Liên tục cập nhật
Các quan chức tham gia tìm kiếm QZ8501 nhóm họp tại trụ sở của Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia ở Jakarta.
16h35 Phát biểu trước báo giới, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla xác nhận rằng không có tín hiệu cầu cứu nào từ chiếc máy bay AirAsia mất tích và cho hay hiện vẫn chưa thể dò tìm được tín hiệu từ chiếc máy bay này.
Khi được hỏi về thông báo đã tìm thấy vật thể lạ, ông Jusuf Kalla cho hay hiện vẫn chưa đủ các bằng chứng để khẳng định đó là các mảnh vỡ của chiếc máy bay QZ8501. Hiện lực lượng tìm kiếm do Indonesia dẫn đầu vẫn đang tiếp tục rà soát các vùng biển.
Phó tổng thống Kalla chỉ ra rằng ngày Chủ nhật 28/12 không phải là một ngày làm việc hiệu quả bởi lực lượng tìm kiếm đã không có trọn vẹn 1 ngày. Ông đặt nhiều hy vọng vào hoạt động rà soát trong ngày hôm nay và tuyên bố “Hôm nay là một ngày tìm kiếm trọn vẹn”.
Ông Kalla cũng cho hay: “Đây là cuộc tìm kiếm quy mô lớn nhất mà chúng tôi từng tiến hành”.
Ông cho rằng: “Tìm kiếm trên biển khó hơn trên đất liền. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đối mặt với những tình huống khó khăn. Trong quá khứ, chiếc máy bay của hãng Adam Air là một minh chứng. Và nhờ có Thượng đế chúng tôi cuối cùng cũng đã tìm ra nó”.
Theo ông Kalla, Không quân Indonesia đã tìm thấy những vệt dầu loang ở vùng Tanjung Pandan nhưng hiện vẫn chưa thể xác định chúng chảy ra từ chiếc máy bay mất tích hay từ các tàu thuyền khác.
16h10 Hãng tin CNN dẫn lời Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho hay hiện Indonesia vẫn đang tiến hành công tác tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 bị mất tích từ sáng qua 28/12.
16h Hãng tin CNA đưa tin, 2 tàu tìm kiếm đã trở về từ khu vực đảo Pulau Nangka, Pulau Pesumut, cho biết không thấy dấu hiệu của chiếc máy bay AirAsia mất tích. Trước đó, nhiều người dân xung quanh khu vực nêu trên đã thông báo họ nghe thấy các tiếng nổ cùng tiếng va chạm tại đây.
15h40 Ông Dwi Putranto, Tư lệnh lực lượng biệt kích Indonesia, cho hay lực lượng tìm kiếm đang chuyển đến khu vực phát hiện vật thể khả nghi tại vùng biển ngoài khơi Pangkalan Bun gần tỉnh Trung Kalimantan. Ông Putranto cũng cho hay khu vực nêu trên đang có rất nhiều mây.
15h30 Lực lượng Quốc phòng Úc tuyên bố sẽ không bình luận về vật thể lạ do máy bay P-3C Orion thuộc không quân nước này tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi Pangkalan Bun gần tỉnh Trung Kalimantan vì đây là cuộc tìm kiếm do Indonesia dẫn đầu.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen thông báo cả 2 tàu SS Valour và RSS Supreme của Singapore đều đã có mặt tại vùng biển Indonesia để tham gia lực lượng tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501.
15h10 Thời báo phố Wall dẫn lời ông Tatang Kurniadi, lãnh đạo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia, cho rằng có thể nguyên nhân khiến lực lượng tìm kiếm không thể dò thấy tín hiệu từ máy bay QZ8501 là bộ phát tín hiệu định vị khẩn cấp (ELT) đã hư hỏng, các dãy núi đã chặn sóng hay do máy bay không nằm trên đất liền.
14h50 Cũng theo BBC, một phát ngôn viên của Không quân Indonesia phát biểu trên truyền hình rằng đội tìm kiếm còn phát hiện “một tín hiệu yếu ớt”, nhưng tín hiệu này sau đó đã loại trừ. Phát ngôn viên khẳng định tín hiệu này không đến từ chiếc máy bay QZ8501 đang mất tích.
14h15 Theo tờ Straits Times, chiếc máy bay P-3C Orion của Úc đã tìm thấy một vật khả nghi tại vùng biển ngoài khơi Pangkalan Bun gần tỉnh Trung Kalimantan, nơi nhiều máy bay đã được cử đến để tìm kiếm chiếc máy bay của hãng AirAsia mất tích.
Hình vuông màu đỏ là địa điểm mất liên lạc với chiếc QZ8501, còn vòng tròn tím là nơi vật thể khả nghi được tìm thấy. Chúng cách nhau 1.120 km.
Trang Malaysian Insider dẫn lời ông Dwi Putranto, một quan chức không quân Indonesia, cho hay chiếc máy bay P-3C Orion của Úc đã tìm thấy một vật khả nghi tại vùng biển cách Pangkalan Bun 160 km về phía tây nam. Địa điểm này cách vị trí chiếc QZ8501 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu sáng 28/12 khoảng 1.120 km.
Một phụ nữ ôm di ảnh của một gia đình hành khách trên chuyến bay QZ8501 tại sân bay ở Surabaya, Indonesia.
13h50 Singapore sẽ gửi các thiết bị dò tìm dưới nước để hỗ trợ tìm kiếm hộp đen của chiếc QZ8501.
Cơ quan hàng không dân dụng Singapore ra thông báo: “Chính phủ Indonesia đã chấp nhận đề nghị của Singapore nhằm cung cấp 2 đội chuyên gia và 2 hệ thống phát hiện tín hiệu dưới nước nhằm trợ giúp công tác định vị các hộp đen của máy bay AirAsia mất tích”.
Thông báo trên cũng cho biết thêm: “4 chuyên gia từ Cơ quan điều tra tai nạn hàng không của Bộ giao thông vận tải Singapore cùng các thiết bị hỗ trợ đã sẵn sàng để tham gia hoạt động tìm kiếm. Hiện họ đang đợi lệnh của chính quyền Indonesia”.
Một chuyên gia từ Cơ quan điều tra tai nạn hàng không thuộc Bộ giao thông vận tải Indonesia đã mô phỏng cách sử dụng thiết bị phát hiện tín hiệu dưới nước để hỗ trợ công tác định vị máy bay mất tích của hãng AirAsia. Bằng cách sử dụng tín hiệu ping có thể xác định 1 khu vực hình tam giác cho thợ lặn và các phương tiện vận hành tự động dưới nước tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501.
Các thiết bị mà Singapore sẽ gửi tới Indonesia để tìm kiếm QZ8501.
13h30 Trang Detik.com dẫn nhận định của ông Jeffrey Adrian, một phi công người Indonesia nhiều kinh nghiệm: “Bên cạnh hỏng hóc, còn có một lý do khác khiến hệ thống máy phát tín hiệu định vị khẩn cấp (ELT) không hoạt động là do đã chịu tác động của một vụ nổ lớn”.
13h Giám đốc điều hành hãng hàng không AirAsia Tony Fernandes viết trên Twitter rằng ông đã hoàn tất công tác thông tin cho cơ quan tìm kiếm và giải cứu Malaysia. Hiện ông đang bay trở về sân bay Surabaya, Indonesia để sát cánh với thân nhân các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay mất tích QZ8501. Trước đó, trong buổi sáng hôm nay 29/12, ông Fernandes đã bay từ Surabaya về Jakarta để làm việc với giới chức Malaysia.
12h30 Giới chức Indonesia đã xin ý kiến chính phủ nước này để tiến hành tìm kiếm trên phạm vi khoảng 40.000 km2 quanh đảo Belitung trên biển Java.
11h55 Người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia Bambang Soelistyo cho biết: “Cuộc tìm kiếm dưới nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi thậm chí mất đến 8 tháng để tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 737 của hãng Adam Air”.
Tháng 1/2007, chiếc máy bay của hãng Adam Air chở 102 người đã mất tích vào đúng ngày Tết dương lịch trên đường bay nội địa từ Surabaya đến Manado. Vài ngày sau, những mảnh vỡ từ đuôi và các bộ phận khác đã được tìm thấy nhưng hiện thân chiếc máy bay vẫn nằm dưới đáy biển.
Thân nhân các hành khách khóc ròng tại sân bay ở Surabaya, Indonesia.
11h45 Trung Quốc đã đề nghị cử máy bay và tàu đến Indonesia, hỗ trợ công tác tìm kiếm chuyến bay QZ8501.
Bộ trưởng giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai thông báo Malaysia đã cử 3 tàu và 3 máy bay đến hỗ trợ hoạt động giải cứu máy bay QZ8501.
Tại thủ đô Jakarta, các quan chức quân đội và lực lượng tìm kiếm đang theo dõi những diễn biến mới nhất trong cuộc tìm kiếm chuyến bay QZ8501 tại Trung đâm điều phối nhiệm vụ thuộc Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia.
Tại sân bay Surabaya, Đông Java, không quân Indonesia công bố bản đồ cho thấy khu vực tiến hành máy bay chở 162 người của hãng AirAsia.
11h40 Người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia Bambang Soelistyo, người đã đưa ra giải thuyết chiếc máy bay đã nằm dưới đáy biển, thông báo lực lượng tìm kiếm đã được trang bị một hệ thống siêu âm có thể dò tìm ở độ sâu 2.000m từ mặt nước biển.
Trang CNA dẫn nguồn tin từ một quan chức Indonesia cho biết 4 tàu tìm kiếm đã được triển khai tại vùng Manggar, phía Đông đảo Belitung.
11h30 Trước những tin đồn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai kêu gọi các hành khách không có định kiến với ngành hàng không Malaysia. Năm 2014 là một năm đầy tai ương với ngành hàng không nước này khi máy bay MH370 mất tích bí ẩn, còn chiếc MH17 đã bị bắn hạ trên không phận Ukraine.
11h20 Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia Ignasius Jonan thông báo với báo giới rằng chính phủ nước này sẽ xem xét lại toàn bộ quá trình tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 của hãng AirAsia. Bộ trưởng Jonan nói thêm rằng việc xem xét này là nhằm “đảm bảo rằng mọi hoạt động sẽ được tiến hành tốt hơn trong thời gian tới”.
Trước đó, các quan chức Bộ giao thông vận tải của Indonesia đã nhận được thông tin rằng chuyến bay QZ8501 có thể đã mất liên lạc vào lúc 6h41 chứ không phải là 7h24 như được thông báo trước đó. Nguồn tin này cũng cho rằng chiếc máy bay hiện đang ở trên biển Java.
Các thân nhân hành khách không cầm được nước mắt.
11h0 Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia trên đảo Belitung cho hay: “Chúng tôi nhận được nhiều thông tin rằng người dân nghe thấy những va chạm xung quanh các đảo Pulau Nangka và Pulau Nung”.
11h05 Thủ tướng Úc Tony Abbott viết Twitter: “Vụ mất tích của QZ8501 không bí ẩn như MH370 và cũng không tàn bạo như MH17 trước đó. Chiếc máy bay của hãng AirAsia đã gặp thời tiết xấu và bị rơi”.
“Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi điều có thể cho đến khi tìm thấy những mảnh vỡ của chiếc máy bay này”, ông Abbott tuyên bố.
11h Người đại diện sân bay Changi cũng cho hay, sân bay đã mở một phòng chờ cho các thân nhân những người có mặt trên chuyến bay, cung cấp đồ ăn và cử các nhân viên chăm sóc họ. Phòng chờ được trang bị TV, mạng internet để những người này có thể theo dõi thông tin và bám sát tình hình giải cứu. Tuy nhiên hiện không khí tại phòng chờ hết sức ảm đạm và nặng nề.
10h53 Một đại diện của sân bay Changi, Singapore cho hay có thêm nhiều thân nhân của hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay mất tích sẽ bay đến Surabaya, Indonesia để theo sát tình hình tìm kiếm. Tối qua, 16 hành khách cũng đã bay từ Singapore sáng Indonesia để có thể cập nhật ngay những thông tin mới nhất của tiến trình tìm kiếm.
10h50 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định cử thêm một chiếc máy bay C-130 đến hiện trường tìm kiếm chuyến bay QZ8501 vào trưa nay và sẽ điều thêm một tàu đổ bộ xe tăng vào tối nay.
Ông Ng Eng Hen cũng cho hay người đồng cấp Indonesia Ryamizard Ryacudu tối qua đã có cuộc điện đàm cảm ơn sự hỗ trợ của Singapore trong cuộc tìm kiếm chuyến bay mất tích của hãng AirAsia.
Chuyến bay QZ8501 đã mất tích sau khi cất cánh từ Surabaya để tới Singapore.
10h34 Trong khi đó, các quan chức ngành giao thông vận tải Indonesia không xác nhận hay phản đối giả thuyết chiếc máy bay QZ8501 đã nằm dưới đáy biển của người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia Bambang Soelistyo trước đó.
Trong một diễn biến khác, một quan chức Bộ Quốc phòng Singapore thông báo trưa nay, Singapore đã điều thêm một máy bay quân sự C130 đến hiện trường tìm kiếm, đồng thời cho biết tối nay, 3 chiếc tàu của Singapore sẽ được cử đến Indonesia để hỗ trợ tìm kiếm chuyến bay mất tích của hãng AirAsia.
Tàu Singapore tham gia tìm kiếm chuyến bay QZ8501.
Còn chiếc máy bay của Úc được điều hồi sáng sớm nay đang sát cánh cùng lực lượng tìm kiếm do Indonesia dẫn đầu, khẩn trương tiến hành công tác tìm kiếm.
10h30 Một người thân của hành khách trên chuyến bay cho biết có khả năng máy bay QZ8501 đã hạ độ cao và lượn xuống thấp vào lúc 6h41 sáng 28/12. Người này cho rằng nếu máy bay rơi vào khoảng thời gian này, công tác tìm kiếm cứu nạn đang được tiến hành sai địa điểm. Người này cũng cho rằng chiếc máy bay đang ở ngoài biển Java chứ không phải gần đảo Belitung.
Người thân các nạn nhân đang ngóng chờ thông tin từng phút.
10h20 Trang Yonhap đưa tin Hàn Quốc sẽ cử 1 tàu tuần tra đến hỗ trợ Indonesia tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 vào ngày mai 30/12. Trang này cũng xác nhận rằng một gia đình 3 người mang quốc tịch Hàn Quốc ở trên chiếc máy bay bị mất tích.
10h15 Giới chức Indonesia cho biết thời tiết hôm nay khả quan hơn hôm qua với tầm nhìn khoảng 2km.
10h10 Trong buổi họp báo sáng nay tại Surabaya, Indonesia, các quan chức Indonesia khẳng định họ đã cử 10 tàu, 2 máy bay trực thăng và các đội thợ lặn tới khu vực tìm kiếm. Ít nhất 2 tàu Indonesia đã rất gần khu vực máy bay QZ8501 bị mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu vào sáng 28/12.
Trong buổi họp báo, các phóng viên đã đặt ra câu hỏi: “Liệu chiếc máy bay QZ8501 có thể thay đổi vị trí sau khi mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu hay không? Nhất là khi 24h đã trôi qua”. Giới chức Indonesia trả lời: “Chiếc máy may có kích cỡ và khối lượng lớn bởi vậy khó có khả năng nó dịch chuyển được nhiều sau một ngày”. Các quan chức nước này cũng khẳng định “sẽ cố gắng tìm ra chiếc máy bay này”.
Trước thông tin một ngư dân nghe thấy tiếng va chạm gần Pulau Nangka, các quan chức Indonesia trả lời: “Chúng tôi không thể xác nhận thông tin này, mọi hoạt động đang được tiến hành ở vùng biển gần đảo Belitung, cách duy nhất để biết là hỏi những người ở đó”.
9h55 Ông Bambang Soelistyo, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia, cho biết với báo giới rằng: “Dựa trên các tọa độ được cung cấp và các đánh giá của chúng tôi, vị trí xảy ra vụ tai nạn được tính toán là ở trên biển, giả thiết chúng tôi đưa ra là chiếc phi cơ hiện đang nằm dưới đáy biển”.
Ông Soelistyo cũng cho hay đây chỉ là giả thuyết ban đầu, có thể có những thay đổi dựa trên các đánh giá về các phát hiện mới trong quá trình tìm kiếm.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng hàng không AirAsia Tony Fernandes đã rời Surabaya, Indonesia và quay trở lại Jakarta. Nhưng ông cam kết rằng hãng hàng không AirAsia sẽ liên tục cung cấp các thông tin mới về cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
9h50 Hãng tin Straits Times đưa tin tàu RSS Supreme của Singapore đã tới Indonesia và tham gia vào công tác cứu hộ. Hiện một tàu lớn đổ bộ xe tăng, tàu ngầm và tàu giải cứu của Singapore cũng đã sẵn sàng xuất phát khi cần thiết.
9h40 Bộ Quốc phòng Singapore công bố một bức ảnh cho thấy Thứ trưởng Quốc phòng Singapore Chan Chun Sing đã có mặt trên tàu RSS Supreme để trực tiếp theo sát chỉ đạo công tác tìm kiếm chuyến bay QZ8501.
9h30 CNA đưa tin, giới chức Indonesia cho hay hơn 200 người đã được triển khai tới 4 khu vực tìm kiếm gần đảo Belitung.
Hai thành viên của hải quân Indonesia trên một máy bay tham gia tìm kiếm QZ8501.
9h25 Hãng Channel News Asia (CNA) đưa tin: “Giới chức Indonesia cho biết các ngư dân nghe thấy tiếng va chạm gần Paula Nangka, trong khi những người các nhìn thấy một máy bay lao xuống khu vực Pulau Lung”.
Trước đó, hãng CNA cũng cho hay, cuộc tìm kiếm ngày hôm nay của lực lượng tìm kiếm do Indonesia dẫn đầu sẽ tập trung vào khu vực Pulau Momparang, Pulau Nangka và Pulau Lung.
Theo CNA, các máy bay, tàu, phi công, thủy thủ của Indonesia, Malaysia, Singapore và Úc sẽ tham gia vào công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích trong ngày tìm kiếm thứ 2.
Khu vực tìm kiếm sẽ được tiến hành gần đảo Belitung.
8h40 Các quan chức không quân Indonesia thông báo: “Chúng tôi đang tập trung tìm kiếm tại vùng biển phía đông và bắc đảo Belitung”.
Trang AFP dẫn lời phát ngôn viên của không quân Indonesia Hadi Cahyanto xác nhận 5 chiếc máy bay đã được cử đi để tiến hành công tác tìm kiếm, bao gồm 2 máy bay quân sự C-130 và 1 máy bay Boeing 737.
Ông Cahyanto cho hay: “2 chiếc máy bay đã rời đi, 3 chiếc nữa sẽ tiếp tục theo sau. Trời vẫn nhiều mây tại nhiều vùng nhưng hiện đã sáng hơn”.
8h30 Trang Channel News Asia đưa tin chuyến bay từ sân bay Surabaya, Indonesia đến Chanqi, Singapore trong ngày hôm nay 29/12 cùng khung giờ với QZ8501 đã hạ cánh an toàn.
Video công tác tìm kiếm máy bay mất tích:
8h20 Malaysia đã mở trung tâm hoạt động 24/24 để hỗ trợ công tác tìm kiếm máy bay QZ8501 bị mất tích. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Malaysia thông báo số điện thoại liên lạc của trung tâm nêu trên là +603-88874570 và +603-88892746.
Tuyên bố cũng cho hay trong cuộc nói chuyện với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi, Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Anifah Aman đã chia buồn với những hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay QZ8501. Ngoại trưởng Malaysia cũng bày tỏ thiện chí sẵn sàng hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn chiếc máy bay của hãng AirAsia.
Lực lượng quân sự tìm kiếm và cứu nạn máy bay QZ8501 của Indonesia đã ở Manggar phía đông đảo Belitung, Indonesia. Bức ảnh cho thấy quân đội đang bàn thảo với những ngư dân địa phương về việc triển khai công tác tìm kiếm.
...
Một quan chức quân đội Indonesia thảo luận với người dân về vụ máy bay mất tích.
7h55 Bộ Quốc phòng Úc đã cử một chiếc máy bay tuần tra hàng hải RAAF AP-3C Orion để hỗ trợ Indonesia trong công tác tìm kiếm. Chiếc máy bay cất cánh tại thành phố Darwin sáng sớm nay và đã gia nhập lực lượng tìm kiếm, cứu nạn do Indonesia dẫn đầu.
Đại tướng không quân Mark Binskin, Tư lệnh lực lượng Quốc phòng Úc cho hay: “Chiếc RAAF AP-3C Orion có khả năng hỗ trợ tìm kiếm và cứu nạn cao, vì nó được trang bị các radar dò tìm hàng hải đi kèm những máy cảm biến hồng ngoại và điện quang để hỗ trợ khả năng quan sát trên biển”.
7h50 Chiếc máy bay quân sự C-130 thứ hai đã được Bộ quốc phòng Singapore triển khai cho cuộc tìm kiếm QZ8501 vào sáng sớm nay.
7h40 BBC dẫn lời ông Bambang Soelistyo, người đứng đầu nhóm tìm kiếm và cứu nạn của Indonesia, cho hay nước này đã điều 12 tàu, 3 trực thăng và 5 máy bay quân sự cho cuộc tìm kiếm chuyến bay mất tích QZ8501.
Malaysia đã triển khai một máy bay C-130, cùng với 3 tàu, trong khi Singapore triển khai một máy bay C-130 và Úc cũng trợ giúp tìm kiếm.
Khu vực tìm kiếm gần đảo Belitung.
Khu vực tìm kiếm máy bay mất tích sẽ được tiến hành gần đảo Belitung.
Hôm qua, cuộc tìm kiếm đã bắt đầu ngay sau khi máy bay mất tích nhưng phần lớn đã bị ngừng khi đêm xuống.
Mặc dù một số tàu vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm trong đêm, nhưng các tàu và máy bay tìm kiếm chính từ vài quốc gia đã nối lại ngay khi trời sáng.
Quan chức từ Bộ giao thông Indonesia Tatang Kurniadi cho biết: “Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tìm chiếc máy bay. Chúng tôi đang phối với tất cả các bộ phận có thể và quốc gia liên quan”.
“Điều này bao gồm cả bộ phận chịu trách nhiệm thiết kế máy bay, hãng chế tạo máy bay từ Pháp, các nhóm hoạt động liên quan từ AirAsia và Malaysia”, ông Kurniadi nói thêm.
7h25 Trang tin Mirror của Anh cho biết, tổng cộng 8 tàu, 2 máy bay quân sự cùng 3 máy bay trực thăng đã triển khai tới khu vực tìm kiếm chuyến bay của hãng AirAsia gặp nạn.
7h15 Bộ quốc phòng Singapore thông báo vào 0h ngày 29/12, họ đã cử 2 tàu hải quân RSS Valour và RSS Supreme đến khu vực tìm kiếm và sẽ mất một ngày để có thể chính thức tham gia vào công tác tìm kiếm cùng với các tàu của Indonesia.
7h Tatang Zainuddin, Phó giám đốc nhân sự cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia, thông báo: “Chúng tôi đã nối lại công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hãng AirAsia vào lúc 6h00 (giờ địa phương)”.
Ông Zainuddin thông tin thêm: “Chúng tôi đã cử thêm 4 chiếc máy bay tham gia tìm kiếm. Hiện lực lượng tìm kiếm và cứu nạn đã đến vùng phía đông đảo Belitung. Tôi hy vọng rằng chiếc máy bay sẽ được tìm thấy sớm… Sẽ có thêm nhiều sự trợ giúp từ các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn ở các thành phố xung quanh khu vực tìm kiếm”.
***
Chuyến máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia chở 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn khởi hành từ sân bay Surabaya, Indonesia đến sân bay Chanqi, Singapore đã mất tích vào sáng ngày 28/12 sau khi cơ trưởng xin phép đổi hướng và đổi độ cao để tránh mây bão.
Singapore thông báo nước này đã cử 2 tàu hải quân đến giúp quân đội Indonesia tìm kiếm chiếc máy bay Airbus A320-200 mang số hiệu QZ8501, đồng thời cho hay một chiếc máy bay quân sự C-130 cũng đã được gửi tới Indonesia từ chiều tối ngày 28/12.
Hãng tin AFP đưa tin Malaysia sẽ điều 3 tàu hải quân và 1 máy bay C-130 đến để hỗ trợ công tác tìm kiếm chiếc máy bay xấu số của hãng AirAsia.
Máy bay QZ8501 mất tích khi đang trên đường từ Indonesia tới Singapore.
Phía Úc, Mỹ, Anh, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đề nghị được giúp đỡ máy bay, tàu hải quân cùng các chuyên gia để góp phần tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501.
Giám đốc điều hành hãng AirAsia Indonesia Sunu Widyatmoko cho hay: “Chúng tôi vô cùng bàng hoàng và đau buồn trước vụ việc này. Hãng AirAsia sẽ hợp tác cùng các cơ quan liên quan hết mức có thể để tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc máy bay QZ8501 mất tích”.
AirAia Indonesia là chi nhánh liên doanh giữa Indonesia và Malaysia, với 49% vốn của hãng AirAsia Malaysia. Hãng hàng không AirAsia cũng có chi nhánh tại Thái Lan, Phillipines, Ấn Độ và chưa từng gặp tai nạn nghiêm trọng kể từ khi tỷ phú Tony Fernandes thành lập tập đoàn AirAsia với trụ sở chính ở Malaysia năm 2002.
Trên chiếc máy bay mất tích QZ8501 có 155 hành khách, 2 phi công và 5 tiếp viên hàng không. Trong đó, có 155 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Malaysia, 1 người Pháp và 1 người Anh.
Thân nhân các hành khách trắng đêm chờ tin tức người thân.
Chiếc máy may của hãng AirAsia đã đi được một nửa đoạn đường từ Surabaya đến Singapore khi nó mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu vào 7h24 sáng 28/12 (giờ địa phương). Giới chức Indonesia cũng thông báo không có tín hiệu cầu cứu nào được phát đi từ QZ8501.
Tại thời điểm sáng sớm ngày hôm qua, thời tiết gần đảo Belitung không thuận lợi chiếc máy may QZ8501 đã phải tăng độ cao từ 32.000 feet (khoảng 9,75km) lên 38.000 feet (khoảng 11,5km) để tránh những đám mây bão, Tổng giám đốc cơ quan vận tải hàng không của Indonesia Djoko Murjatmodjo cho hay.
Cơ trưởng của chuyến bay nêu trên đã xin phép “đổi hướng và tăng độ cao để tránh thời tiết xấu”, ông Djoko Murjatmodjo cho hay.
Hãng AirAsia cho hay cơ trưởng người Indonesia đã có kinh nghiệm 6.100 giờ bay trong khi cơ phó người Pháp cũng có trên 2.500 giờ bay. Chiếc Airbus A320-200 mang số hiệu QZ8501 mới được bảo trì hồi giữa tháng 11 và đã bay an toàn trong hơn 13.600 chuyến bay với tổng số giờ bay lên tới 23.000 giờ.
Giám đốc điều hành AirAsia Malaysia Tony Fernandes đã bay tới Surabaya và cùng với các quan chức Indonesia để gặp gỡ người thân của các hành khách và phi hành đoàn, cam kết sẽ luôn cập nhật thông tin cho họ về các diễn biến mới nhất của tình hình giải cứu. Ông cũng cho hay : “Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất đời tôi”.
Hãng AirAsia đã đổi giao diện trang web và biểu tượng của mình sang tông màu xám đen và lập địa chỉ web mới để cập nhật thông tin vụ mất tích của máy bay QZ8501.
Danh sách hành khách được dán công khai.
Vụ mất tích này xảy đến trong năm đầy tai ương của ngành hàng không Malaysia. Trước đó chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines đã mất tích bí ẩn hồi tháng 3 với 239 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay. Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa có thông tin gì về số phận của chiếc máy bay này. Còn chuyến bay MH17 bị rơi ở đông Ukraine hồi tháng 7, làm 298 người trên khoang thiệt mạng.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân cầu nguyện cho chiếc máy bay QZ8501 cùng những người trên chuyến bay.
Trong bài phát biểu tại quảng trường St. Peter ở Vatican, Giáo hoàng Francis cũng đã cầu nguyện cho những hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay xấu số QZ8501.