Ngày 25/11, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về một số vụ án, vụ việc.
Tại đây, Tổng bí thư nhấn mạnh, từ sau Phiên họp thứ 12 (ngày 31/7) của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đánh giá cao.
Trong đó có việc khẩn trương đưa vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm ra xét xử, với những mức án nghiêm minh theo quy định của pháp luật (một án tử hình, một án chung thân). Qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, các cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Ngoài ra, việc xử lý theo quy định pháp luật một số vụ án khác cũng được đánh giá tích cực, đơn cử như: vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Dự án B5 Cầu Diễn, Hà Nội.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã khởi tố thêm 9 bị can là cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo PVN, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVC), Ban quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch...
Phiên họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Noichinh |
Cũng tại phiên họp, Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I/2018, gồm các vụ án liên quan đến Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như...
Thường trực Ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017, hai tháng đầu năm 2018 theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể là, vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC.
Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác...
Các sai phạm của Trịnh Xuân Thanh bị phát giác khi đầu tháng 6/2016, báo chí thông tin ông được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng (thời điểm này ông là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), nhưng gắn biển xanh. Việc PVC thua lỗ nặng dưới thời ông Thanh quản lý song ông vẫn thăng tiến ngay sau đó được xác minh. Tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC. Chiều 16/9/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng ông Thanh, tuy nhiên ông vắng mặt. Tối cùng ngày, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế. Ông Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan trách nhiệm về hàng loạt sai phạm xảy ra ở PVC) và vụ án mua bán đất ở khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội). Nhà chức trách sau đó xác nhận có thông tin ông Thanh đã trốn sang châu Âu. Ngày 31/7, báo chí đưa tin ông Thanh "đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú". Cơ quan An ninh điều tra đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng quy định pháp luật. |
Tác giả: Vinh An
Nguồn tin: Báo VnExpress