Đặc tính của bánh Trung Thu thường có mùi vị rất thơm và có độ ngọt sắc, nên rất nhiều trẻ thích ăn loại bánh này. Không chỉ có vậy, các bậc phụ huynh đôi khi cũng “thả phanh” cho con ăn vì tâm lý, mỗi năm chỉ có một mùa trung thu nên việc mỗi lần ăn 1 đến 2 cái cũng không sao.
Chính suy nghĩ như vậy của các phụ huynh nên không ít trẻ mắc các chứng bệnh sau khi mùa Trung Thu qua đi. Theo nhận định của các chuyên gia dinh dưỡng, sau mỗi mùa trung thu, có nhiều trẻ đến khám bệnh vì tình trạng biếng ăn, thậm chí có những trẻ phải điều trị các bệnh liên quan đến đường dinh dưỡng.
Điều đó rất dễ hiểu, bởi đối với các trẻ biếng ăn, việc ăn bánh nhiều khiến bé mất cảm giác đói và thèm ăn. Khi đến bữa chính, bé sẽ có xu hướng bỏ bữa. Điều này vô cùng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, bởi hàm lượng dinh dưỡng trong bánh Trung Thu không thể thay thế được cho một bữa ăn hàng ngày.
Cho trẻ ăn bánh Trung Thu quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.
Không chỉ đối với những trẻ biếng ăn, mà ngay cả các bé vốn đã hơi mập mạp một chút, việc ăn nhiều bánh Trung Thu có thể trở thành một nguy cơ rất lớn.
Theo đó, mỗi chiếc bánh Trung Thu chứa rất nhiều năng lượng, tính trung bình một chiếc bánh dẻo có hơn 800 kcal tương đương với năng lượng của 2 tô bún thịt nướng mang lại, còn một chiếc bánh nướng thập cẩm 2 trứng thì chứa hơn 1000 kcal tương đương với 2 tô phở.
Lượng bột đường trong một chiếc bánh dẻo tương đương với gần 4 chén cơm trong khi bánh nướng là 2,5 chén. Đường trong bánh Trung Thu lại chủ yếu là đường hấp thu nhanh, vì vậy nếu ăn quá nhiều bánh bé có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất cao.
Theo BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), do bánh trung thu có nhiều chất béo, chất đạm động vật nên rất khó tiêu, vì vậy chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ.
Khi ăn xong trẻ cần súc miệng ngay để không sâu răng, đặc biệt là với bánh dẻo sẽ dính chặt vào răng gây sâu răng nhiều hơn. Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp.
Nếu ăn ½ bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh.
Nếu không giảm phần cơm thì nên đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa. Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.
Quỳnh Thơ/GĐVN