Phổ điểm chung môn Toán sẽ không thấp, đại trà phổ điểm chung là 5 |
Tỷ lệ tốt nghiệp vẫn cao
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa với đề thi 2018, dư luận đánh giá chung là khó và dài. Tuy nhiên, các nhận định cũng cho rằng thí sinh trung bình vẫn có khả năng đạt được 4 - 5 điểm. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì với công thức tính điểm xét tốt nghiệp như hiện nay, điểm trung bình lớp 12 của học sinh được cho khá cao.
Nhận định về điểm thi môn Toán, thầy giáo Hoàng Hữu Văn - giáo viên Trường THCS-THPT Newton, Hà Nội cho rằng, mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm 50%, từ câu 1 đến câu 25, phù hợp để xét điều kiện tốt nghiệp. Mức độ vận dụng và vận dụng cao chiếm 50%, chủ yếu nằm ở nội dung chương trình lớp 12. Phần này có tính phân loại tốt, phù hợp để xét tuyển các trường đại học, cao đẳng. Học sinh có kiến thức cơ bản có thể có điểm trung bình, học sinh khá có thể đạt được 7 - 8 điểm. Học sinh phải học thật tốt mới có được điểm 9 với đề thi này.
Thầy Lê Văn Cường - giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) các câu hỏi trong đề toán được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần. Với đề thi này, học sinh đại trà có thể được 5 điểm, nhưng để đạt 8-9 điểm phải là học sinh giỏi.
Với đề Ngữ văn, cô giáo Nguyễn Thị Tố Nga, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội đánh giá, đề đảm bảo mức độ phân hoá, phát huy được tính sáng tạo của học sinh. Ở phần làm văn, đây là câu hỏi phân hoá mức độ cao. Với đề thi này, theo tôi học sinh chủ yếu được 5-6 điểm, điểm 8 trở lên dành cho những học sinh giỏi.
Cô giáo Vũ Thị Bình, giáo viên Trường Trần Phú, Hà Nội nhận định, đề Ngữ văn phân hóa cao hơn so với đề năm ngoái. Với đề thi này, học sinh sẽ làm được từ 60-80%, đương nhiên có những em ở mức độ cao hơn nên phổ điểm trung bình sẽ từ 6-8 điểm.
Với đề Lý, thầy giáo Nguyễn Hoài Anh - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ cho rằng, so với những đề năm trước, đề năm nay đòi hòi học sinh phải tính toán nhiều hơn, chỉ có 12 câu không phải tính toán. Đặc biệt có 20 câu phải tính toán nhiều, học sinh để đạt được điểm 5 là khả thi nhất với học lực trung bình, với đỉnh của phổ điểm có thể nằm trong khoảng 6 đến 7 điểm, lượng trên 8 điểm sẽ ít hơn năm trước.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng - giáo Trường THPT Trần Phú, Hà Nội nhận định, với đề Lý năm nay, với thí sinh lực học trung bình dễ dàng đạt từ 5 – 6 điểm, mức 7 -8 đòi hỏi học sinh ngoài kiến thức cơ bản ra còn phải tính toán nhanh, mức điểm 9 -10 hiếm, sẽ không có nhiều học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối.
Cô giáo Bùi Thị Quỳnh Anh - giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho rằng, các câu hỏi trong đề thi Lý năm nay hầu như được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó. Học sinh trình độ đại trà có thể đạt 5 đến 5,5 điểm với đề thi này. Để đạt điểm khá giỏi, học sinh phải có kiến thức chắc chắn, hiểu rõ về bản chất vật lý. Với điểm 9, 10, bên cạnh yêu cầu trên, học sinh cần có tư duy nhạy bén, tư duy toán tốt. Đề có tính phân loại cao, phổ điểm dự kiến tập trung ở mức 6 - 6,5 điểm.
Với đề Hóa, cô Vũ Thị Phương Quế - giáo viên Hóa học Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ nhận định, so với đề năm ngoái, độ khó tăng hơn, cách ra đề hay hơn. Học sinh thi để đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp, đạt 5 điểm không khó; để đạt điểm 8 – 8,5, học sinh có kiến hóa học chắc chắn, chăm chỉ dễ đạt được. Tuy nhiên, để đạt đến điểm 9-10, ngoài kiến thức chắc chắn, đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng làm bài rất tốt, phản ứng nhanh.
Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, GDCD: Cao nhất chỉ đến 8 điểm
Đối với đề thi tiếng Anh, cô giáo Cao Thuỳ Dương - giáo viên tiếng Anh trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) nhận định, học sinh có học lực trung bình có thể đạt được 5-6 điểm, nhưng để đạt điểm 8 thì không phải đơn giản. Đề năm nay đáp ứng được hai mục tiêu (xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng), nhưng nhìn chung điểm năm nay có thể thấp hơn năm trước. Phổ điểm tiếng Anh có thể rơi vào khoảng 5,5 - 6 điểm. Còn cô Nguyễn Thị Thu Hằng - giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho rằng, với đề thi năm nay, học sinh sức học trung bình có thể đạt 4-5 điểm.
Đối với đề Lịch sử, theo cô giáo Lê Thị Mỹ Dung - giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), với ma trận đề năm nay, từ câu 1-24, chủ yếu ở hai mức độ là nhận biết và thông hiểu, dành cho học sinh có học lực trung bình, trung bình khá, có tiêu chí chỉ xét tốt nghiệp THPT. Theo quan điểm của tôi, học sinh dễ dàng đạt từ 5-6 điểm. Từ câu 25-40, mức độ khó tăng dần, dành cho học sinh có học lực khá giỏi; đặc biệt 4 câu cuối dành cho học sinh giỏi, có tiêu chí xét tuyển đại học. Phổ điểm chủ yếu là điểm 6-7. Để đạt điểm tuyệt đối, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức lịch sử sâu, rộng, biết vận dụng, liên hệ tốt.
Với đề Địa lý, cô giáo Lê Thị Hải Anh - Tổ trưởng tổ chuyên môn Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho rằng, đề hơi dài yêu cầu học sinh phải biết kỹ năng đọc hiểu và tổng hợp kiến thức. Dự đoán phổ điểm chủ yếu từ 4 đến 6 điểm, rất ít điểm 9-10.
Thầy giáo Bùi Ngọc Phóng - giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội nhận định, phổ điểm từ 5 trở lên là chủ yếu; khoảng 10% đến 15% học sinh đạt từ 9-10 điểm. Nhiều khả năng không có điểm liệt.
Môn Giáo dục công dân, cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh, giáo viên Trường THPT Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội nhận định, đề thi đã có sự vận dụng của nhiều kiến thức thực tiễn, nhất là kiến thức lớp 11. Phổ điểm trung bình năm nay sẽ từ 6 đến 7 điểm, điểm tối đa rất hạn chế vì mức độ vận dụng cao chiếm 30% câu hỏi đề thi. Các câu vận dụng cao chủ yếu năm trong kiến thức lớp 12.
Theo cô giáo Vũ Thị Thu Thuỷ - Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, nhìn chung, với đề Giáo dục công dân cơ bản học sinh sẽ đạt từ 5-6 điểm, nhưng để đạt 7-8 điểm đề đã có sự phân hoá cao. Còn điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu, rộng kiến thức và có kiến thức thực tiễn.
Tác giả: Mỹ Hảo
Nguồn tin: Báo Dân trí