Tách phiếu trắc nghiệm từng bài thi tổ hợp
Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam: “Chúng ta nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn; tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể các em hỏi các bạn và về điều chỉnh.
Tôi cho rằng, trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách, khi xử lý phiếu trắc nghiệm họ sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi”, ông Quốc đề xuất.
Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm nên nghiên cứu để có thể mã hóa về phách, làm sao cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.
Khâu chấm quan trọng nhưng dù thế nào cũng là do con người. Nếu quy trình không xác định rõ nhận thức của người làm thi, sẽ nảy sinh tiêu cực. Nên điều quan trọng nhất là trước khi kì thi diễn ra, chúng ta phải quán triệt các quy định, quy chế, đặc biệt cho cán bộ làm thi, để làm sao không có sự tiêu cực ở trong mỗi một khâu.
Trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách, khi xử lý phiếu trắc nghiệm họ sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi. (Ảnh: Mỹ Hà). |
Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, việc các phiếu trả lời trắc nghiệm có thể không nhất thiết phải đưa tất cả các bộ môn tổ hợp vào một phiếu.
“Thực tiễn làm công tác thi, chúng tôi thấy phần này cũng gây nên phiền toái cho giám thị giám sát, đồng thời là kẽ hở cho thí sinh có thể sau thời gian thi hết môn các em lại hỏi các bạn có trình độ khá hơn, để vào môn thi thứ 2 các em lấy phiếu tổng hợp đó tiếp tục chỉnh sửa và không giám sát được.
Như vậy với mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm, sau đó tiến hành niêm phong để tiếp tục môn khác. Làm như vậy sẽ tạo thoải mái hơn cho giám thị và tạo nên tính nghiêm túc cho kì thi”, ông Vĩnh cho hay.
Đề thi: Tránh khó hoặc dễ quá
Để hoàn thiện kỳ thi năm 2019, bà Hằng đề xuất, trước hết cần hoàn thiện khâu đề thi, bộ ngân hàng đề làm sao đánh giá được kiến thức và năng lực, trình độ của học sinh, tránh đòi hỏi cao quá hoặc dễ quá.
Về vấn đề này, ông Quốc đưa ra nhận định, đề thi là khâu vô cùng quan trọng của kỳ thi. Đề thi như năm vừa qua đã đảm bảo độ bảo mật, phân hóa để vừa xét tốt nghiệp, vừa là cơ sở các trường ĐH tuyển sinh. Tất nhiên, chúng ta cũng cần đầu tư thêm vào ngân hàng đề thi để làm sao sự phân hóa đề đạt như mong muốn.
Bộ GD&ĐT cần tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia (Ản: Mỹ Hà). |
Còn theo ông Vĩnh, đề nghị Bộ GD&ĐT ổn định thời gian thi. Khi ổn định tương đối thời gian thi từ 24-27/6 như năm vưa qua, các Sở GD&ĐT trên cơ sở đó, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, tổng kết năm học, ôn tập, kế hoạch thi thử, đồng thời thực hiện song hành với công tác tuyển sinh lớp 1, 6, 10 đầu cấp ở địa phương.
Thứ 2 về cấu trúc đề thi, đề thi năm nay khá ổn, chỉ chú ý thêm 2 môn là Ngoại ngữ và Lịch sử để làm sao có phổ điểm tương đối đẹp, đồng bộ như các bộ môn Toán, Lý, Sinh học…
Cũng đưa ra ý kiến về đề thi, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho hay, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia; tập trung bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra đề thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra.
Cần công bố sớm nội dung chương trình thi THPT Quốc gia năm 2019 ổn định như năm 2018 là có cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 nhưng cần xác định khối lượng chuẩn kiến thức lớp 11 để học sinh và giáo viên định hướng tốt hơn, giảm áp lực cho học sinh (học thêm, học trước chương trình...). Bởi lẽ, mục đích chính của kỳ thi là để xét tốt nghiệp, nếu không cân đối tốt 2 mục tiêu này và nếu quá chú trọng vào mục đích của kỳ thi để xét tuyển đại học, kỳ thi vẫn sẽ gây nhiều áp lực đối với thí sinh và xã hội.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí