khăn với 3 đứa con đang tuổi ăn học. Do đó, ngoài làm ruộng, thu nhập phụ của hai vợ chồng anh dựa vào những ống bẫy lươn này.
“Một sào lúa cho năng suất khoảng 3 tạ. Cả gia đình chỉ trông nhờ vào đó nên kinh tế cũng mãi chẳng khá được. Mỗi năm, cứ ra tết đến thời gian này là hai vợ chồng tui đi thả đúm bắt lươn, đồng nước còn thì cũng kiếm được 1 đêm khoảng 150 ngàn, đỡ phần nào gánh nặng nuôi con. Nhưng rồi mai này không biết ra sao khi đồng cỏ hẹp lại”, anh Ái tâm sự.
Cạnh đó, anh Dương Công Mậu đang chuẩn bị đi chăn đàn gà vịt vừa thả được 1 năm nay. Ruộng anh Mậu cạnh ruộng anh Ái. Vì làm lúa không năng suất nên anh mạnh dạn đầu tư gần 40 triệu đào ao thả cá và chăn nuôi thêm gần 1.000 con gà vịt.
Cán bộ xã Bắc Sơn chẩn bị họp để ổn định tình hình địa phương trong ngày nghỉ. |
“Tôi cũng không rõ họ sẽ quy hoạch và lấy đất như thế nào, nhưng mất đất sản xuất thì cũng lo lắm”, anh Mậu cho hay.
Cũng như anh Mậu, anh Ái, những người có đất ruộng đều chung tâm trạng lo lắng về việc mất đất sản xuất. Theo Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Trần Bá Hoành thì có khoảng 21 hộ có đất ruộng nằm trong quy hoạch xây dựng nghĩa trang vĩnh hằng.
“Qũy đất của xã thì có nhưng đất tốt để sản xuất cũng chẳng còn nhiều. Do đó, nếu dự án vẫn triển khai thì chúng tôi sẽ phải vận động cán bộ, đảng viên nhường bớt đất sản xuất cho những người bị thu hồi. Nhà tôi có 8 sào, nếu mai này như vậy thì tôi cũng sẽ nhường bớt”, ông Hoành cho hay.
Lê Đình Dũng