Trong nước

Chưa “thông” đề xuất tăng thêm Đại tướng, Trung tướng công an

Thẩm tra đề xuất thêm một hàm Đại tướng cho Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công an, thêm một hàm Trung tướng cho mỗi Tổng cục, UB Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, việc mở rộng diện một số chức vụ cấp hàm tướng chưa thật chặt chẽ, đúng nhu cầu.

Dự thảo luật Công an nhân dân sửa đổi được UB Thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận, cho ý kiến trong buổi họp chiều nay, 15/4.

Tờ trình dự án luật nêu đề xuất sửa Điều 24 luật hiện hành về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an. Cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) cho biết, luật quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, quy định việc phong, thăng quân hàm cấp Tướng trong lực lượng Công an nhân dân chặt chẽ, đúng nhu cầu; quy định cấp bậc hàm cấp trưởng cao hơn cấp bậc hàm cấp phó một bậc; không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong hàm cấp Tướng (tức bỏ khoản 2 điều luật hiện hành).
Đề xuất tăng cơ cấu cấp tướng cho lực lượng công an
Đại tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đề xuất thêm một hàm Đại tướng cho Thứ trưởng thường trực Bộ.

Cụ thể, đối với Bộ trưởng Bộ Công an, dự thảo Luật giữ nguyên quy định cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng. Cấp bậc hàm cao nhất của các Thứ trưởng, tương tự nguyên tắc này, là Thượng tướng. Tuy nhiên, riêng đối với chức danh Thứ trưởng thứ nhất – Bộ Công an đề xuất, cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng. Lý do Bộ Công an đưa ra là trên thực tế, người này đứng vị trí thứ hai trong Bộ Công an, sau Bộ trưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an TƯ. Quy định như vậy, lãnh đạo Bộ Công an khẳng định là phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tương quan với bên quân đội.

Đối với các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, dự thảo Luật quy định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh. Cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Phó Tổng cục trưởng, Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh.

Riêng Phó Tổng cục trưởng thứ nhất phụ trách công tác đảng, công tác chính trị tư tưởng và xây dựng lực lượng của Tổng cục (các tổng cục trong Công an không bố trí Chính ủy như Quân đội) cũng được cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng. Cơ quan soạn thảo cho rằng quy định thêm “quota” Trung tướng này phù hợp với thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ huy, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với công tác công an,  bảo đảm tương quan với quân đội.

Đối với Chánh Văn phòng Bộ Công an; Chánh Thanh tra Bộ Công an; Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an; Cục trưởng các cục đối ngoại, pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, tài chính, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh mạng, phòng cháy và chữa cháy, dự thảo Luật cũng quy định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng. Lý do đưa ra, đây là Thủ trưởng các đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Công an tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tầm vĩ mô, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, xây dựng lực lượng Công an trong phạm vi toàn ngành, có tổ chức từ TƯ đến địa phương.

Đối với các đơn vị thuộc Tổng cục, Bộ Tư lệnh, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, dự thảo Luật quy định cấp bậc hàm cao nhất của cấp trưởng là Đại tá hoặc Thiếu tướng. Quy định này được nhận định là phù hợp với thực tế tổ chức bộ máy Bộ Công an.

Về cấp bậc hàm cao nhất của Công an cấp tỉnh, cấp huyện, dự thảo Luật quy định Giám đốc Công an tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá. Tuy nhiên, Giám đốc Công an các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Giám đốc Công an các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Đồng Nai thì cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì  3 tỉnh này là tỉnh biên giới, dân số đông, diện tích lớn, tình hình an ninh, trật tự phức tạp.

Đối với Hà Nội và TPHCM – 2 thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng, là đô thị loại đặc biệt nên Giám đốc Công an ở đây có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng.

Cấp bậc hàm cao nhất của Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Thượng tá.

Thẩm tra nội dung này, UB Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, cơ bản, việc quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với các chức vụ sĩ quan thể hiện như dự thảo luật là kế thừa luật hiện hành, có sự tiếp tuc, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, UB Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, UB Quốc phòng An ninh cũng đề nghị phải báo cáo giải trình rõ hơn về một số vấn đề.

Cụ thể, theo thường trực UB này, việc xác định vị trí có nhu cầu hàm cấp tướng tuy đã quy định cụ thể nhưng vẫn chưa thật chặt chẽ, đúng nhu cầu trong Luật. Dự thảo luật đã nâng trần và mở rộng diện một số chức vụ có trần cấp hàm tướng so với luật hiện hành.

Hầu như tất cả các chức vụ Cục trưởng đều có trần cấp hàm Thiếu tướng, một số là Trung tướng và nhiều chức danh tương đương với chức vụ Cục trưởng cũng có trần cấp hàm Thiếu tướng, Trung tướng. Trong đó, có chức danh mới được bổ sung vào dự thảo Luật như Hiệu trưởng trường sĩ quan Tham mưu.

UB Quốc phòng An ninh cũng chỉ rõ, dự luật còn quy định phong cấp bậc hàm tướng đối với cả một số chức vụ ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các đơn vị có tính chất dịch vụ công.

Thường trực cơ quan thẩm tra yêu cầu xác định rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng và tiêu chí của mỗi cấp bậc hàm tướng để làm căn cứ xác định, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với từng loại cơ quan, đơn vị trong lực lượng công an.

Theo đó, UB Quốc phòng An ninh cho rằng, cần quy định cấp bậc hàm cao nhất cho từng nhóm chức vụ cơ bản để xác định các chức vụ khác nếu tương đương về chức vụ thì tương đương về quân hàm. Ví dụ: quy định chức vụ Tổng cục trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng thì chỉ có chức vụ cấp trưởng ở những đơn vị ngang tổng cục mới có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, nhằm khắc phục tình hình cấp cục có trần cấp hàm bằng cấp tổng cục, cấp phó bằng cấp trưởng…

Ngoài ra, ý kiến khác còn đề nghị quy định rõ số lượng sĩ quan cấp tướng trong lực lượng để bảo đảm cơ cấu cấp bậc hàm tướng phù hợp với cơ cấu tổ chức của ngành, đồng thời có sự cân đối, thống nhất, ổn định hệ thống cấp bậc hàm trong toàn lực lượng.

P.Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP